Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, thành lập Ủy ban điều phối vùng ĐBSCL nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích phát triển giữa các bên liên quan, giữa các ưu tiên trước mắt với mục tiêu lâu dài, giảm thiểu các xung đột lợi ích giữa các địa phương, các tiểu vùng trong khu vực, giữa các lĩnh vực kinh tế; tăng cường kết nối giữa vùng ĐBSCL với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ.
Chiều 18/6, tại Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), ngoài báo cáo tổng hợp về kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 12 giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Thứ nhất, khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách được giao tại Nghị quyết và Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết; đặc biệt là cơ chế chính sách huy động nguồn lực, nhất là từ khối tư nhân. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai hình thức đối tác công tư cho phát triển bền vững ĐBSCL; giải quyết các điểm nghẽn để thúc đẩy tập trung đất đai cho sản xuất quy mô lớn, linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Thứ hai, khẩn trương hoàn thiện cơ chế điều phối vùng ĐBSCL, thành lập Ủy ban điều phối vùng ĐBSCL nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích phát triển giữa các bên liên quan, giữa các ưu tiên trước mắt với mục tiêu lâu dài, giảm thiểu các xung đột lợi ích giữa các địa phương, các tiểu vùng trong khu vực, giữa các lĩnh vực kinh tế; tăng cường kết nối giữa vùng ĐBSCL với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ.
Thứ ba, đẩy nhanh quá trình xây dựng và phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp đa ngành.
Thứ tư, tập trung đầu tư nguồn lực bao gồm vốn Nhà nước cho một số công trình, dự án có tính chất trọng điểm, cấp bách, liên ngành, liên vùng có tính chất tạo động lực lan tỏa thu hút các nguồn lực đầu tư khác. Xây dựng Chương trình mục tiêu về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 để tập trung những nội dung, nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong giai đoạn này và đến năm 2030.
Thứ năm, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế toàn vùng theo hướng “thuận thiên”, tận dụng tối đa các lợi thế của từng địa phương, tiểu vùng, trong đó ưu tiên tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp theo hướng hình thành các hệ sinh thái kinh tế xanh, bền vững.
Thứ sáu, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thúc đẩy hình thành các trung tâm phát triển, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ cao gắn với các thế mạnh của vùng.
Thứ bảy, khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu liên ngành về ĐBSCL nhằm cung cấp thông tin một cách đồng bộ, hệ thống phục vụ công tác hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các quyết định đầu tư, các hoạt động ứng phó với BĐKH, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Sớm hoàn thành Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL để chia sẻ, khai thác, sử dụng phục vụ phát triển ĐBSCL.
Thứ tám, đẩy mạnh điều tra, đánh giá và xây dựng giải pháp tổng thể trữ nước dựa vào xu thế tự nhiên của từng khu vực; phòng chống sạt lở bờ sông, xâm thực biển và sụt lún đất vùng ĐBSCL.
Thứ chín, phát triển đồng bộ hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn, hệ thống thủy lợi; đầu tư, xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước, y tế.
Thứ mười, đổi mới công tác đào tạo, biến những người nông dân thành công nhân nông nghiệp có trình độ tay nghề cao và góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động.
Mười một là, đẩy mạnh công tác điều phối các hoạt động hợp tác song phương, đa phương và với các quốc gia thượng nguồn về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên nước.
Mười hai là, tăng cường hợp tác quốc tế, thiết lập các khuôn khổ hợp tác mới trong lĩnh vực BĐKH và tài nguyên nước nhằm phát huy sự hỗ trợ, đầu tư của các đối tác phát triển để phát triển bền vững ĐBSCL; lựa chọn các giải pháp đồng lợi ích để tăng khả năng huy động nguồn lực quốc tế.