Cách đây chừng 20 năm, gần như người buôn bán nhỏ ở Bình Thuận, đặc biệt là vùng Phan Thiết, La Gi đều dùng lá loon gói hàng. Ra chợ, cô bán cá dùng lá loon gói cá. Cô hàng bún dùng lá loon gói búng. Cô hàng rau dùng lá loon gói rau. Ở cảng cá, chủ nậu vựa cũng dùng lá loon lót mặt dưới, mặt trong của giỏ cần xé ướp đá cá trước khi chở đi xa…
Nhu cầu lá lớn, nên Tân Nghĩa là nơi có nhiều người sống bằng nghề đi hái lá rừng. Chính vì vậy, dẫn đến việc nhiều người thay vì leo cây hái lá thì chặt cả cây để không tốn sức. Kết quả, loại cây dầu cho lá loon bị xâm hại nghiêm trọng.
Đi tìm lá loon ở chợ
Những ngày này khi mà một số siêu thị trong Nam, ngoài Bắc chuyển sang dùng lá chuối để gói hàng; hoặc vận động khách hàng sử dụng túi thân thiện với môi trường thay vì dùng túi nilon… chúng tôi thử đi tìm lá loon ở một số chợ trong thị xã La Gi và chợ Phan Thiết.
Ở La Gi, các chợ phường: Tân An, Tân Thiện, Phước Hội… 100% số người bán hàng nhỏ lẻ đều dùng túi ni lon, đựng hàng. Bà Nguyễn Thị Hoa, bán rau ở chợ Tân Thiện, nói: “Bây giờ có ai dùng lá gói nữa đâu anh!”. Còn tại chợ Phan Thiết, may mắn là chúng tôi tìm được hai sạp hàng dùng lá loon gói hàng.
Chủ sạp hàng bánh tráng Liên Trang, một phụ nữ ngoài 40 tuổi, nói: “Lá loon có ưu điểm hơn lá chuối là không rách tưa, giữ được ẩm lâu nên gói bánh tráng, bánh rất lâu khô giòn, chống được gãy, nát bánh”. Tương tự, chủ một gian bán hàng bánh tráng khác cũng cho biết: “Để bánh tráng không khô giòn, không gì tốt hơn bằng lá loon”.
Cũng theo chủ hai gian hàng bán bánh, họ phải mua lá loon với giá 500 đồng/lá, nhưng rất khó mua vì lá loon về chợ không nhiều.
Được biết, lá loon thân thiện với môi trường. Có thể dùng nhiều lần cho đến khi lá khô cong. Ngoài ra, lá loon khi chôn trong đất lại dễ tiêu hủy, trở thành nguồn phân xanh bón cho cây trồng.
Rừng cây lá loon hồi sinh
Trong khoảng 15 năm trở lại, một phần do người bán hàng chuyển sang dùng túi nilon, một phần nữa do rừng dầu Sông Phan được một đơn vị thuộc Z30D quản lý, bảo vệ nên cây dầu cho lá loon phần nào hồi sinh. Dọc theo quốc lộ 55 – đoạn Tân Nghĩa – Tánh Linh, những cây dầu tỏa bóng xanh mát, và những người bán hàng quán dọc theo đường cũng cho hay: “Thỉnh thoảng vẫn có người từ Phan Thiết vô hái lá loon. Lượng lá hái khoảng 50 – 100 kg/người/ngày”.
Vấn đề đặt ra lúc này, là các cấp chính quyền ở Bình Thuận (chứ không ai khác) vì mục tiêu bảo vệ môi trường sống, góp phần hạn chế sử dụng túi ni lon (Việt Nam là một trong bốn quốc gia thải ra biển lượng rác nhựa cao nhất thế giới – Báo cáo của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA) tháng 3/2019), nên khuyến khích người dân dùng lá chuối, lá loon trong gói hàng, thay vì dùng túi nilon. Muốn vậy, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường sống cần được nâng lên; cũng như hướng dẫn người dân khai thác một số loại lá trong tự nhiên như: lá chuối, lá loon… một cách hợp lý.
Ngoài ra kết hợp với dùng túi đan từ cây cỏ thiên nhiên như túi gai, túi đan từ dây lục bình… thì may ra khủng hoảng về rác thải, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra mới được cải thiện, chưa nói đến tốt lên.
Sẽ có người không tin lá loon có thể góp phần bảo vệ được môi trường, nhưng chuyện ấy là sự thật. Lá loon dễ tiêu hủy trong đất, thành phân, làm cho đất màu mỡ hơn. Dùng lá loon hoặc lá chuối để gói hàng, thay vì dùng túi nilon chính là làm cho cuộc sống của chúng ta bớt đi ô nhiễm về túi nhựa. |