E ngại chất lượng nước lưu vực 3S

Hai tổ chức quốc tế đã bày tỏ lo ngại về chất lượng nước ở các dòng sông Sesan, Srepok và Sekong, đe dọa sinh kế của khoảng 3,4 triệu người ở Campuchia, Lào và Việt Nam.

Nguyên nhân chính là các hoạt động của con người và phát triển đập thủy điện.

Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp với Ủy ban Quốc gia của Campuchia về sông Mê Công vừa đưa ra một báo cáo về Chỉ số Sức khỏe Nước ngọt – một công cụ mới để đánh giá sức khỏe hệ sinh thái nước ngọt ở các sông Sesan, Srepok và Sekong – những dòng nhánh quan trọng của sông Mê Công.

Nghiên cứu và đánh giá về sức khỏe hệ sinh thái nước ngọt thông qua thiết bị FHI cho thấy chất lượng nước trong cả ba hệ thống lưu vực khá tốt dù một số con đập đã được xây dựng.

Sông Srepok. (Ảnh: TNN)

Nghiên cứu bắt đầu từ năm 2016 bằng cách sử dụng dữ liệu hiện có từ các tổ chức có liên quan, đặc biệt là dữ liệu từ Ủy hội sông Mê Công, dữ liệu vệ tinh, mô hình từ New Zealand và Mỹ để đo lường và đánh giá chỉ số sức khỏe nước ở ba con sông.

Kết quả là ba con sông đã nhận được 66 điểm liên quan đến sức mạnh hệ sinh thái, cho thấy hệ sinh thái nước có chất lượng trung bình trong khi dịch vụ hệ sinh thái nước nhận được 80 điểm, nghĩa là lưu vực sông có thể đáp ứng nhu cầu của những người phụ thuộc.

Mặc dù vẫn trong vòng an toàn, song báo cáo cũng cho hay hệ sinh thái lưu vực hiện phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong khi đầu tư vào công tác bảo tồn và phục hồi vẫn còn rất thấp.

Nicholas Souter, Giám đốc nghiên cứu nước ngọt châu khu vực Á-Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, cho biết các yếu tố gây ô nhiễm chất lượng nước ở ba con sông là các hoạt động của con người, nhất là ở các khu vực hạ nguồn.

Ô nhiễm nước từ nông nghiệp đến từ việc sử dụng thuốc trừ sâu trong canh tác và xói mòn đất từ việc xây dựng các con đường mới, đặc biệt là ở những khu vực có mưa lớn, và nước thải từ nhiều hoạt động.

“Để đảm bảo sức khỏe liên tục của hệ thống quan trọng này, cải thiện khâu quản trị và đặc biệt là cải thiện khả năng tiếp cận thông tin giữa các cơ quan và giữa các quốc gia, sẽ rất thiết yếu”, Souter phân tích.

Jake Brunner, đại diện của IUCN, cho biết, tăng trưởng dân số và công nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là ở khu vực miền núi thuộc miền Trung Việt Nam, có thể là một nguồn gây ra chất lượng nước kém.

Nếu nước có chất lượng kém, sinh kế không đảm bảo vệ sinh và suy dinh dưỡng sẽ là mối lo ngại trong tương lai.

“Nói về ba lưu vực nói chung, chất lượng nước vẫn còn tốt ở thời điểm hiện tại”.

Nhật Anh (Theo Khmer Times)

Nguồn: