Giữ rừng để ngăn sa mạc hóa và suy thoái đất

Ngày 13/6, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển lâm nghiệp bền vững – Giải pháp căn bản chống sa mạc hóa và suy thoái đất ở Việt Nam”.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển, suy thoái đất là suy giảm năng suất sinh học và hiệu quả sử dụng đất, nhiều vùng sa mạc hiện nay bắt nguồn từ việc sử dụng đất không hợp lý. Sa mạc hóa không chỉ xảy ra ở vùng khô hạn mà lan ra cả các vùng mưa ẩm vì con người sử dụng tài nguyên đất không hợp lý. Các nước bị ảnh hưởng vì sa mạc hóa và suy thoái đất tăng từ 110 vào năm 1990 lên 168 vào năm 2017 và đã có 12 triệu ha bị mất vì sa mạc hóa – gấp 3 lần diện tích Thụy Sĩ, gây thiệt hại 190 tỷ USD/năm. Việt Nam tham gia công ước chống sa mạc hóa từ năm 1998 và đang áp dụng giải pháp cơ bản là phát triển lâm nghiệp bền vững.

Quanh cảnh Hội thảo

Báo cáo thực trạng sa mạc hóa của Văn phòng thường trực Công ước chống sa mạc hóa cũng chỉ ra đến năm 2016, Việt Nam có 1.307.000 ha (4% diện tích) bị sa mạc hóa và suy thoái, 2.398.00 ha (7,3% diện tích) có dấu hiệu suy thoái và 6.695.00 ha (20,3% diện tích) có nguy cơ suy thoái, tập trung ở 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, ảnh hưởng đến đời sống của hơn 20 triệu người. Những con số này nói lên rằng Việt Nam đã là một nước bị sa mạc hóa.

Nguyên nhân chủ yếu của sa mạc hóa và suy thoái đất là con người tác động tiêu cực lên đất đai (chuyển đổi rừng sang trồng cây công nghiệp, di dân tự do, xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn sông suối…), làm thay đổi trạng thái của đất. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, tình trạng trên càng trở nên khó lường, gây ra những hiện tượng cực đoan như xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, khô hạn và bán khô hạn ở duyên hải Nam Trung Bộ.

Các đại biểu cho rằng để ngăn chặn tình trạng suy thoái đất cần đồng bộ các giải pháp thủy lợi, canh tác tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước và bảo vệ bề mặt đất, đồng thời chú trọng vào giải pháp căn bản là phát triển lâm nghiệp bền vững, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Đặc biệt cần đưa ra được một quy hoạch lâm nghiệp đúng nghĩa tích hợp giữa bao vệ và phát triển rừng với cân bằng suy thoái đất, đặc biệt chú trọng tích hợp với những vùng đang bị sa mạc hóa và những vùng có nguy cơ bị suy thoái đất do mất rừng và suy thoái chất lượng rừng.

Nhật Anh

Nguồn: