Trong những năm qua, Bình Phước đã cấp giấy phép cho hàng chục lò gạch hoạt động; cùng với đó là cấp phép khai thác đất làm gạch. Tuy nhiên, việc giám sát không chặt chẽ đã dẫn đến tình trạng nhiều lò gạch sau khi lấy hết đất sét không hoàn thổ để lại những hố sâu không được rào chắn; nhiều lò gạch sử dụng nhiên liệu đốt gây ô nhiễm môi trường.
Khai thác, mua bán công khai
Có mặt tại ấp 3, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản lúc giữa trưa những ngày đầu mùa mưa, điều làm chúng tôi bất ngờ là, nhiều xe ben chở đất hoạt động bất chấp thời gian.
Lần theo một chiếc xe chở đất, chúng tôi đến mỏ đất sét nằm sâu trong rừng cao-su thuộc địa phận thị trấn Tân Khai.
Có lẽ việc khai thác đất tại đây diễn ra từ khá lâu, bởi một khu đất rộng khoảng 1 ha bị đào sâu từ bảy đến mười mét. Kể cả giờ nghỉ trưa nhưng hoạt động khai thác đất diễn ra khá rầm rộ. Xe xúc vẫn hoạt động liên tục để múc đất lên những xe ben đang chờ bên cạnh.
Cách đó không xa khoảng 500 m là nhiều diện tích đất đã biến thành hồ nước rộng hàng trăm mét vuông. Đây là hiện trường của việc khai thác đất trước đây.
Nhiều hồ đã đầy ắp nước nhưng không biết độ nông sâu như thế nào, không được rào chắn hay cắm biển cảnh báo.
Đáng chú ý, có một hố khai thác đất ngay dưới chân trụ điện cao thế. Được biết, thị trấn Tân Khai hiện nay có nhiều khu đất bị khai thác trái phép, để lại nhiều hồ nước sâu cả chục mét, rộng từ vài trăm mét vuông đến vài héc-ta nhưng không có rào chắn hay cắm biển cảnh báo nguy hiểm.
Có vị trí, các đối tượng khai thác đất ra tới mép đường đã dẫn đến sạt lở nghiêm trọng.
Tại một tuyến đường dân sinh thuộc ấp 3, thị trấn Tân Khai xảy ra một vụ sạt lở khá nghiêm trọng. Đoạn sạt lở dài khoảng 10 mét, sâu cả chục mét ăn vào lòng đường hơn một mét. Đây là hệ lụy của việc khai thác đất những năm trước đây.
Mặc dù sạt lở đất đã diễn ra khá lâu, nhưng không ai rào chắn, cắm biển cảnh báo gây nguy hiểm cho người qua lại. Đối diện bên kia đường, vị trí sạt lở cũng là một hố sâu rộng hàng trăm mét chạy dọc theo con đường dân sinh này.
Trong vai người đi mua đất sét làm gạch, chúng tôi gặp một người tự xưng tên là Hải chuyên cung cấp đất cho các lò gạch tại hai xã Lộc Hưng và Lộc Thịnh (huyện Lộc Ninh). Anh này cho biết, việc khai thác đất bán cho các lò gạch ở đây chủ yếu là khai thác lậu.
Tuy nhiên, nếu cần số lượng lớn thì sẽ liên kết các “chiến hữu” trong khu vực cung cấp, bao nhiêu cũng đủ đáp ứng. Anh này còn dẫn chúng tôi đi coi một số mỏ đất làm gạch trên địa bàn xã Lộc Thịnh. Trong đó, có một khu đất rộng tám héc-ta mà anh này giới thiệu là của mình.
Nếu muốn mua để khai thác đất sét làm gạch thì bán với giá 850 triệu đồng/ha. Chỉ tay về cuối lô đất là một khu đất rộng hơn một héc-ta đã bị đào sâu khoảng ba mét, người tự xưng tên là Hải nói: Khu này đất sét rất đẹp, làm gạch thì hết ý.
Tôi đã múc đất bán rồi đó, tầng đất sét ăn sâu. Do khai thác trái phép cho nên tôi không dám múc đất nhiều.
Trước thực trạng khai thác đất sét làm gạch trái phép diễn ra ồ ạt ở hai xã Lộc Hưng và Lộc Thịnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường kết hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lộc Ninh, UBND hai xã nêu trên đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 15 điểm múc đất với diện tích từ 1.000 m2 đến 30.000 m2, trong đó phần lớn diện tích đất sỏi, đất sét được vận chuyển đi nơi khác để làm gạch hoặc san lấp mặt bằng.
Sau đó đoàn kiểm tra đề xuất UBND huyện một số giải pháp chấn chỉnh hoạt động khai thác đất sét trái phép, trong đó chủ yếu là nhắc nhở.
Chưa xử lý nghiêm
Ông Ngô Gia Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết: Huyện chỉ có hai doanh nghiệp sản xuất gạch lâu năm. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này rộ lên từ năm 2013 đến 2015, khi tỉnh Bình Dương cấm các lò gạch đốt thủ công.
Tính đến nay, huyện Lộc Ninh có 15 đơn vị được cấp giấy phép sản xuất gạch nung. Các đơn vị này lấy nguồn nguyên liệu ngay trong khuôn viên để sản xuất.
Do phân cấp trong quản lý cho nên huyện chủ yếu lập các đoàn kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch theo đúng quy định.
Còn đối với việc khai thác đất bán cho các lò gạch, UBND huyện Lộc Ninh đã ban hành văn bản xử lý một trường hợp với số tiền tám triệu đồng.
Qua tìm hiểu, trong số 15 đơn vị sản xuất gạch nung trên địa bàn huyện Lộc Ninh, thì có đến 14 đơn vị xây dựng lò gạch không đúng giấy phép.
Tuy nhiên, đến nay các đơn vị này vẫn hoạt động bình thường. Chính vì không quản lý chặt việc xây dựng lò gạch được cấp phép cho nên đã xảy ra nhiều hệ lụy lớn, nhất là tác động đến môi trường: Nung gạch bằng phương pháp thủ công (than đá, các loại cây thân gỗ) dẫn đến ô nhiễm môi trường; không quản lý chặt nguồn nguyên liệu làm gạch dẫn đến việc khai thác đất sét lén lút để bán cho các lò gạch.
Hệ lụy lớn nhất là việc khai thác đất sét xong không hoàn thổ, dẫn đến một diện tích đất lớn trở thành vùng đất “chết”, trồng cây không được, nuôi cá cũng không xong.
Vào mùa mưa, những hố sâu do khai thác đất làm gạch trở thành những hồ nước lớn không được rào chắn hoặc cảnh báo nguy hiểm.
Đáng chú ý là vụ đuối nước thương tâm của hai em học sinh tại xã An Khương, huyện Hớn Quản. Nguyên nhân chính là, việc khai thác đất làm gạch xong không rào chắn cẩn thận, dẫn đến hai em học sinh bị trượt chân xuống hố nước sâu.
Còn hàng chục hộ dân ở ấp 5 và ấp 6, thị trấn Tân Khai lại bị sạt lở đất sản xuất do Công ty Gạch Hòa Hiệp (lò gạch Hòa Hiệp), ấp 5, thị trấn Tân Khai gây ra. Một người dân cho biết, mấy năm trở lại đây, lò gạch Hòa Hiệp khai thác đất sâu hơn 10 m nhưng khi ngừng khai thác không trả lại mặt bằng ban đầu.
Vì vậy, mỗi lần mưa lớn, nước từ các lô cao-su của Nông trường Cao-su Đồng Nơ (xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản) đổ về khu vực này, gây sạt lở đất của các hộ dân liền kề. Có khoảng tám đến 10 hộ dân chung quanh bị mất đất sản xuất do sạt lở, làm cho cây trồng bật gốc, đổ gãy.
Để ngăn chặn tình trạng sạt lở đất vườn, nhiều hộ dân dùng lưới sắt và bao tải đất làm kè hoặc đổ bê-tông nhưng không hiệu quả.
Để chấn chỉnh việc khai thác đất sét làm gạch trái phép, gây ô nhiễm môi trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh đã chỉ đạo UBND huyện Lộc Ninh thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình khai thác trái phép trên địa bàn; Sở Giao thông vận tải phối hợp Công an tỉnh tăng cường công tác tuần tra khu vực ngã ba Đồng Tâm (đoạn xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh) xử lý kịp thời các xe chở quá khổ, quá tải, không che chắn, làm ảnh hưởng môi trường, mất an toàn giao thông. Đồng thời, chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp các ngành chức năng, các huyện, thị xã thực hiện nghiêm thời hạn xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh và tình hình tiêu thụ vật liệu xây dựng trên thị trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chấp thuận đầu tư các dự án cải tạo, chuyển đổi công nghệ tiên tiến trong sản xuất gạch.