Ngày 18-6, Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về việc triển khai một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Nghị quyết nêu rõ, do tính chất nguy hiểm của vi-rút DTLCP, hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị; vi-rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát.
Thời gian tới, nguy cơ DTLCP tiếp tục phát sinh và lây lan nhanh đến các địa bàn chưa có dịch; tái phát tại các địa phương và xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn… Để khắc phục tình trạng nêu trên, Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tích cực, trách nhiệm, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống DTLCP theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí phòng, chống DTLCP, cụ thể là hỗ trợ người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do dịch với mức hợp lý trên cơ sở giá thành, chi phí chăn nuôi lợn và phù hợp từng loại lợn (lợn nái, lợn đực giống đang khai thác được mức hỗ trợ cao hơn các loại lợn khác).
Việc triển khai hỗ trợ phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, dưới sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và người dân, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách. Nghị quyết cũng nêu rõ các mức hỗ trợ thiệt hại DTLCP đối với từng khu vực, từng địa phương, đồng thời đề nghị tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh cấu trúc lại ngành chăn nuôi, khuyến khích thu mua lợn sạch, không nhiễm bệnh để tiêu thụ, cấp trữ đông kết hợp thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác cho người dân tránh gây hoang mang trong xã hội…
* Ngày 18-6, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tổ chức diễn đàn chuyên đề về quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó sụt lún, sạt lở ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đến năm 2018, ĐBSCL có 562 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm… Các chuyên gia cho rằng vùng ĐBSCL cần hạn chế khai thác nước dưới đất, có các giải pháp ứng phó nguy cơ ngập mặn do tác động kép của nước biển dâng và sụt lún đất…
* Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT), nhằm đối phó tình trạng sạt lở bờ sông, bảo vệ sản xuất, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã tích cực triển khai các giải pháp đối phó. Theo đó, tỉnh An Giang phát hiện và xử lý hơn 160 vị trí cống bọng, bờ bao bị thấm, rò rỉ nước. Tỉnh Kiên Giang đã cắm 186 biển cảnh báo sạt lở; gia cố hơn 580 km bờ bao, đắp 207 đập ngăn lũ. Tỉnh Long An tôn cao hơn 64 km đê bao, bảo vệ 30.000 ha lúa hè thu. Tỉnh Cà Mau khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu ven biển, ven sông với chiều dài gần 29 km. Hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã chủ động xả lũ lấy nước vệ sinh đồng ruộng với diện tích hơn 141.351 ha.
* Sáng 18-6, tại bờ sông Vàm Cỏ Tây thuộc Xóm Lở, ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP Tân An (Long An) xảy ra sạt lở, làm sáu căn nhà sụt xuống sông, gây thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Ngoài việc hỗ trợ bà con, chính quyền địa phương đã huy động nhân lực xử lý các điểm sạt lở.
* Tỉnh Quảng Trị phê duyệt dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển. Trong đó có dự án đầu tư trồng, phục hồi và bảo vệ 7.917 ha rừng ven biển. Hiện, tỉnh có 75 km đường bờ biển; trong đó có 6 km đường bờ biển bị xâm thực sạt lở…
* Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN và PTNT), một số tỉnh trên cả nước đang bị hạn hán, thiếu nước với tổng diện tích khoảng 5.600 ha. Cụ thể, Thanh Hóa: 410 ha; Nghệ An: 3.800 ha; Quảng Bình 1.300 ha; Quảng Trị: 100 ha.
* Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang bị khô hạn, hiện có 1.240 ha trong tổng số 25.817 ha lúa hè thu năm 2019 thiếu nước tưới. Ngoài việc chuyển đổi cây trồng, thì các địa phương đã nạo vét kênh mương, sử dụng máy bơm nước cho các diện tích khô hạn nhằm giảm thiểu thiệt hại…
* Tỉnh Bình Thuận hiện mới xuống giống được khoảng 17.300 trong tổng số 33.300 ha cây trồng. 16.000 ha còn lại đang thiếu nước tưới, phải lùi tiến độ xuống giống để chờ mưa.
* Để bảo đảm đủ nước tưới cho sản xuất, tỉnh Tiền Giang đang đẩy mạnh thi công 436 công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương có tổng chiều dài hơn 45,2 km với khối lượng đất đào đắp hơn 938.000 m3, tổng kinh phí đầu tư gần 46 tỷ đồng…
* Hiện, cảng cá Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) đang khẩn trương xây dựng, nâng cấp các công trình tại cảng và khu dịch vụ hậu cần nghề cá để có thể đón tàu hơn 1.000 CV cập bến. Tỉnh có khoảng 4.300 phương tiện nghề cá với tổng công suất hơn 220.000 CV…
* Vụ hè thu năm 2019, tỉnh Thanh Hóa dự kiến gieo trồng 164.790 ha cây trồng các loại, sản lượng phấn đấu đạt 704.400 tấn. Trong đó, một số cây trồng chính, gồm: Lúa 122.040 ha; ngô 14.320 ha; khoai lang gieo trồng 1.455 ha…
Đến ngày 18-6, toàn bộ bảy huyện, thành phố tại tỉnh Tuyên Quang đã bị DTLCP xâm nhiễm với số lợn phải tiêu hủy là 3.709 con, tương đương hơn 200 tấn. Tại tỉnh Phú Thọ, đến ngày 18-6, huyện Thanh Sơn công bố bệnh DTLCP tại ba xã Cự Đồng, Địch Quả, Yên Lãng. Như vậy toàn tỉnh Phú Thọ đã có 72 xã, phường, thuộc 12 huyện, thành phố, thị trấn có dịch, tiêu hủy gần 7.000 con lợn. Tại tỉnh Bình Dương, DTLCP xuất hiện ở 99 hộ/trại chăn nuôi của 18 xã, phường, thị trấn với số lợn chết và tiêu hủy là 7.739 con. Tỉnh quyết định hỗ trợ thấp nhất là 300 nghìn đồng/ lợn con và cao nhất là 4,5 triệu đồng/lợn nái, nọc… Như vậy, tính đến chiều 18-6, DTLCP đã xuất hiện tại 58 tỉnh, thành phố trên cả nước, số lợn phải tiêu hủy là hơn 2,6 triệu con. |