Nhiều năm qua, hoạt động khai thác vàng chui tại mỏ vàng Háng Trợ khiến nhân dân trên địa bàn không còn yên tâm lao động sản xuất. Đặc biệt, vào mùa mưa, khi có nước, có dòng chảy mạnh, người dân lại tìm về mỏ vàng để nhặt quặng, đối mặt với những nguy hiểm như nước cuốn, đất đá sạt lở, sập hầm.
Đầu năm 2017, Công ty Cổ phần Công nghiệp Molybden Việt Nam phá sản, bỏ lại mỏ vàng Háng Trợ. Cuối tháng 6/2017, UBND tỉnh Điện Biên ban hành hai Quyết định số 578/QÐ-UBND và 579/QÐ-UBND về việc thu hồi đất, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản vàng của Công ty này tại điểm mỏ trên. Tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, hoạt động khai thác vàng “chui” của người dân địa phương và ngoài tỉnh vẫn diễn ra tại đây theo chu kỳ tạm lắng và tái diễn kéo theo vô vàn hệ lụy, hiểm nguy, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã Phì Nhừ nói chung, khu vực mỏ vàng Háng Trợ nói riêng.
Anh Thào A Tính, bản Phì Nhừ A, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, người đã có thâm niên khai thác vàng “chui” cho biết: Vài năm trước, khu vực mỏ vàng hoạt động rất nhộn nhịp. Đỉnh điểm, nhiều người dân trong bản, rồi nhiều bản trong xã và người dân ngoài tỉnh cũng ồ ạt mang nồi niêu, xoong chảo kéo nhau lên núi Bò Tót đào bới, tìm kiếm vàng. Nhiều năm tham gia khai thác vàng “chui”, ăn ngủ tại mỏ vàng, anh Tính nhiều lần tận mắt chứng kiến “đồng nghiệp” bị nạn, có người mất mạng trong quá trình khai thác vàng.
Ông Hạng A Di, Chủ tịch UBND xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết: Từ năm 2017 đến nay vẫn có tình trạng người dân trong và ngoài tỉnh đến khai thác vàng “chui” theo cách thức thô sơ, dựng lều lán trại trên điểm mỏ, kéo theo tình trạng mua bán ma túy rồi mâu thuẫn, tranh chấp giữa các nhóm để giành giật điểm mỏ, gây phức tạp về an ninh trật tự. Lực lượng Công an đã bắt được một số đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy trên điểm mỏ vàng.
Thượng tá Hoàng Văn Hải, Phó Trưởng Công an huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết: Sau khi Công ty Cổ phần Molybden Việt Nam không khai thác vàng nữa, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn khu vực mỏ vàng Phì Nhừ trở nên phức tạp. Đặc biệt, một số đối tượng đã vào địa bàn thăm dò, cho người dựng lán trại để khai thác khoáng sản trái phép. Đơn vị phải phân công cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương lên mỏ vàng lập biên bản, trục xuất các đối tượng ra khỏi địa bàn. Để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã Phì Nhừ nói chung và khu vực mỏ vàng nói riêng, Công an huyện đã bố trí một tổ cán bộ trực tiếp ở địa bàn công tác.
Cũng theo Thượng tá Hoàng Văn Hải, nhiều năm qua, hoạt động khai thác vàng chui tại mỏ vàng Háng Trợ khiến nhân dân trên địa bàn không còn yên tâm lao động sản xuất. Đặc biệt hơn, vào mùa mưa, khi có nước, có dòng chảy mạnh, người dân lại tìm về mỏ vàng để nhặt quặng, đối mặt với những nguy hiểm như nước cuốn, đất đá sạt lở, sập hầm… Năm 2018, tại mỏ vàng Háng Trợ, hai người đã bị chết do sạt lở đất đá. Từ năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện, ngăn chặn 6 nhóm người tìm đến điểm mỏ để khai thác vàng trái phép, chủ yếu thuộc các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Thái Nguyên, Hòa Bình…
Phần lớn các trường hợp khi bị lực lượng chức năng phát hiện đều tìm cách để trốn tránh, trong đó có cả việc mua chuộc. “Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ nỗ lực trong nhiệm vụ, đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại khu vực mỏ vàng. Rất mong tỉnh Điện Biên sớm thúc đẩy tiến độ đóng cửa mỏ, bàn giao lại mặt bằng cho huyện hoặc tổ chức nào đó trồng cây xanh, khoanh vùng để bảo vệ rừng. Tình trạng này kéo dài khiến việc đảm bảo an ninh trật tự tại đây rất khó khăn”, Thượng tá Hoàng Văn Hải nói thêm.
Ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên Ðông chia sẻ, trước vấn nạn khai thác vàng “chui” ở mỏ vàng này, huyện Điện Biên Đông đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm quản lý khu vực mỏ vàng. Huyện giao cho Công an, cấp ủy, chính quyền xã Phì Nhừ tăng cường tuần tra kiểm soát, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; tuyên truyền nhân dân, đặc biệt là phát hiện các đối tượng ở nơi khác đến xâm nhập để khai thác. Kết quả là đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận vụ việc nào nổi cộm phát sinh liên quan đến an ninh trật tự tại khu vực mỏ. Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc La đánh giá đó là kết quả trước mắt, mang tính tạm thời và không bền vững bởi phương án khả thi nhất là đóng cửa mỏ vàng… vẫn còn nằm trên giấy. “Nếu cứ “treo” mỏ vàng thế này, công tác quản lý sẽ gặp rất nhiều khó khăn” – ông Bùi Ngọc La nói.
Ngày 26/5/2017, UBND tỉnh Điện Biên đã có công văn số 1448/UBND-KTN về việc xử lý đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về khoáng sản, đất đai, bảo vệ an ninh trật tự khu vực mỏ vàng Háng Trợ (xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông) gửi các sở ngành, đơn vị liên quan. UBND tỉnh Điện Biên giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với ngành liên, đơn vị liên quan, UBND huyện Điện Biên Đông thực hiện lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, cải tại phục hồi môi trường, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trình UBND tỉnh Điện Biên xem xét, phê duyệt đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Kinh phí để lập, thực hiện Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản được lấy từ tiền đã ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và theo quyết định của pháp luật. UBND huyện Điện Biên Đông có trách nhiệm thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi Đề án đóng cửa mỏ được phê duyệt.
Song theo ông Ngôn Ngọc Khuê – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, đầu năm 2018, Đề án đóng cửa mỏ đã hoàn tất trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung theo ý kiến của các sở, ban, ngành và UBND huyện Điện Biên Đông. Tổng kinh phí thực hiện việc đóng cửa mỏ với các nội dung thực hiện gồm chi phí cải tạo, phục hồi môi trường khu vực moong khai thác; cải tạo, phục hồi khu vực sân công nghiệp, tháo dỡ khu vực phụ trợ; chi phí phục hồi bãi thải; chi phí cải tạo môi trường khu vực ngoài biên giới mỏ; chi phí hành chính…trị giá gần 4,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, Đề án đóng cửa mỏ vẫn chưa được trình lên UBND tỉnh Điện Biên bởi Sở Tài chính trả lời không bố trí được nguồn kinh phí để thực hiện Đề án đóng cửa mỏ.
Cũng theo ông Ngôn Ngọc Khuê, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, vấn đề khó khăn nhất để thực hiện việc đóng cửa mỏ là kinh phí. Theo Luật Khoáng sản, kinh phí để thực hiện Đề án đóng cửa mỏ được lấy từ nguồn kinh phí bảo vệ môi trường của đơn vị khai thác. Tuy nhiên, vốn nguồn quỹ này hiện có khoảng hơn 400 triệu đồng, quá thấp so với dự toán kinh phí của Đề án đóng cửa mỏ.