Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã xếp bãi rác Sầm Sơn (Thanh Hoá) là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần đóng cửa. Đến nay, bãi rác cao ngất, nước thải tràn lan, ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng. Trong khi đó, chỉ đạo của tỉnh này đang trong vòng luẩn quẩn.
Rác tồn đọng, dân lĩnh đủ
Bãi rác TP.Sầm Sơn có 3 hố chôn lấp. Đến nay, rác của cả 3 hố chất cao như núi. Độ cao từ mặt đường lên đỉnh của “ngọn núi” rác này khoảng hơn 15m.
Tháng 3.2018, khi cả 3 ô chôn lấp đã đầy thành 3 núi rác, Cty CP Môi trường đô thị dịch vụ du lịch Sầm Sơn (Cty Môi trường) báo cáo không còn có thể chất cao hơn nữa, UBND TP.Sầm Sơn chỉ đạo đổ vào đường đi nội bộ. Và đến nay, đường đi nội bộ không còn, cả bãi rác là một núi rác khổng lồ.
Công nhân môi trường cố gắng phun chế phẩm sinh học ngăn mùi và ruồi nhưng như muối bỏ bể. Những xe bồn chở chất thải từ bể phốt cũng leo lên ngọn núi rác này rồi… xả.
Trao đổi với Lao Động, ông Cao Thiện Tâm – Chủ tịch HĐQT Cty CP Môi trường, đơn vị được giao xử lý môi trường Sầm Sơn – cũng xác nhận, rác ở Sầm Sơn thực sự quá tải, mùi từ bãi rác là “không thể ngửi được”. “Chúng tôi cũng bức xúc lắm, nhưng không biết làm gì khác” – ông Tâm nói.
Cũng theo ông Tâm, nhiều năm qua, nhân dân đã kêu cứu, phản ánh. “Ý kiến nào cũng đúng cả” nhưng đâu vẫn vào đấy.
Bên cạnh đó, hồ sinh học với diện tích 6.100m2, công suất xử lý 1.000m3/giờ, được xây dựng nhiều năm trước. Hiện nay, khi các trạm bơm cùng hoạt động, nước thải về, hồ không đủ khả năng chứa. Tất cả nước rỉ rác cũng đổ dồn vào hồ sinh học này. Hệ thống xử lý nước thải hầu như tê liệt. Nước đặc quánh, đen ngòm, sủi bọt và bốc mùi hôi thối, chảy tràn lan. Nhiều nhà dân khu phố Lương Trung, phường Trung Sơn đã bỏ nhà đi sống ở nơi khác vì không chịu được ô nhiễm.
“Khổ lắm. Chỉ mong lãnh đạo xử lý cho dân đỡ khổ” – chị Lường Thị Thắm, người dân Lương Trung, nói.
Công văn luẩn quẩn
Văn bản số 2359/UBND-TNMT ngày 11.6.2018 của Chủ tịch UBND TP.Sầm Sơn gửi UBND tỉnh Thanh Hoá nêu rõ: “Từ năm 2017 đến nay, Thường trực Thành uỷ, HĐND, UBND TP có nhiều văn bản báo cáo UBND tỉnh Thanh Hoá về thực trạng bãi rác của thành phố đã quá tải, cần có phương án xử lý. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có phương án cụ thể đảm bảo lâu dài”.
Tháng 3.2018, cực chẳng đã, Cty Môi trường gửi văn bản xin được báo cáo UBND tỉnh và Sở Tài nguyên Môi trường để ngừng hoạt động xả thải. Nhận được đề xuất này, UBND TP.Sầm Sơn chỉ đạo ngay là không được vì “đã được giao thì phải thực hiện chứ không thể tránh trách nhiệm”. Nhưng làm thế nào để xử lý ô nhiễm bãi rác một cách căn cơ thì đến chính UBND TP.Sầm Sơn cũng chưa biết cách nào.
Theo quy hoạch tại Quyết định 2525/QĐ-UBND ngày 17.7.2017 của UBND tỉnh Thanh Hoá về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP.Sầm Sơn đến năm 2040, khu xử lý chất thải rắn của TP nằm ở phía tây xã Quảng Minh, TP.Sầm Sơn. Trước tình trạng “vô cùng bất cập”, Chủ tịch UBND TP.Sầm Sơn thời điểm năm 2017 là ông Nguyễn Ngọc Chiến “tha thiết đề nghị” UBND tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương cho thành phố được xây dựng nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt ở xã Quảng Minh. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có chỉ đạo cụ thể. Về vấn đề này, ông Lương Tất Thắng – Chủ tịch UBND TP.Sầm Sơn – khẳng định: Chỉ cần có chủ trương, có nhà đầu tư, UBND TP sẽ gấp rút thực hiện giải phóng mặt bằng.
Một hướng khác, UBND TP.Sầm Sơn đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, cho phép chuyển rác Sầm Sơn lên bãi rác Đông Nam đúng theo quy hoạch rác thải của UBND tỉnh. Tuy nhiên, tại công văn số 11130/UBND-NN ngày 4.9.2018, UBND tỉnh trả lời dứt khoát là không được vì “bãi rác Đông Nam có 3 ô chôn lấp cũng đã đóng cửa 2 và ô số 3 đã quá tải”. Và dự án nhà máy xử lý rác tại bãi rác Đông Nam (huyện Đông Sơn) với công suất 500 tấn/ngày đêm dự kiến hoàn thành quý I/2019 song giờ này chưa xây xong nhà điều hành, chưa rõ công nghệ.
Không còn cách nào, UBND TP.Sầm Sơn lại đề nghị được cải tạo, tăng thời hạn sử dụng của bãi rác Sầm Sơn bằng cách đào thêm hố, dù chỉ là biện pháp tình thế. Vậy nhưng, cách này UBND tỉnh Thanh Hoá cũng chỉ đạo không được vì “Hiện tại, khu vực bãi rác Sầm Sơn nằm trong không gian quy hoạch khu sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí nên việc đầu tư cải tạo thêm hố chôn lấp là không phù hợp và cũng không có kinh phí cho việc cải tạo”.
Bãi rác TP.Sầm Sơn có 3 hố chôn lấp. Đến nay, rác của cả 3 hố chất cao như núi. Độ cao từ mặt đường lên đỉnh của “ngọn núi” rác này khoảng hơn 15m, cao hơn ngôi nhà 4 tầng.