Quy hoạch trên toàn lưu vực sông Mê Kông, giám sát môi trường, quản lý lũ lụt và hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu và sự tham gia của các bên liên quan là một số lĩnh vực chính được hưởng lợi từ mối quan hệ đối tác được tái tục giữa Ủy hội sông Mê Kông (MRC) và Cơ quan lưu vực sông Murray-Darling (MDBA) của Úc.
Tin từ MRC cho hay mới đây, Giám đốc điều hành MRC An Pich Hatda và Giám đốc điều hành MDBA Phillip Glyde đã chính thức ký một bản ghi nhớ (MOU) tại Canberra với sự tham dự của các nhà hoạch định chính sách năng lượng cao cấp khu vực Mê Công và các quan chức MDBA, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc .
Tiến sĩ Hatda chỉ ra những thách thức lớn là thời tiết cực đoan gia tăng, biến đổi khí hậu, sự đánh đổi khó khăn giữa phát triển và nhiều lĩnh vực liên quan đến nước.
“Chúng tôi tin rằng MOU này sẽ không chỉ tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa hai bên mà còn góp phần giải quyết một số thách thức hiện tại và tương lai mà lưu vực sông Mê Kông đang phải đối mặt”.
Theo MOU mới, cả hai bên sẽ hợp tác kỹ thuật thông qua quy hoạch nước trên toàn lưu vực, giám sát và đánh giá môi trường, quản lý hạn hán và lũ lụt, quy hoạch và quản lý nước ngầm, lập kế hoạch biến đổi khí hậu và các kịch bản bất định, và sự tham gia của công chúng cùng các bên liên quan.
Việc ký kết MOU diễn ra dưới sự hỗ trợ của DFAT bên lề Đối thoại chính sách năng lượng Mê Kông-Úc lần đầu tiên, quy tụ quan chức năng lượng cao cấp từ Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar đến Melbourne, Canberra, Cooma và Sydney từ 2-7/6/2019 gặp gỡ các nhà hoạch định chính sách năng lượng tái tạo, học giả và đại diện hàng đầu của Úc.
Đối thoại nhằm mục đích cung cấp cho các quan chức khu vực Mê Kông cái nhìn tổng quan về bề rộng kinh nghiệm và sáng kiến của Úc trong bối cảnh các ngành quản lý năng lượng tái tạo và nước.
Được biết, sự hợp tác kỹ thuật giữa hai lưu vực bắt đầu từ năm 1996, một năm sau khi MRC được thành lập, với Úc là bên ủng hộ mạnh mẽ và tài trợ cho mối quan hệ đối tác xuyên suốt này. Nhưng sự hợp tác đã im hơi lặng tiếng trong những năm gần đây do cải cách thể chế. Vì vậy, MOU mới dựa trên bản ghi nhớ hiện có, mở rộng tinh thần hợp tác từ trước.
Nhật Anh