Điện – không còn là câu chuyện tăng giá, không còn là áp lực giá cả đối với người dân, đó là thách thức cho sự phát triển.
Tuy nhiên, đề xuất nhập khẩu điện từ Trung Quốc lại đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận lẫn các chuyên gia.
Mới đây, báo cáo tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công thương đề cập đến giải pháp tăng cường nhập khẩu điện, chấp thuận chủ trương tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc trong thời gian tới.
Cụ thể, Bộ Công thương giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đàm phán với Công ty Lưới điện Phương Nam (CSG) của Trung Quốc để tăng nhập khẩu điện Trung Quốc qua các đường dây 220 kV hiện hữu và phối hợp CSG đầu tư hệ thống Back To Back để tăng mua điện từ năm 2022 mà không phải thực hiện tách lưới; Nghiên cứu mua điện qua cấp điện áp 550 kV để có thể mua từ năm 2025.
Một trong những lý do được đưa ra đó là đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 60.000 MW, trong đó thủy điện lớn và thủy điện tích năng chiếm khoảng 30,1%; nhiệt điện than và khí khoảng 57,6%; nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo khoảng 9,9%; nhập khẩu điện khoảng 2,4%.
Và đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 96.500 MW trong đó thủy điện lớn và thủy điện tích năng chiếm 21,1%; nhiệt điện than và khí 64,9%; nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 12,5%; nhập khẩu điện khoảng 1,5%. Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 129.500 MW trong đó thủy điện lớn và thủy điện tích năng chiếm 16,9%; nhiệt điện than và khí 57,3%; nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 21%; nhập khẩu điện khoảng 1,2%.
Theo phân tích của các chuyên gia thì miền Nam có nguy cơ thiếu điện, nhưng để tải 4.000-5.000 MW vào thì không thể được vì hiện nay mạch 1 chỉ tải được khoảng 2.000-2.500 MW, lúc căng nhất là 3.000 MW, mạch 3 hiệu quả hơn thì đang làm, mạch 2 thì dựa trên mạch 1 là chính.
Song song, thực tế cũng cho thấy, việc sản xuất điện trong nước đến nay vẫn còn quá nhiều ngổn ngang. Thuỷ điện, nhiệt điện giá thành rẻ nhưng gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên. Điện mặt trời, điện gió thân thiện với môi trường nhưng chi phí cao và thiếu tính ổn định vì phụ thuộc vào thời tiết. Trong khi đó, ngành điện hiện nay tập trung vào khâu truyền tải điện, giảm việc sản xuất, thay vào đó là nhập điện của các đơn vị khác.
Dự báo năm 2019 tổng công suất điện tăng 11,23% thì mới đảm bảo yêu cầu sản xuất, đời sống và tăng trưởng. Vậy, áp lực của ngành điện đâu chỉ còn là vấn đề giá cả với đời sống của nhân dân. Không phát triển, không ổn định được ngành điện, cả nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Một khi kinh tế ảnh hưởng, sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề an ninh xã hội khác.
Vẫn biết, chuyện các nước láng giềng mua điện của nhau vẫn thường xảy ra trong khu vực và trên thế giới, nên câu chuyện nhập khẩu điện với chúng ta không phải là mới. Hiện công suất điện Việt Nam nhập khẩu của Trung Quốc chiếm chưa đến 3% nên chưa ảnh hưởng gì lớn đến an ninh năng lượng hay lo phụ thuộc.
Thế nhưng nhập khẩu điện từ Trung Quốc không phải là giải pháp căn cơ. Điều quan trọng cần làm là phải đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện trong Miền Nam. “Việt Nam nhập khẩu điện cũng không thể quá được vài ngàn MW được. Hiện nay chúng ta chưa xây dựng đường dây 500 kV, mới có đường dây 220 KV, mà đường dây 220 kV cũng chỉ tải được khoảng 1.000 MW. Chính vì thế phải xây dựng đường dây 500 kV, nhưng như vậy rất tốn kém và để năm 2025 đi vào hoạt động như dự kiến thì phải làm từ bây giờ mới kịp” – ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói.
Dẫu vậy, các nhà quản lý phải tính toán thế nào cho hợp lý với nhu cầu trong nước và đây không phải là bài toán dễ dàng với người làm công tác điều hành nền kinh tế một khi người điều hành đó có tâm với dân với nước. Vì thế, “cần tính đến việc mua với tỷ lệ bao nhiêu là thích hợp để tránh phụ thuộc. Phải tính toán đến trường hợp các nước xảy ra trục trặc trong quan hệ, hợp đồng mua bán không thực hiện được thì vẫn không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Quan trọng nhất vẫn là nội lực” – GS.TSKH Trần Đình Long nêu quan điểm.
Tức là, nên tận dụng nguồn lực trong dân. Tạo cơ chế mua bán điện tốt sẽ có nhiều doanh nghiệp tư nhân nhỏ đầu tư vào điện từ điện gió, điện thủy triều, điện mặt trời, tuy rất nhỏ thôi vài KW hay MW nhưng số lượng lớn nó là cả vấn đề, theo kiểu “tích tiểu thành đại”, người người nhà nhà cùng chung tay, góp sức xây dựng đất nước.
Không một quốc gia nào có thể phát triển nếu không nắm được nguồn năng lượng điện. Không một nền kinh tế nào có thể bứt tốc nếu thiếu điện. Và đương nhiên cũng chẳng thể nào đảm bảo được an ninh quốc gia nếu an ninh năng lượng không được giữ vững. Không còn là câu chuyện tăng giá, không còn là áp lực giá cả đối với người dân, đó là thách thức cho sự phát triển.
Chính vì vậy thêm một lần nữa, xin gửi lại lời nhắc nhở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến những người làm công tác sản xuất, điều hành điện rằng “nếu nền kinh tế thiếu điện sẽ gây ra tác động khôn lường… Nếu như mất điện, một số đồng chí phải mất chức”.