Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (BVMT). Với 7 Điều, 81 trang nội dung, 121 trang phụ lục và biểu mẫu kèm theo, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đã giải quyết những vấn đề còn chồng chéo, lấp khoảng trống trong các văn bản luật trước đó.
Bãi bỏ, bổ sung nhiều điều, khoản trong 4 Nghị định
Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Nghị định gồm: Nghị định 18/2015/NĐ-CP về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Nghị định 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT; Nghị định 38/2015/NĐ-CP quy định về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định 127/2014/NĐ-CP quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
Theo Vụ Chính sách, pháp chế và thanh tra (Tổng cục Môi trường), Nghị định 40/2019/NĐ-CP bãi bỏ: Điều 11, Nghị định 18/2015/NĐ-CP; các Điều 26, 27, 28, 29, 30, 34, 35, 36 và các Khoản 3, 4, 5, 6, Điều 55 và Phụ lục V của Nghị định 19/2015/NĐ-CP; Khoản 5 và Khoản 9, Điều 9, Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều 27, Điều 38, Điều 41, Điểm b, Khoản 1, Điều 43, Khoản 3, Điều 44 của Nghị định 38/2015/NĐ-CP. Ngoài ra, Nghị định này còn bổ sung các đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược; danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; danh mục dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; bổ sung chi tiết các nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường; điều chỉnh thời hạn giấy phép xử lý chất thải nguy hại từ 3 năm lên 5 năm; kể từ ngày cấp và các quy định nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…
Về việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
Nghị định 40/2019/NĐ-CP bổ sung chi tiết các nội dung chính trong báo cáo ĐTM. Theo đó, đối với dự án mở rộng quy mô, nâng công suất hoặc thay đổi công nghệ của cơ sở, khu công nghiệp đang hoạt động, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có thêm một phần đánh giá về tình hình hoạt động và thực hiện công tác bảo vệ môi trường của cơ sở, khu công nghiệp hiện hữu; đánh giá tổng hợp tác động môi trường của cơ sở, khu công nghiệp hiện hữu và dự án mở rộng quy mô, nâng công suất hoặc thay đổi công nghệ của dự án mới.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp và các dự án thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với khí thải; phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.
Đối với dự án khai thác cát, sỏi và khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa và vùng cửa sông, ven biển phải có nội dung đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước…
Các biện pháp xử lý chất thải, đối với dự án đầu tư xây dựng có công trình xử lý chất thải để thẩm định về môi trường phải có phần thuyết minh và phương án thiết kế cơ sở (đối với dự án có nhiều bước thiết kế) hoặc phương án thiết kế bản vẽ thi công của công trình, hạng mục công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật về xây dựng; có phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong quá trình thi công xây dựng, vận hành thử nghiệm và khi dự án đi vào vận hành; chương trình quản lý và giám sát môi trường được thực hiện trong giai đoạn thi công xây dựng dự án; dự kiến chương trình quản lý và quan trắc môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm và khi dự án đi vào vận hành…
Đặc biệt, Nghị định bổ sung thêm nội dung quy định số lượng và thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường vào Điều 14, Nghị định 18/2015/NĐ-CP. Cụ thể, một dự án đầu tư chỉ lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường.Chủ dự án trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước các thời điểm sau đây:
Đối với dự án khai thác khoáng sản, trình trước khi cơ quan có thẩm quyền thẩm định để cấp, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản.
Đối với dự án thăm dò, khai thác dầu khí, trình trước khi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ. Đối với dự án đầu tư xây dựng, trình trước khi cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế – kỹ thuật hoặc thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp dự án chỉ yêu cầu thiết kế một bước…
Bổ sung, thay đổi các danh mục
Nghị định cũng bổ sung Danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được chia thành 3 nhóm.
Nhóm I gồm: khai thác, làm giàu quặng khoáng sản độc hại; luyện kim; tinh chế, chế biến khoáng sản độc hại; phá dỡ tàu biển; sản xuất giấy, bột giấy, ván sợi (MDF, HDF); sản xuất hoá chất, phân bón hóa học (trừ loại hình phối trộn); thuốc bảo vệ thực vật hóa học; nhuộm (vải, sợi), giặt mài; thuộc da; lọc hóa dầu; nhiệt điện than, sản xuất than cốc, khí hóa than, điện hạt nhân.
Nhóm II gồm: xử lý, tái chế chất thải; sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; có công đoạn xi mạ, làm sạch bề mặt kim loại bằng hóa chất; sản xuất pin, ắc quy; sản xuất clinker.
Nhóm III gồm: chế biến mủ cao su; chế biến tinh bột sắn; bột ngọt; bia, rượu, cồn công nghiệp; chế biến mía đường; chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử.
Bên cạnh đó, bổ sung, thay mới danh mục dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.
Dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường gồm 107 loại được chia thành nhóm đặc biệt do quy mô và chính sách môi trường như các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hay Dự án đầu tư xây dựng sử dụng đất rừng và 18 nhóm dự án về xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng; giao thông; năng lượng, phóng xạ; điện tử; thủy lợi, khai thác rừng, trồng trọt; khai thác, chế biến khoáng sản; khai thác tài nguyên nước; dầu khí; xử lý, tái chế chất thải; cơ khí, luyện kim; chế biến gỗ, sản xuất thủy tinh, gốm sứ; sản xuất, chế biến thực phẩm; chế biến nông sản; chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi; sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm nhựa, chất dẻo; sản xuất giấy và văn phòng phẩm; dệt nhuộm và may mặc…
Lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019, do đó, các hồ sơ đã được tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực (trừ các điều, khoản chuyển tiếp quy định tại Điều 22, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP và Điều 64, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP) tiếp tục được giải quyết theo quy định của các Nghị định tại thời điểm tiếp nhận, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ có yêu cầu thực hiện theo quy định của Nghị định này…