Món súp vi cá mập quét sạch hơn 73 triệu con cá mập mỗi năm

Nhu cầu ngày càng tăng đối với món súp vi cá mập đã quét sạch hơn 73 triệu con cá mập mỗi năm, gây ra một thực tế đáng buồn được gọi là “cơn sốt vàng” của biển cả.

Vây cá mập là một trong những mặt hàng hải sản đắt nhất, chủ yếu được đem nấu súp.

Cắt vây cá là tình trạng một con cá mập bị cắt vây ngay trên biển và ném xuống đại dương sau đó. Thực trạng này đang thịnh hành ở nhiều vùng, đặc biệt ở Trung Quốc nhưng một chiến dịch bảo tồn trên toàn quốc đã khiến mức tiêu thụ giảm 80% kể từ năm 2011.

Tuy nhiên, theo tổ chức bảo tồn WildAid, nhu cầu vẫn rất lớn ở Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao, và đang tăng lên ở các khu vực khác của châu Á như Thái Lan, Việt Nam và Indonesia.

Một người phục vụ tại một nhà hàng ở Quảng Châu, Trung Quốc, bưng món súp vi cá mập (Ảnh: Johannes Eisele/AFP/Getty Images).

Tại Vương quốc Anh, nơi hành vi cắt vây cá mập bị cấm – như ở tất cả các quốc gia EU, món súp vi cá vẫn có trong thực đơn hàng chục nhà hàng mặc dù nhiều nhà hàng đã ngừng phục vụ, theo tổ chức từ thiện Bite-Back Shark and Marine Conservation. Thậm chí, món này có giá lên đến 180 bảng/bát.

Những người đặt hàng súp ở Anh có khả năng đang tiêu thụ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, Graham Buckingham, Giám đốc chiến dịch của Bite-Back cho biết.

Các hiệp định thương mại quốc tế do Tổ chức Thương mại Thế giới quản lý cho phép giao dịch vây cá mập ở hầu hết các quốc gia.

“Hoàn toàn hợp pháp với bất kỳ người trưởng thành nào đi du lịch châu Âu để mang 20 kg vây cá mập theo hạn mức nhập khẩu về”.

“Những người mang thịt hoặc pho mát vào châu Âu sẽ bị tịch thu và tiêu hủy. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, 20 kg vây cá mập thì lại được phép. Ngần ấy vây đủ để làm 705 bát súp và trị giá khoảng 3.500 bảng trên thị trường chợ đen”.

Việc cắt vây cá mập đã bị cấm thực hiện trên các con tàu và tại các vùng biển châu Âu kể từ năm 2003. Quy định của EU đã được siết chặt vào năm 2013 đòi hỏi “tàu thuyền thuộc EU khi đưa cá mập vào bờ phải trong tình trạng vây còn nguyên trên thân” – theo Ali Hood, Giám đốc bảo tồn của Tổ chức Shark Trust.

Ali cũng cho rằng lệnh cấm vây cá mập là một điều gì đó khác biệt.

“Đây là một lệnh cấm đối với việc buôn bán sản phẩm trong một quốc gia – điều không được áp dụng ở Anh hoặc EU. Do đó, vây của một số lượng cá mập nhất định có thể được giao dịch hợp pháp và bán cho công chúng tiêu thụ”.

“Việc phân biệt sản phẩm vây cá mập hợp pháp (bắt nguồn từ các loài thủy sản được quản lý) và các loài không được bảo vệ là một thách thức, do đó, truy xuất nguồn gốc là điều rất cần thiết, thậm chí, có ý kiến cho rằng cần ban hành lệnh cấm đối với toàn bộ vây cá mập. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần cấm như vây thì không hẳn kiềm chế được tỷ lệ tử vong của cá mập”.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, hơn 1/4 các loài cá mập trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng. Sau khi bị cắt vây, cá mập thường vẫn còn sống khi bị vứt xuống biển, rồi chết vì ngạt thở, chảy máu hoặc bị những loài săn mồi khác ăn thịt.

Công nhân cắt vi cá mập tại chợ chá Karngsong tại Tây Java, Indonesia. (Ảnh: Sijori Images/Barcroft Images).

Mặc dù tình trạng cắt vây cá mập phổ biến ở nhiều khu vực, tuy nhiên, các đảo Thái Bình Dương bao gồm Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và Tuvalu đã xóa sổ thành công và đây được coi là một điểm sáng trong bức tranh toàn cầu toàn gam màu tối.

Dữ liệu mới từ Hội đồng Quản lý Hàng hải cho thấy tình trạng cắt vây cá mập đã giảm đáng kể giữa các quốc đảo tham gia Thỏa thuận Nauru.

Indonesia là một trong những nước sản xuất vây cá mập lớn nhất thế giới. Tại Hồng Kông, nơi chiếm 40% giao dịch vây cá mập toàn cầu, lượng nhập khẩu vẫn “rất cao” mặc dù số liệu chính thức cho thấy xu hướng giảm trong những năm gần đây.

Tháng 9 năm ngoái, Maxim, chuỗi nhà hàng lớn nhất Hồng Kông, chịu áp lực từ các nhà vận động, tuyên bố rằng vây cá mập sẽ bị cấm tại tất cả các cửa hàng thuộc chuỗi từ tháng 1/2020.

Susan Millward, Giám đốc chương trình động vật biển tại Viện phúc lợi động vật có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết nhu cầu gia tăng khiến cá mập gặp nguy hiểm.

“Tỷ lệ sinh sản chậm khiến chúng rất dễ bị tuyệt chủng. Sự biến mất của cá mập – loài săn mồi ở đỉnh nhiều hệ sinh thái – gây ra sự mất cân bằng nguy hiểm trong các quần xã biển trên toàn thế giới”.

Cắt vây cá mập là bất hợp pháp ở các vùng biển Hoa Kỳ nhưng theo Viện phúc lợi động vật, quốc gia này “vẫn tiếp tục duy trì hoạt động này bằng cách trở thành thị trường cho các sản phẩm vây cá mập”.

Hiện 12 tiểu bang đã ban hành lệnh cấm giao dịch vây cá mập.

Mariah Pfleger, nhà hải dương học thuộc nhóm vận động Oceana cho biết cần phải có lệnh cấm toàn quốc: “Ngay bây giờ, không thể biết liệu một chiếc vây cá mập ở Mỹ có phải là sản phẩm từ việc cắt vây hay không”.

“California ban hành lệnh cấm từ năm 2012, tuy nhiên dữ liệu của chính phủ cho thấy vây cá mập vẫn đang vào Los Angeles và được vận chuyển qua con đường thương mại giữa các tiểu bang”.

“Ngay cả khi các công ty và tiểu bang đóng cửa giao dịch vây cá mập, các cánh cửa khác vẫn mở, và thị trường thay đổi theo. Sau khi California và Illinois ban hành lệnh cấm, hoạt động buôn bán vây cá mập chuyển chủ yếu sang Texas. Khi Texas thực hiện lệnh cấm thì việc buôn bán lại chuyển đến Georgia. Lệnh cấm liên bang sẽ loại bỏ trò chơi đập chuột này”.

Nhật Anh (Theo The Guardian)

Nguồn: