Không còn là lời cảnh báo, Việt Nam đã và đang đứng trước cuộc khủng hoảng về nước ngọt.
Mấy tháng nay, người dân ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang khổ sở với đợt hạn hán gay gắt. Họ mòn mỏi chờ mưa xuống do không thể sạ lúa vì nước ngọt trong cống đập bị tù đọng, nhiễm hóa chất từ phân bón, thuốc trừ sâu, mầm bệnh tồn dư.
Còn việc nấu ăn, tắm giặt hằng ngày, nơi nào chưa có trạm cấp nước sạch thì người dân phải dùng nước giếng.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam, nhận định: “Việt Nam đang đứng trước một cuộc khủng hoảng cận kề về tài nguyên nước, mà tôi gọi là quá nhiều, quá bẩn và quá ít!”.
Quá nhiều nước vì tác động tàn phá của lũ lụt, bị biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm. Quá bẩn vì quá nhiều nước thải không được thu gom hoặc xử lý.
Quá ít nước do bị tác động bởi biến đổi khí hậu và quản lý nước yếu kém, dẫn đến hạn hán thường xuyên hơn và tình trạng khan hiếm nước trầm trọng ở một số vùng trên cả nước vào mùa khô.
Thực tế, Việt Nam là nước nghèo về tài nguyên nước, bởi theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước vào Việt Nam có tới hơn 60% đến từ các lưu vực sông quốc tế và Việt Nam không kiểm soát được 63% lượng nước của mình.
Trong khi đó, theo đánh giá của Hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA), Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia thiếu nước sạch, trung bình mỗi năm có hơn 1 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp vì tình trạng khan hiếm nước do nhiều nguyên nhân như biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước ở các lưu vực sông…
Con số từ World Bank cho thấy, trên 90% lượng nước hiện được sử dụng để tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản trên cả nước.
Tuy nhiên, giá trị từ mỗi đơn vị (m3) nước được sử dụng, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37USD GDP trong khi mức trung bình toàn cầu là 19,42USD, cao hơn 8 lần. Mức độ gia tăng của các mối hiểm họa liên quan đến nước, đặc biệt là lũ lụt và ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, có thể khiến GDP của Việt Nam giảm đi khoảng 6% mỗi năm vào năm 2035.
Bởi vậy, tài nguyên nước của Việt Nam đang ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững cho phát triển. “Nếu như không hành động quyết liệt thì tài nguyên nước, một động lực đã và đang thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam, sẽ trở thành một cản trở cho sự phát triển”, ông Ousmane khẳng định.
Để giải quyết cơn khủng hoảng này, cần nâng cao hiệu quả tham gia của khu vực tư nhân. Theo nghiên cứu của World Bank, Việt Nam sẽ cần khoảng 12,4-18,6 triệu USD mỗi ngày vào năm 2030 để xử lý nước thải, tức cần 5-6 tỉ USD mỗi năm. Một khảo sát của Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tại 24 tỉnh, những công trình cấp nước sạch nông thôn bền vững do tư nhân quản lý chiếm tỉ lệ khoảng 70%.
Cùng với áp lực từ gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao, tài nguyên nước có nguy cơ cạn kiệt. Trước khi có những nguồn vốn đầu tư lớn, đòi hỏi trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, nhất là nhóm doanh nghiệp khai thác nước.
Coca-Cola hay Pepsi từng bị người dân Ấn Độ gọi là những kẻ “cướp nước” khi khai thác cạn kiệt nguồn nước ngầm tại nhiều địa phương. Từ đó, các hãng nước giải khát đã chú ý hơn đến hoạt động cộng đồng liên quan tới bảo vệ nguồn nước.
Tại Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam đã đầu tư hàng triệu USD và hợp tác cùng các cơ quan địa phương, tổ chức phi chính phủ thực hiện nhiều chương trình bảo tồn nguồn nước và hỗ trợ người dân tiếp cận nước sạch. Trung bình, phải mất 2,43 lít nước để sản xuất được 1 lít nước giải khát. Hãng nước ngọt này theo đuổi cam kết “Mỗi lít nước được sử dụng, Coca-Cola sẽ trả lại một lít nước cho cộng đồng”.
Chương trình Nước của HSBC là một dự án hợp tác 5 năm trị giá 100 triệu USD giữa HSBC và Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Hoang dã Thế giới (WWF), Tổ chức WaterAid và Tổ chức Earthwatch nhằm giải quyết những rủi ro về nước tại các lưu vực sông, mang lại nguồn nước an toàn và cải thiện vệ sinh môi trường cho hàng triệu người.
Hay mới đây, La Vie và Nestlé Waters đã theo đuổi chứng nhận Chung tay quản lý nguồn nước (Alliance for Water Stewardship – AWS) cho các nhà máy tại Việt Nam. Tiêu chuẩn AWS được định nghĩa là việc sử dụng nước công bằng xã hội, bền vững về môi trường và mang lại lợi ích kinh tế.
La Vie đã xây dựng các trạm nước miễn phí phục vụ cộng đồng, hỗ trợ bảo vệ tầng nước trên bề mặt, nước ngầm nông và sâu tại khu vực; phối hợp với các đơn vị cung cấp khác thực hành tiết kiệm nguồn nước trong sử dụng. “Nước là tài nguyên chung và được tiếp cận nguồn nước là quyền cơ bản của mỗi người.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững lâu dài của nguồn nước, cần sự hợp tác của nhiều người, nhiều đơn vị”, ông Fausto Tazzi, Tổng Giám đốc Công ty La Vie, cho biết.
Báo cáo Chương trình Nước của HSBC cho thấy việc cung cấp nước an toàn và các điều kiện vệ sinh trên toàn cầu có thể sẽ mang lại 220 tỉ USD giá trị lợi ích kinh tế mỗi năm. Với hơn 2.000 con sông có chiều dài mỗi sông trên 10km, việc quản lý nguồn nước ổn định và bền vững là vấn đề trọng yếu đối với Việt Nam