Sáng kiến Vành đai và con đường: Trung Quốc đang vẽ lại bản đồ khoa học thế giới

Sáng kiến Một vành đai và một con đường – siêu dự án của Trung Quốc với cơ sở hạ tầng ở quy mô toàn cầu, sẽ chuyển đổi cuộc sống và công việc của hàng triệu nhà nghiên cứu.

Sáng kiến Một Vành đai và một con đường. Nguồn: Conversation.

Một buổi sáng tháng 11 lạnh giá, dù cách gia đình ở Bangladesh 3000km, Ashraf Islam không lấy đó làm phiền mà chỉ nghĩ đến các cơ hội nghiên cứu mà anh có khi tới Bắc Kinh làm nghiên cứu sinh về kỹ thuật loại bỏ chất hữu cơ khỏi nước thải, một vấn đề đang nhức nhối ở đất nước mình. “Dù ở nhà, chúng tôi có những cơ sở nghiên cứu tốt nhưng các cơ sở nghiên cứu ở đây hoàn toàn khác do với những gì chúng tôi đã từng sử dụng trước đây”, Islam nói.

Một nghiên cứu sinh khác là Htet Aung Phyo từ Myanmar nhận được học bổng do Trung Quốc tài trợ để nghiên cứu về cách sử dụng vi khuẩn để tách chiết đồng từ quặng nghèo. Nếu dự án của anh thành công, sẽ có thể hỗ trợ công việc của những người công nhân mỏ ở Myanmar, một vài mỏ trong số đó do một công ty Trung Quốc khai thác. Một kết quả mang tính đột phá sẽ đem lại nhiều việc làm hơn cho người dân đất nước anh. “Điều đó giải thích tại sao tôi đang ở đây”, anh nói một cách tự hào.

Phyo và Islam là hai trong số 1.300 sinh viên từ hàng chục quốc gia đang dành trên 4 năm nghiên cứu và học tập tại Bắc Kinh với mục tiêu giải quyết các vấn đề khoa học ở đất nước mình. 200 học bổng được trao hằng năm từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) kết hợp với Viện Hàn lâm Khoa học thế giới (TWAS) ở Trieste, Ý. Nhưng đây không phải là chương trình học bổng thông thường mà là một phần trong Sáng kiến Vành đai và con đường (The Belt and Road Initiative BRI), chương trình cho vay vốn và đầu tư lớn nhất thế giới, bao gồm cả một số tài trợ, vốn được Trung Quốc phân chia cùng 126 quốc gia.

Trên khắp thế giới, chính quyền Trung Quốc cùng các công ty và doanh nghiệp địa phương thuộc các quốc gia đối tác xây dựng đường bộ, thiết kế đường sắt cao tốc, khai thác các nguồn nhiên liệu hóa thạch dự trữ, chuyển đổi thành nguyên liệu cho các nhà máy điện, lắp đặt hàng trăm ngàn camera giám sát, xây dựng các cảng biển và hàng không. Đây là một phần của một kế hoạch khổng lồ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm chuyển đổi các mạng lưới thương mại toàn cầu thành một thị trường cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ hàng hóa của quốc gia này.

Trung Quốc hiện dành một khoản hơn 1 nghìn tỉ USD để cho ít nhất 100 quốc gia thuộc nhóm BRI vay làm đường bộ, đường sắt cao tốc, nhà máy điện, cảng biển và hàng không. Các công ty Trung Quốc thậm chí còn xây dựng cả các thành phố mới, như Port City Colombo, vốn được kỳ vọng là một trung tâm tài chính hàng hải ở Đông Á, sau thủ đô của Sri Lanka. Các quốc gia BRI được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng mới này và ngược lại, Trung Quốc là tìm kiếm thị những thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ của mình cũng như những con đường mới và đường sắt mới để vận chuyển chúng.

Ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo Trung Quốc khác thấy khoa học như yếu tố trung tâm trong việc xây dựng những cây cầu với các quốc gia khác và Bai Chunli, Chủ tịch CAS, cũng nhấn mạnh trong Bản tin của CAS (CAS Bulletin) vào năm ngoái như vậy: “KH, CN và đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi lèo lái sự phát triển của BRI”.

Các trường đại học của Trung Quốc – cùng với mạng lưới rộng lớn của các viện nghiên cứu thành viên CAS – đang tỏa rộng khắp toàn cầu. Họ đang đề xuất hỗ trợ khoa học và ký các thỏa thuận hợp tác trên một mức độ chưa từng thấy, kể từ khi Mỹ và Liên Xô chạy đua cấp học bổng cho các nhà nghiên cứu trong các quốc gia liên minh trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Vào ngày 19/4/2019, Bai loan báo, CAS đã đầu tư hơn 1,8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 268 triệu USD) cho các dự án KH&CN – một phần của BRI.

Tại Sri Lanka, Trung Quốc đồng tài trợ cho một trung tâm nghiên cứu nước ngọt an toàn và hỗ trợ điều tra khủng hoảng về bệnh thận ở các cộng đồng dân cư nông thôn của đất nước này. Tại Pakistan, họ đồng bảo trợ một loạt các trung tâm nghiên cứu với mục tiêu tìm hiểu về các chủ đề từ lúa gạo đến trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật đường sắt. Tại trung tâm châu Âu, một công viên khoa học Trung – Bỉ tạo điều kiện cho các công ty mở rộng quy mô thương mại về các thiết bị y tế, điện Mặt trời và nhiều loại công nghệ tiên tiến khác. Còn ở Nam Mỹ, Trung Quốc là đối tác của Chile và Argentina, tham gia vào các trung tâm nghiên cứu vật lý thiên văn và tăng cường khả năng truy cập vào một số khu bảo tồn quý giá bậc nhất thế giới. Về tổng thể, khía cạnh khoa học của BRI tác động đến hàng chục nghìn nhà nghiên cứu và nghiên cứu sinh, hàng trăm trường đại học.

Sự đầu tư của Trung Quốc đem lại thay đổi sâu sắc trong những nước thu nhập trung bình và thấp, vốn mong muốn nhận được sự hỗ trợ về khoa học. Và vì Trung Quốc vươn lên vị trí của một siêu cường khoa học, nó cũng mang đến một tầm nhìn khác biệt so với những quốc gia đang dẫn đầu về khoa học khác.


 Trung tâm nghiên cứu lúa lai Sino-Pakistan được mở cả Karachi (Pakistan) và Hàng Châu (Trung Quốc) trong sự hỗ trợ của Viện nghiên cứu lúa Trung Quốc. Nguồn: youlinmagazine.com

Đó là ý tưởng win – win lan tỏa khắp các dự án BRI, theo đánh giá của Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á châu Âu và Nga ở Brussels. Mỗi đầu tư lớn đều mang đến những lợi ích không chỉ cho quốc gia thực hiện dự án mà còn cho cả Trung Quốc, vốn hi vọng sẽ gia tăng hiệu quả khoa học và kinh tế từ các khoản đầu tư. Trung Quốc thấy mình như một đối tác phù hợp với các quốc gia nghèo bởi trước đây mình từng là quốc gia nghèo, Li Yin – phó giám đốc bộ phận hợp tác quốc tế của CAS tại Bắc Kinh, nói.

Cách tiếp cận của Trung Quốc thông qua BRI đã giúp họ có được nhiều người ủng hộ trong các quốc gia nhận được đầu tư, trong đó có Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena và Thủ tướng Pakistan Imran Khan. Trong bài diễn văn chiến thắng bầu cử vào năm ngoái, Thủ tướng Khan nói, ông muốn học hỏi cách Trung Quốc trỗi dậy từ một quốc gia nghèo thành một siêu cường mới nổi.

Nhưng cũng có cách nhìn khác về sự vươn lên của khoa học Trung Quốc khi cho rằng những quốc gia thu nhập trung bình và thấp đang mộng du trong vòng tay của một quốc gia chuyên quyền và chủ nghĩa thực dân kiểu mới, và tất cả những vấn đề mở rộng hợp tác, bao gồm các thỏa thuận công nghệ và liên minh khoa học đều nằm trong quỹ đạo đó. Trong câu chuyện đó, các quốc gia đang lún sâu vào hàng tỷ USD nợ nần của Trung Quốc và đang trao những điều chính yếu của các nguồn tài nguyên đáng giá và nhạy cảm về mặt kinh tế còn chưa biết hết. Một lo ngại khác là các dự án BRI có thể là nguyên nhân tàn phá môi trường khi mở các tuyến đường thông thương làm ảnh hưởng đến môi trường sống dễ bị tổn thương vùng núi phía Bắc Pakistan và nhiều vùng khác, làm đập trên những con sông khắp Đông Nam Á và Nam Mỹ.

Từ góc độ khoa học, mục tiêu toàn thể của BRI hết sức rõ ràng: khôi phục vị trí của Trung Quốc như một trong số những nền văn minh vĩ đại nhất thế giới, và được các quốc gia khác chiêm ngưỡng như một quyền lực khoa học. Nhưng theo Christopher Cullen, nhà nghiên cứu về lịch sử khoa học Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Needham ở Cambridge, Anh, giờ vẫn còn quá sớm để nói về những thỏa thuận hợp tác của Trung Quốc với các quốc gia khác sẽ tiến triển như thế nào.

Nhiều ngả đường

Như đã được biết đến từ hơn 2.000 năm trước, con đường tơ lụa gắn kết vùng Viễn Đông với châu Âu, và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhắc đến tuyến đường thương mại cổ đại này từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên chỉ đến khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2013, ông mới ưu tiên cho mục tiêu này và đưa nó trở thành BRI. “Đại dương trở nên bao la là do hợp nhất được tất cả các dòng sông,” ông từng nói như vậy trong sự kiện mở màn BRI tại Indonesia và Kazakhstan.

Đại dương này thậm chí còn trở nên rộng lớn hơn trong kế hoạch của ông Tập Cận Bình. Trong vòng 6 năm qua, BRI đã lớn mạnh để hợp thành một mạng lưới toàn cầu với các lộ trình trên biển và đất liền, với tâm điểm là Trung Quốc. Và ngay cả với những người am hiểu thì cũng không thể biết được toàn bộ mục tiêu của BRI bởi chính quyền Trung Quốc chưa tiết lộ danh sách các dự án đã thực hiện lẫn đang được lập kế hoạch. Nhưng ước tính, tổng kinh phí đầu tư cho BRI vào khoảng 1 đến 8 nghìn tỷ USD.

Là một hợp phần của sáng kiến khổng lồ này, Trung Quốc đang tạo ra Con đường tơ lụa thương mại trên biển thế kỷ 21 – một vòng luân chuyển trên đại dương kết nối những chuyến tàu của quốc gia này với các quốc gia tiếp giáp ở các đại dương lớn, bao gồm cả châu Phi và Nam Mỹ. Sau đó là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (Silk Road Economic Belt), một mạng lưới phức tạp gồm sáu  hành lang kinh tế trên đất liền nối Trung Quốc với một số quốc gia châu Á và các thành phố lớn của châu Âu qua đường sắt, đường bộ và đường biển.

Mặc dù có nhiều vấn đề đặt ra xung quanh BRI, các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Pakistan và Sri Lanka vẫn nói, xét trên mọi khía cạnh thì họ thu được nhiều lợi ích khoa học. Bất kỳ điều gì xảy ra, di sản khoa học gần nhất của BRI với Sri Lanka và Pakistan là có được một lượng lớn các nhà khoa học trình độ cao – điều mà sự hỗ trợ của phương Tây không đạt được. “Trung Quốc thành công nơi chính phương Tây thất bại”, Sujithra Weragoda, giám đốc Dự án nghiên cứu Trung Quốc – Sri Lanka nói.

Những dấu hiệu của BRI dưới góc độ khoa học sớm đến sau chuyến thăm Trung Á của ông Tập Cận Bình vào tháng 9/2013. Năm tiếp theo, CAS đầu tư vào việc nâng cấp một kính viễn vọng ở Viện nghiên cứu Thiên văn Ulugh Beg, Uzbekistan nhằm chuẩn bị cho kế hoạch hợp tác giữa viện nghiên cứu này với Đài quan sát thiên văn Tân Cương của Trung Quốc. Uzbekistan không có kinh nghiệm về kính viễn vọng, giám đốc đài quan sát Shuhrat Ehgamberdiev nói trên CAS Bulletin, vì vậy các kỹ sư Trung Quốc đã thực hiện phần quan trọng bậc nhất về kỹ thuật. Đây là khởi đầu cho nhiều dự án lớn hơn của CAS.

Hợp phần khoa học của BRI do Bai vạch kế hoạch. Được đào tạo tại Trung Quốc về tinh thể học tia X, Bai đã nghiên cứu cùng John Baldeschwieler tại Viện công nghệ California tại Pasadena vào giữa những năm 1980 về kính hiển vi điện tử quét truyền qua. Baldeschwieler kể, ngay ở giai đoạn đầu sự nghiệp của Bai thì ông đã nhận thấy nhà khoa học này có thể tiến xa và từng dự đoán là một ngày nào đó, Bai có thể trở thành chủ tịch CAS.

Dưới sự lãnh đạo của Bai, khoa học trong BRI đã được phát triển theo ba hướng song song: 1. Tại Trung Quốc, CAS lập năm trung tâm xuất sắc tại các viện nghiên cứu thành viên, mỗi trung tâm đón nhận 200 nghiên cứu sinh mà CAS đào tạo hằng năm; 2.

Bên ngoài Trung Quốc là chín trung tâm nghiên cứu và đào tạo ở châu Phi, Trung Á, Nam Mỹ, Đông Á và Đông Nam Á – thông thường quốc gia sở tại đồng tài trợ, ví dụ, Phòng thí nghiệm liên hợp về Khí hậu vũ trụ Trung Quốc- Brazil ở São José dos Campos theo dõi những thay đổi khí hậu vũ trụ và phát triển các mô hình dự báo khí hậu. Tại Bangkok, Trung tâm Hợp tác đổi mới sáng tạo CAS hỗ trợ, kết nối các trường đại học và các công ty công nghệ của Thái Lan làm việc với đối tác Trung Quốc, song song với việc tạo một vị thế trong vùng cho Trung Quốc.

Từ các trung tâm này, hàng trăm mối quan hệ hợp tác giữa CAS và các trường đại học Trung Quốc với các đối tác nước ngoài nở rộ; 3. Vành đai và con đường số, một nền tảng cho phép các quốc gia tham gia chia sẻ dữ liệu, bao gồm các hình ảnh vệ tinh cũng như dữ liệu mang tính định lượng về hiểm họa thiên nhiên, nguồn nước, các di sản văn hóa, một phần của dự án hợp tác của họ với Trung Quốc.


Bai Chunli, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, là người đứng đằng sau hợp phần khoa học trong Sáng kiến Vàng đai và con đường. Nguồn: Pang Xinglei/Xinhua/Alamy

Để nắm bắt được các hoạt động này cũng như nhiều hoạt động liên quan khác, CAS thành lập một siêu ủy ban về khoa học vào năm 2016. Mạng lưới này do Liên minh các tổ chức khoa học quốc tế thuộc vùng Vành đai và con đường (ANSO) vận hành, bao gồm 37 thành viên trải rộng khắp toàn cầu, từ Viện Hàn lâm Khoa học Nga đến trường đại học Chile. UNESCO cũng là một thành viên sáng lập. ANSO đã lên kế hoạch hỗ trợ và thiết lập nghiên cứu về phát triển bền vững trong các quốc gia thuộc BRI, bao gồm cải thiện an ninh lương thực và giảm thiểu tình trạng khan hiếm nguồn nước.

Những điểm rắc rối

Khi các dự án về cơ sở hạ tầng đã hoàn thành và Trung Quốc bắt đầu gia tăng các hoạt động khoa học ở nước ngoài, nhiều mối quan ngại đang bắt đầu xuất hiện về cách thức thực hiện công việc của mình.
Một trong những lo ngại là cách Trung Quốc đang xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho Vành đai và con đường số. Mỹ và một số quốc gia khác đã cảnh báo đặc biệt về những nghị định đã được ký kết với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei nhằm hình thành mạng lưới thông tin di động 5 G thế hệ mới khi cho rằng có thể dẫn đến khả năng trao cho chính quyền Trung Quốc cơ hội giám sát bởi Huawei đang cung cấp cho các quốc gia BRI những công cụ giám sát – bao gồm công nghệ nhận diện hình ảnh. Dẫu vậy thì Huwei vẫn một mực phủ nhận là cài đặt những đường truy cập trong các thiết bị đó để cho những người sử dụng “không chính đáng”, có thể là chính quyền Trung Quốc.

Một trong những lo ngại lớn nhất trong khối các quốc gia BRI là những tác động về môi trường của các dự án, vốn làm thay đổi cảnh quan của hàng chục quốc gia. Nhóm bảo tồn thiên thiên WWF nêu những kết nối BRI chính giữa châu Á và châu Âu băng qua 1.739 khu vực đã được nhận diện là có vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến 265 loài có tên trong Sách đỏ, bao gồm 81 loài nguy cấp  như Linh dương saiga (Saiga tatarica), hổ (Panthera tigris) và gấu trúc lớn (Ailuropoda melanoleuca).

Một dự án cũng khiến các nhà môi trường lo ngại là tuyến đường sắt dài 350 km trị giá 3,8 tỷ USD từ Hungary tới Serbia đang được lập kế hoạch. Nó cũng thu hút sự chú ý của các nhà cầm quyền EU và vẫn đang chờ đợi được phê duyệt. Thêm vào đó, Trung Quốc không thông qua Hiệp ước Đánh giá tác động môi trường trong bối cảnh xuyên biên giới (Espoo Convention), vốn đòi hỏi các thành viên đánh giá tác động môi trường và y tế của các dự án phát triển tại giai đoạn đầu.

Pervez Hoodbhoy, một nhà vật lý tại trường Forman Christian ở Lahore, Pakistan, cho biết một số hợp tác khoa học của Trung Quốc đang đánh giá tác động môi trường của một số dự án cơ sở hạ tầng BRI. Anh nói: “Việc thiếu thực sự nghiên cứu về một khung điều chỉnh cho các dự án BRI và điều đó khiến chúng tôi cứ phải đoán xem điều gì đang xảy ra và có thể xảy ra.

Cần phải thực hiện các nghiên cứu về những vấn đề này”. Còn Aban Marker Kabraji, giám đốc Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN) khu vực châu Á ở Bangkok thì cho rằng, “việc không có biện pháp bảo vệ môi trường chỉ làm tăng nguy cơ rủi ro cho môi trường, tạo áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt và khiến các cộng đồng phải di dời”.

Một rào cản cho môi trường là các viện nghiên cứu ở cả Trung Quốc và các quốc gia BRI đều rất miễn cưỡng thực hiện những thứ có thể làm chậm tiến độ xây dựng, ông Qi Ye – Giám đốc Trung tâm  chính sách công Brookings -Tsinghua ở Bắc Kinh, nói. Các công ty Trung Quốc thường “vận hành trong một môi trường nơi chính quyền địa phương hoặc bên hợp đồng cần hoặc muốn có kết quả ngay”. Các đánh giá tác động môi trường mang tính chiến lược cần có thời gian để thực hiện cho đúng và có thể sẽ dẫn đến kết quả là thay đổi các thông số kỹ thuật ban đầu – tất cả những điều này đều có thể dẫn đến khả năng trì hoãn các dự án. Do đó “đây không phải là một lựa chọn phổ biến”, Qi nói thêm.

Một vấn đề khác là các hợp đồng có thể quy vấn đề đánh giá tác động môi trường cho trách nhiệm của nước chủ nhà. Bởi các quốc gia nghèo thường ít có năng lực giám sát hoặc đánh giá trong khi những dự án xây dựng đôi khi được thúc đi trước mà không có sự xem xét kỹ lưỡng, theo quan điểm của các nhà vận động môi trường.


Một thử nghiệm thiết bị truyền thông 5G của công ty công nghệ Huawei ở London vào năm nay. Nguồn: Simon Dawson/Bloomberg/Getty

Có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang bắt đầu giải quyết những quan ngại này. Những tổ chức nghiên cứu bảo tồn của Trung Quốc, như Học viện nghiên cứu Đôn Hoàng, và các nhà môi trường như Ma Keping của Viện Nghiên cứu thực vật (CAS) ở Bắc Kinh, cũng từng cảnh báo về những tác động môi trường của mạng lưới rộng lớn về các tuyến đường xuyên lục địa vài năm trước.

Wang Xudong, giám đốc Học viện nghiên cứu Đôn Hoàng, cho biết các đồng nghiệp của ông đã lập bản đồ được 130 Di sản văn hóa thế giới dọc theo lộ trình Con đường Tơ lụa, trong đó có cả các phần thuộc BRI. “Tại Trung Quốc, cấm các hoạt động khai thác, phát triển gần các địa điểm khảo cổ hoặc khu vực xung quanh”, Wang nói và cho biết thêm là các quốc gia tham gia BRI có thể bắt đầu thiết lập các khu vực bảo vệ theo cách Trung Quốc đã làm. “Các quốc gia có thể tránh làm đường bộ hoặc đường sắt gần tâm chấn động đất hoặc gần các di sản văn hóa”.

Các lo ngại về môi trường quanh BRI đang bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. IUCN với chủ tịch là nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Zhang Xinsheng đã từng cam kết nghiên cứu về những tác động môi trường của các dự án xây dựng BRI ở hai quốc gia: Sri Lanka và Pakistan. Nhóm nghiên cứu bao gồm các quan chức Chính phủ Trung Quốc đã tới hai quốc gia này vào tháng 2/2019. Người ta kỳ vọng nghiên cứu này sẽ có ảnh hưởng ở Trung Quốc bởi nó được thực hiện theo yêu cầu của Hội đồng Trung Quốc về Liên kết quốc tế trong lĩnh vực môi trường và phát triển – một tổ chức gồm các chuyên gia môi trường hàng đầu thế giới, để báo cáo Chính phủ Trung Quốc.

Do đó, Chính phủ Trung Quốc đã nhóm họp một diễn đàn trong hai ngày – động thái đầu tiên của họ- tại Bắc Kinh để thảo luận những vấn đề lo ngại về môi trường quanh BRI, dẫn đến một hội thảo của lãnh đạo các quốc gia BRI mang tên Diễn đàn Vành đai và con đường.

Arthur Hanson, tư vấn quốc tế chính cho hội đồng hợp tác môi trường Trung Quốc, cho rằng một tham vọng của ông là có thể thuyết phục được các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện những yếu tố cốt lõi trong những đánh giá tác động xã hội và môi trường của dự án BRI, cùng với việc đảm bảo sự tham gia của công chúng trong quyết định về dự án và mở dữ liệu để mọi người có thể truy cập.

Andrew Small, học giả Trung Quốc với German Marshall Fund, một think tank tại Washington DC, cho biết, theo kinh nghiệm của ông, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang bị những chỉ trích tác động và sẽ cố giải quyết chúng. Vì khi BRI hình thành, Trung Quốc sẽ còn phải trông chờ vào việc hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có cả  các trường đại học và các nhóm bảo tồn, Small nhận xét.

Nhìn xuống phía Nam

Vì Trung Quốc gia tăng đầu tư cho khoa học ở các quốc gia BRI, nó chuyển đổi cách các nhà nghiên cứu trên khắp hành tinh nhìn về tương lai. Trung Quốc nổi lên như một đối tác khoa học cho thế giới đang phát triển. Trong khi đó các thế hệ các nhà nghiên cứu trước ở châu Phi, châu Á và cả Nam Mỹ được đào tạo ở các quốc gia phương Tây và hiểu biết của họ bắt nguồn từ đây, không thể nói là điều tương tự sẽ xảy ra với thế hệ hiện tại.

Nhiều nhà khoa học cao niên nói với Nature cho rằng các đồng nghiệp trẻ, đặc biệt là những tiến sĩ hoặc postdoc học tại Trung Quốc giờ đang thiếu mối liên hệ với khoa học phương Tây. “Vì nhiều người trẻ tới Trung Quốc thay vì Mỹ, mối liên kết giữa họ với phương Tây sẽ yếu đi,” Kamini Mendis, một chuyên gia về sốt rét ở Sri Lanka và từng làm việc cho WHO, nhận xét.

Nhưng còn một khía cạnh khác trong câu chuyện này: viễn cảnh những cuộc chạm trán khoa học Trung Quốc với những quốc gia khác có thể, theo một nghĩa hẹp, bắt đầu thay đổi cả Trung Quốc. Tại một cuộc họp tại Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái với các nghiên cứu sinh từ các quốc gia BRI, Nature đã thử đặt câu hỏi là liệu có bất kỳ ai muốn tăng thêm thời gian nghiên cứu tại đây không. Họ có ý định sống và làm việc tại Trung Quốc lâu dài – như những nhà khoa học nước họ đã làm như vậy khi học tập ở châu Âu và Bắc Mỹ? Khán phòng rơi vào im lặng cho đến khi một quan chức Viện Hàn lâm chỉ ra rằng quy định nêu rõ họ phải trở về quê hương khi hoàn tất chương trình tiến sỹ. “Chúng tôi không muốn là nguyên nhân dẫn đến nạn chảy máu chất xám ở quốc gia khác”, bà nhấn mạnh.

Nhưng khi bà chưa nói hết ý mình, một nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm xen vào. “Anh định hỏi là nếu các nghiên cứu sinh ở lại đây thì có lẽ Trung Quốc sẽ trở thành một xã hội đa văn hóa hơn phải không? Điều đó có thể không phải là điều quá xấu đâu”.

Từ năm 2005, Trung Quốc đã cam kết cho các quốc gia Nam Mỹ vay 140 tỷ USD. Theo một cơ sở dữ liệu do Đối thoại Liên Mỹ ở Washington DC và trường Đại học Boston, trong năm 2018, tổng số đã lên tới 7,7 tỷ USD. Hiện Trung Quốc là đối tác lớn nhất thứ hai ở Mỹ Latinh và ngược lại, khu vực này nhận được khoản đầu tư lớn thứ hai của Trung Quốc ở nước ngoài. Venezuela được hưởng lợi nhiều nhất, với 67,2 tỷ USD – nhiều nhất là ở ngành công nghiệp dầu mỏ, theo sau là Brazil, Ecuador và Argentina. Năng lượng là lĩnh vực có nhiều đầu tư nhất, 96,9 tỷ USD, sau đến cơ sở hạ tầng với 25,9 tỷ USD.