Mặc dù, các cơ quan chức năng đã có những chính sách và nhiều biện pháp Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang (WCS) dã xử lý và ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép, nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục tồn tại và ngày càng có dấu hiệu tinh vi hơn.
Việt Nam vẫn là điểm trung chuyển và tiêu thụ lớn
Trong thập kỷ vừa qua, số lượng các vụ buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp các sản phẩm từ ĐVHD gia tăng nhanh chóng, chủ yếu, sừng tê giác và ngà voi châu Phi.
Theo thống kê của WCS, từ nguồn tin báo chí, từ tháng 1 – 4/2019, đã có 52 vụ việc vi phạm về ĐVHD tại Việt Nam và các quốc gia khác có liên quan đến Việt Nam. Tổng cộng 44,7 tấn vẩy tê tê, hơn 10 tấn ngà voi và hơn 3 tấn sừng tê giác đã bị Hải quan Việt Nam, Singapore và Hồng Kông thu giữ khi đang trên đường đến Việt Nam.
Tháng 1/2019, 2 người Việt Nam đã bị bắt giữ tại Uganda vì buôn lậu 750 khúc ngà voi và hàng ngàn vẩy tê tê. Những người vi phạm sau đó đã đối diện với bản án rất nặng.
Bà Nguyễn Thu Hương – Quản lý Truyền thông, Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) Chương trình Việt Nam cho rằng: “Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn là một thị trường tiêu thụ khá mạnh ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD. Dữ liệu từ các vụ bắt giữ cho thấy, các loài hoang dã bị buôn bán trái phép không chỉ có nguồn gốc trong nước, nhiều loài có nguồn gốc nước ngoài như tê giác Châu Phi, voi Châu Phi, các loài mèo lớn, gấu, tê tê, rùa nước ngọt… đang được buôn bán, tiêu thụ và trung chuyển qua Việt Nam. Với vị trí địa lý nằm tiếp giáp các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc với nhiều cửa khẩu và nhiều hải cảng, Việt Nam không chỉ là nơi tiêu thụ mà còn là điểm trung chuyển quan trọng trong các tuyến đường buôn bán trái pháp luật ĐVHD xuyên quốc gia và xuyên lục địa”.
GS. TS. NGND Mai Đình Yên – Khoa Sinh học Đại học Khoa học Tự nhiên nhận định: “Hiện nay, tình trạng buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia không những đang tồn tại mà còn trở nên tinh vi hơn để luồn lách qua những kẽ hở của luật pháp. Đặc biệt, các nước nghèo phương Đông do tập quán sử dụng ĐVHD để ăn, để làm thuốc trong một thời gian dài lịch sử”.
Bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc ENV cho biết, thông tin “Sừng tê giác hay các sản phẩm ĐVHD khác được “đồn thổi” có tác dụng chữa bách bệnh nhưng không có bằng chứng khoa học nào cho những niềm tin mù quáng đó. Việt Nam hiện tại không còn tê giác nhưng vẫn bị coi là một trong những thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới. Nhu cầu sử dụng sừng tê giác đã dẫn đến sự tuyệt chủng của loài tê giác ở Việt Nam, nhưng vẫn tiếp tay cho nạn thảm sát tê giác ở châu Phi với mức độ báo động”.
Cần có những biện pháp quyết liệt
GS. TS. NGND Mai Đình Yên đã đưa ra 4 giải pháp cho tình trạng trên là: Nâng cao nhận thức về săn bắn ĐVHD; cấm săn, bắt tiêu thụ, buôn bán ĐVHD; đẩy mạnh chăn nuôi những loại ĐVHD đang cần quan tâm và không khai thác từ thiên nhiên.
Theo bà Hương – WCS, để đấu tranh có hiệu quả và từng bước đẩy lùi nạn buôn bán ĐVHD trái pháp luật, chúng tôi cho rằng, trên hết, Việt Nam cần xác định buôn bán ĐVHD trái pháp luật là loại tội phạm cần ưu tiên đấu tranh và triệt phá vì khả năng gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, nguy cơ tác động đến y tế công cộng, chất lượng sống của con người và hình ảnh quốc gia, từ đó có sự phân bổ nguồn lực đầy đủ như đấu tranh với các loại tội phạm khác.
Tiếp đến, tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD để kịp thời sửa đổi, bổ sung, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của các quy định; đồng thời, đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự về buôn bán ĐVHD; tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ ĐVHD cho các cán bộ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này.
Đồng thời, mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong đấu tranh chống tội phạm về ĐVHD và thiết lập các kênh trao đổi thông tin/hợp tác góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm. Chúng ta cần tăng cường thực thi pháp luật dựa trên kết quả thống kê, phân tích số liệu để xác định phương thức thủ đoạn, quy luật hoạt động (các điểm nóng, tuyến đường quan trọng) của các đối tượng, đường dây để xây dựng kế hoạch hành động thực thi pháp luật một cách hiệu quả, toàn diện.
Báo chí truyền thông và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn ĐVHD cũng là một kênh quan trọng trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, hiểu biết pháp luật của người dân về giá trị của việc bảo tồn ĐVHD. Các hoạt động giáo dục, truyền thông về bảo vệ, bảo tồn ĐVHD cần hướng tới thay đổi thái độ, hành vi và công luận đối với các hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHD”.
Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho rằng, bên cạnh việc đưa ra 10 kiến nghị về động vật hoang dã, trong thời gian qua, nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng, hotline 18001522 cũng được lập để thông báo vi phạm về ĐVHD. Qua đó, ENV sẽ tiếp nhận thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm.