Tài nguyên nước đang tiến tới mức căng thẳng

Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo nguồn thu trong quản lý tài nguyên nước. Chính sách thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo Nghị định 82/2017/ND-CP được ban hành năm 2017 đã bước đầu có hiệu quả với mức thu 7.144 tỷ đồng sau một năm triển khai áp dụng.

Với sự phát triển đô thị, công nghiệp hóa nhanh nhu cầu về nước sẽ tiếp tục gia tăng. Ảnh: MH

Giảm đầu tư công và cơ hội phát triển tài chính tư nhân

Hiện tại, ngành nước chưa được đầu tư đúng theo nhu cầu. Thời gian trước đây, lĩnh vực nước được Nhà nước đầu tư nhiều, với hơn 6,4 tỷ đô la trong các năm từ 2006 – 2015 để thực hiện 140 chương trình và dự án nước.

Tuy vậy, nhu cầu đầu tư hiện tại vẫn cao, ước tính khoảng 2,7 tỷ đô la mỗi năm cho riêng ngành cấp nước và vệ sinh, trong khi nguồn tài chính thực sự lại rất thấp, chỉ khoảng 1 tỷ đô la mỗi năm được đầu tư cho cấp nước và vệ sinh, tương đương với khoảng 4% tổng đầu tư vào nền kinh tế.

Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn chế hiện tại, vẫn có nhiều cơ hội để gia tăng “giá trị cho đầu tư công”.

 

Sau nhiều thập kỷ, các hoạt động đầu tư tuân theo sự chỉ đạo của Nhà nước, chính sách của Chính phủ hiện nay đã và đang thúc đẩy việc cổ phần hóa, tư nhân hóa, Nhà nước thoái vốn khỏi các hoạt động kinh tế trực tiếp, chủ yếu giữ vai trò là cơ quan điều tiết thông qua việc ban hành quy định pháp lý.

Cách tiếp cận này đang được đẩy nhanh do nguồn ngân sách Nhà nước hạn hẹp dẫn tới khả năng đầu tư của Chính phủ bị co hẹp, có nghĩa là việc vay vốn cũng giảm. Hạn chế này nhìn ở khía cạnh khác lại có tác dụng có lợi cho việc khuyến khích tăng hiệu quả đầu tư công và thúc đẩy tài chính sáng tạo hơn.

Khi ngân sách bị thắt chặt, ngành nước vẫn có thể cải thiện chất lượng và hiệu quả của chi tiêu công, ví dụ bằng cách tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và tái lập cân bằng ngân sách giữa chi đầu tư và chi thường xuyên để tận dụng tối đa tài sản hiện có.

Cơ hội huy động nguồn tài chính tư khối tư nhân tốt hơn. Đầu tư tư nhân trong lĩnh vực nước hiện đang mở rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực nước đô thị, nước nông thôn và vệ sinh môi trường, thậm chí cả trong lĩnh vực thủy lợi. Việc “cổ phần hóa” nhanh chóng các công trình cấp nước đã chứng minh tính khả thi của quan hệ đối tác công – tư trong ngành nước.

Tuy vậy, để đạt được tiềm năng đầy đủ thông qua thu hút nguồn lực tài chính mới, cần giải quyết một số trở ngại, bao gồm cả những vấn đề chung của nền kinh tế và những rủi ro cụ thể của ngành nước để đảm bảo hoạt động cấp nước và vệ sinh đô thị.

Nước không phải là vô hạn

Với hơn 7.500 đập và hồ chứa, 4 triệu ha diện tích tưới, nông nghiệp là sinh kế của khoảng một nửa lực lượng lao động của đất nước và gia đình họ, đóng góp gần 1/5 thu nhập quốc gia. Thủy điện tạo ra khoảng 37% sản lượng điện của quốc gia. Đầu tư lớn đã tạo ra nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh cho các hộ gia đình. Việt Nam có truyền thống văn hóa mạnh mẽ thể hiện sự tôn trọng đối với nguồn tài nguyên nước quý giá và các con sông, suối, hồ làm đẹp cảnh quan đất nước cho con người và tự nhiên.

Với sự phát triển đô thị, công nghiệp hóa nhanh và mở rộng nền nông nghiệp, nhu cầu về nước sẽ tiếp tục gia tăng. Tài nguyên nước có nhiều nhưng không phải vô hạn. Trữ lượng nước cũng thay đổi theo vùng, theo năm, theo mùa và sự biến động này cũng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Phân theo sử dụng, 81% nước được sử dụng trong nông nghiệp, 11% cho thủy sản, 5% cho công nghiệp và chỉ 3% cho các hộ gia đình. Ngoài các mục đích sử dụng trực tiếp, vận tải đường thủy cũng chiếm khoảng 48% tổng lượng vận tải trong cả nước. Vì vậy, vận tải đường thủy là một ngành quan trọng trong phát triển kinh tế ở Việt Nam.

Tuy vậy, phần lớn tài nguyên nước Việt Nam lại nằm ngoài khả năng quản lý của quốc gia vì 2/3 tổng lượng nước chảy vào từ các quốc gia thượng nguồn, do đó, nguồn nước nội sinh của Việt Nam được đánh giá là thấp trong khu vực, mức bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 4.200 m3 so với con số trung bình là 4.900 m3 ở Đông Nam Á. Đó cũng là những thách thức đang đặt ra, đòi hỏi việc phát triển kinh tế cần chú ý đến bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước.