Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia vừa cho biết sẽ thắt chặt các quy định liên quan đến nhập khẩu chất thải giấy. Thông báo này được đưa ra sau khi các quan chức Indonesia cho biết sẽ trả lại về Mỹ 5 container chứa rác thải độc hại được khai báo sai là phế liệu giấy.
Theo CNA, trong một phát biểu vừa qua, bà Rosa Vivien Ratnawati – người đứng đầu cơ quan quản lý chất thải không gây chết người tại Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia – cho rằng một số quy định trong Nghị định số 31/2016 của Bộ Thương mại Indonesia về nhập khẩu chất thải không gây chết người sẽ cần phải được sửa đổi lại. Trang tin Tempo dẫn lời bà Ratnawati cho biết, các quy định cần phải sửa đổi lại bao gồm đề xuất chuyển việc nhập khẩu phế liệu giấy từ luồng xanh sang luồng đỏ khi tổng lượng chất thải nhập khẩu tăng lên đến một lượng đáng kể.
Theo quy định hiện tại của Indonesia, phế liệu giấy được nhập theo luồng xanh lá cây, tức không phải kiểm tra thực tế. Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu theo luồng đỏ sẽ phải trải qua kiểm tra thực tế, xem xét kỹ lưỡng về thủ tục giấy tờ trước khi được cấp giấy phép dỡ hàng. “Chúng tôi cũng sẽ xây dựng một cơ chế thực thi pháp luật để buộc những người nhập khẩu chất thải phải chịu trách nhiệm về việc làm của họ”, bà Rosa Vivien Ratnawati cho hay. Giới chức Indonesia cũng cho biết sẽ tiếp tục tái xuất phế liệu nhập khẩu và rác thải nhựa có chứa rác.
Động thái trên của giới chức Indonesia được đưa ra 1 ngày sau thông báo sẽ trả 5 container rác lại cho Mỹ. Theo giới chức Indonesia, 5 container – thuộc sở hữu của một công ty Canada – đã được vận chuyển từ Seattle đến thành phố lớn thứ hai của Indonesia vào cuối tháng 3. Theo tờ khai hải quan, các container này chỉ chứa phế liệu giấy. Tuy nhiên, theo ông Sayid Muhadhar thuộc Bộ môi trường Indonesia, các container này chứa đầy các chất thải khác bao gồm chai, chất thải nhựa và tã lót. Giới chức Indonesia cũng cam kết sẽ không để nước này trở thành bãi rác. Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia trong thông báo ngày 17/6 cho biết, các container này đã được chuyển lên tàu và sẽ sớm cập cảng của Mỹ.
Indonesia là nước có công suất tái chế chất thải nhựa rất hạn chế, ngay cả với rác thải nhựa của nước này. Tuy nhiên, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia, trong năm ngoái, lượng rác thải nhựa nhập khẩu vào nước này đã phá kỷ lục hàng thập kỷ, lên tới tổng cộng 283.000 tấn. Mức tăng tới 141% này diễn ra sau khi Trung Quốc vào tháng 1/2018 quyết định ngừng chấp nhận chất thải nhựa từ phần còn lại của thế giới do những lo ngại về môi trường. Indonesia cũng đã có nghị định cấm nhập khẩu chất thải nhựa tiêu dùng. Các chất thải sản xuất dưới dạng giấy sạch và phế liệu nhựa vẫn có thể được nhập khẩu nếu Bộ Thương mại nước này cấp giấy phép. Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya Bakar đã cảnh báo sẽ ngay lập tức trả lại bất kỳ lô hàng rác nhập khẩu bất hợp pháp nào vào nước này.
Indonesia là nước mới nhất trả lại rác nhập khẩu sau khi nước láng giềng Malaysia hồi tháng trước tuyên bố sẽ gửi lại hàng trăm tấn chất thải nhựa cho các nước. Theo giới chức Malaysia, trong thời gian tới, Malaysia sẽ trả lại 60 container chứa 3.000 tấn rác thải cho 14 nước, bao gồm cả Australia, Canada và Mỹ. Ngoài ra, Philippines cũng đã yêu cầu chuyển trở lại Canada hàng tấn rác thải, gây ra tranh cãi giữa 2 nước sau khi Ottawa từ chối tiếp nhận 69 container rác thải không thể tái chế. Sau khi Manila rút đại sứ và lãnh sự khỏi Canada, Ottawa đã buộc phải tiếp nhận trở lại lượng rác thải trên.