Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) mới đây cho biết, trong năm tháng đầu năm nay, CDB đã tài trợ việc bảo tồn và phát triển xanh sông Dương Tử (còn gọi là Trường Giang – dòng sông dài nhất ở nước này và dài thứ ba trên thế giới) lên tới 182,2 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 26,42 tỷ USD.
Khu vực Vành đai kinh tế sông Dương Tử (YREB) trải dài từ tây sang đông nối liền chín tỉnh và hai thành phố trực thuộc Trung ương là Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam và Trùng Khánh ở thượng du, Hồ Bắc, Hồ Nam và Giang Tây ở trung du, An Huy, Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải ở hạ du; tổng diện tích 2,05 triệu km2 (1/5 diện tích toàn quốc); tổng số dân 600 triệu người và đóng góp hơn 40% GDP của Trung Quốc.
Trong hơn 30 năm đầu của công cuộc cải cách mở cửa, sông Dương Tử là cái nôi phát triển công nghiệp nhảy vọt của Trung Quốc. Hai bên bờ sông mọc lên hàng loạt các nhà máy luyện thép và công ty hóa chất, tận dụng lợi thế vận tải đường thủy giá rẻ. Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2016, lượng rác thải đổ xuống Dương Tử là 35,3 tỷ tấn, chiếm khoảng 46% tổng lượng rác thải toàn quốc.
Trên bờ, các vùng đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, ô nhiễm tới mức nguy hiểm. Dưới sông, chất lượng nước xuống cấp, nhiều loài cá biến mất. Tình hình nguy cấp đòi hỏi phải có một cách tiếp cận tổng thể để giải quyết gốc rễ các vấn đề của khu vực này.
Trung Quốc công bố Kế hoạch phát triển YREB vào tháng 9-2016 và Đường lối phát triển xanh khu vực này trong năm 2017.
Mục đích là xây dựng YREB trở thành một vành đai kinh tế vàng nổi trội với hệ sinh thái tươi đẹp hơn, vận tải thông suốt hơn, kinh tế được điều phối tốt hơn, thị trường gắn kết hơn và các thiết chế vận hành khoa học hơn.
YREB là chiến lược vùng đầu tiên ưu tiên phát triển xanh, kiềm chế việc khai thác bừa bãi các nguồn tài nguyên và nhằm khôi phục sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Trong ba năm qua, hàng chục chính sách và quy định mới đã được triển khai, mang lại những thay đổi rõ rệt. Hơn 1.250 cầu cảng dọc sông đã bị dỡ bỏ. Các nhà hàng thuyền bán món cá bắt trực tiếp từ dưới sông bị đóng cửa. Từ năm 2017, việc đánh bắt cá bị cấm ở tất cả 332 khu bảo tồn thiên nhiên dọc sông. Lượng lớn cá các loại được thả xuống sông để tăng nguồn cá.
Tỉnh Giang Tô đã đóng cửa 6.000 công ty hóa chất trong ba năm qua. Trùng Khánh đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành di dời tất cả các công ty có thiết bị cũ nát khỏi dòng sông.
Các địa phương cũng tăng cường hội nhập và phối hợp chính sách. Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang ở hạ du có chính sách chia sẻ dữ liệu về ô nhiễm và vận tải sông, tập trung nguồn lực cho kinh doanh. Các tỉnh thượng du Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên đã lập các quỹ đặc biệt tài trợ nỗ lực bảo tồn dòng sông.
Ủy ban Phát triển và Cải cách Trung Quốc điều phối sự phát triển năm ngành công nghiệp chính dọc sông: điện tử thông tin, chế xuất hàng cao cấp, ô-tô, thiết bị điện tử, và may mặc. Bản đồ công nghiệp vùng được hoạch định với sự cân nhắc kỹ lưỡng tác động môi trường của mỗi ngành.
Một số dự án hạ tầng liên tỉnh đã được hoạch định, như dự án bốn tỷ nhân dân tệ (NDT) kè đê khoảng 386,5 km ở thượng du từ An Khánh tới Vũ Hán, đưa mực nước hiện sâu 4,5m thành 6m đủ cho tàu trọng tải 10.000 tấn qua lại.
Từng địa phương được định vị kinh tế chính xác để phát huy tối đa lợi thế của mình, tránh chồng lấn với nơi khác. Thượng Hải phát triển ô-tô, hàng điện tử, hàng không và dược phẩm. Vũ Hán tập trung công nghệ thông tin, y tế, chế xuất thông minh. Trùng Khánh nhắm vào năng lượng mới, trí tuệ nhân tạo và chế tạo bán dẫn. Ở các tỉnh thượng du, nơi môi trường dễ bị tổn thương hơn, nông nghiệp và du lịch được ưu tiên.
Là nhà tài trợ chính cho khu vực YREB, CDB – định chế tài chính trong lĩnh vực phát triển lớn nhất thế giới, chủ yếu triển khai các khoản cho vay với các dự án lớn ở những lĩnh vực bảo vệ và khôi phục môi trường sinh thái, kết nối hạ tầng, chuyển hóa và nâng cấp công nghiệp.
Tính đến cuối tháng 5 vừa qua, tổng cộng các khoản tài trợ của CDB cho khu vực YREB lên tới bốn nghìn tỷ NDT (tương đương khoảng 589 tỷ USD). Riêng năm 2018, các khoản cho vay mới của CDB với khu vực này đạt 304,5 tỷ NDT, chiếm 48% tổng cho vay mới của Ngân hàng này.