Theo The Hill, Thống đốc Washington Jay Inslee, ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua Tổng thống Mỹ năm 2020, mới đây tiết lộ kế hoạch thứ ba của ông về vấn đề biến đổi khí hậu.
Mặc dù có rất nhiều đề xuất về vấn đề ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậutrong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 của nội bộ đảng Dân chủ, kế hoạch mới nhất của ông Inslee cung cấp cái nhìn chi tiết hơn về cách Thống đốc bang Washington sẽ giải quyết vấn đề này.
Kế hoạch của ông Inslee được xây dựng dựa trên các đề xuất về vấn đề biến đổi khí hậu trước đây của ông, trong đó kêu gọi đẩy lùi các loại khí thải độc hại và góp phần giúp Mỹ đóng vai trò đi đầu về vấn đề này trong tương lai.
Đáng chú ý, ông Inslee cũng cho rằng tình trạng di cư sẽ tiếp tục diễn ra do những thay đổi khắc nghiệt của thời tiết. Ông Inslee tuyên bố, kế hoạch của ông dự kiến góp phần đạt được mức giảm 50% lượng khí phát thải vào năm 2030 và lượng phát thải bằng không (net-zero) vào cuối năm 2045.
Trong kế hoạch của mình, ông Inslee cho rằng một nước Mỹ có thể dẫn đầu thế giới trong việc xây dựng một nền kinh tế năng lượng sạch, tạo ra việc làm ở trong nước và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới; hoặc tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trong thế kỷ 21 nếu phải trả giá do tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng, kéo theo khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng nhân đạo.
Bản báo cáo của kế hoạch dài 50 trang này kêu gọi Mỹ tái gia nhập một số kế hoạch và hiệp định về vấn đề biến đổi khí hậu của quốc tế và khu vực, bên cạnh Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Theo ông Inslee, Mỹ nên và cần gia nhập “Liên minh thúc đẩy chấm dứt sử dụng than đá” (Powering Past Coal Alliance), cam kết loại bỏ ô nhiễm từ các nhà máy phát điện vận hành bằng than đá vào năm 2030, đẩy lùi các khoản giảm thuế cho các công ty nhiên liệu hóa thạch, bác bỏ những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Mỹ ra nước ngoài cũng như áp dụng các hạn chế mới về việc sử dụng khí metan và các định dạng khác của carbon.
Thống đốc Inslee cho biết ông sẽ điều phối một thỏa thuận toàn cầu khác nhằm tập trung vào việc khai thác khí metan có khả năng giữ nhiệt cao hơn 34 lần so với carbon, đồng thời tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí hydrofluorocarbon (HFC) được sử dụng trong các thiết bị điện lạnh vốn được coi là “bẫy nhiệt”.
Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ cũng sẽ bổ sung một yêu cầu về vấn đề biến đổi khí hậu đối với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài nếu ô nhiễm liên quan đến các sản phẩm đó vượt quá mức nhất định.
Bên cạnh đó, một đề xuất của ông Inslee còn vượt ra ngoài các thỏa thuận toàn cầu và các mục tiêu giảm phát thải khi tập trung vào tình trạng bất ổn quốc tế do biến đổi khí hậu, bao gồm cả người tị nạn do biến đổi khí hậu.
Nội dung kế hoạch này nhấn mạnh dưới thời Tổng thống Trump, chính sách của Mỹ đã bác bỏ thực tế khoa học, nhân đạo và an ninh của tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời cho biết Thống đốc Inslee sẽ điều chỉnh chính sách nhập cư của Mỹ phù hợp với thực tế tình trạng di cư do tác động của biến đổi khí hậu.
Theo đề xuất trên, ông Inslee sẽ tăng dần số người tị nạn được Mỹ chấp nhận cho đến khi vượt quá mục tiêu 110.000 người tị nạn được đặt ra trong năm cuối cùng của chính quyền Tổng thống Barack Obama, coi đó là tiêu chuẩn tối thiểu để Mỹ đòi lại vai trò lãnh đạo lịch sử của mình trong việc tái định cư người tị nạn.
Các chính sách nhập cư tiếp theo trong đề xuất trên của ông Inslee sẽ góp phần đảo ngược các quyết định của chính quyền Trump, vốn được xem là đang ảnh hưởng đến người nhập cư và người tị nạn từ các nước như El Salvador, Haiti, Honduras và Nicaragua.
Thống đốc Inslee đã có nhiều cố gắng để tự khẳng định mình như là một ứng cử viên hàng đầu về vấn đề biến đổi khí hậu. Ngày 4/6, nhà bảo trợ của “Thỏa thuận Xanh mới”, hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez (đảng Dân chủ, New York) đã gọi kế hoạch trên của Thống đốc Inslee là “tiêu chuẩn vàng”.
Tuy nhiên, ông Inslee đang phải cạnh tranh gắt gao với nhiều ứng cử viên Dân chủ, những người cũng muốn thể hiện mình bằng cách đề xuất các chính sách về một vấn đề đang được dư luận quan tâm. Một số ứng cử viên cũng đã đưa ra các chính sách về biến đổi khí hậu, bao gồm cựu Phó Tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren (bang Massachusetts).
Kế hoạch mới nhất của ứng cử viên Inslee cũng đi sâu vào lĩnh vực giao thông – lĩnh vực “đóng góp” lớn nhất cho vấn đề khí thải gây hiệu ứng nhà kính – mặc dù việc đi lại bằng ô tô phần lớn không có trong đề xuất của ông. Thay vào đó, ông Inslee tập trung vào lĩnh vực hàng không và vận tải như một cách để giảm ô nhiễm.
Theo kế hoạch trên, Mỹ sẽ tham gia một hiệp ước không làm tăng ô nhiễm carbon từ du lịch hàng không đối với các chuyến bay quốc tế và tạo ra một chương trình tương tự cho các chuyến bay nội địa. Ông Inslee sẽ chấm dứt việc giảm thuế cho các máy bay phản lực tư nhân, khi gọi đó là “một món quà khổng lồ, lãng phí cho những người giàu có, thúc đẩy ô nhiễm không cần thiết”.
Ông Inslee cũng cho biết sẽ chấm dứt tình trạng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch từ chính phủ, bao gồm các chương trình mà ông ước tính có thể tiêu tốn tới 5.300 tỷ USD hàng năm và hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.