Chuyện buồn sau tour du lịch ngắm động vật hoang dã

Thi thoảng, truyền thông lại đưa tin về những vụ nổ súng trong trường học ở Mỹ mà thủ phạm là những đứa trẻ nhẫn tâm, lạnh lùng xả súng giết chết bạn học, giáo viên của mình.

Lý giải về tâm lý những tội phạm nhí này, các nhà tâm lý học tội phạm Mỹ đã ghi nhận rằng phần lớn những đứa trẻ này đã từng có quá khứ có biểu hiện đánh đập, bạo hành và giết hại động vật một cách rất dã man.

Hổ – ngậm một khối căm hờn trong cũi sắt

Hành động tàn ác với động vật của một đứa trẻ có thể bắt đầu từ những việc làm vô thức rất đơn giản như: đi vườn thú thì trêu chọc động vật, tỏ thái độ thích thú khi thấy huấn luyện viên xiếc thú dùng roi, gậy hành hạ các con vật khi chúng không chịu nghe lời thực hiện động tác biểu diễn…

Mùa hè đến, một trong những tour du lịch mà cha mẹ thường hay thưởng cho con cái sau một năm học vất vả đó là đi thăm các vườn thú và xem xiếc thú. Dạy cho trẻ em có nhận thức về động vật, về thiên nhiên hoang dã không có gì là sai.

Nhưng cũng cần lưu ý bởi ẩn đằng sau các vườn thú hút khách hoặc các buổi biểu diễn hào nhoáng đó có thể sẽ là các vấn đề của phúc lợi động vật, khi con thú bị con người vì mục đích lợi nhuận mà tước mất quyền sống theo tự nhiên.

Những chuyện buồn ở vườn thú

Cứ đến dịp hè là những con thú ở Vườn thú Thủ Lệ, Hà Nội và Thảo Cầm Viên TP HCM lại không ít phen khổ sở vì các vị khách nhí hiếu kỳ. Còn nhớ có một dạo truyền thông đã dồn dập lên tiếng về tình trạng chọc phá thú tại Thảo Cầm Viên TP HCM. Theo mô tả, có những gia đình mang cả bao bánh quy cho gấu ăn.

Thậm chí, họ còn tò mò đến mức quăng cả bao bánh quy nguyên để xem mấy chú gấu “xử lý” như thế nào mà không hề biết rằng việc tự ý cho thú ăn sẽ làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của thú nếu thức ăn không phù hợp.

Tại khu cá sấu nhiều người đã chứng kiến hành vi chọc phá thú một cách thô bạo của một số khách như: lấy que dài chọc vào mình cá sấu; ném vỏ chai nước ngọt xuống đầu cá sấu…

Trên thế giới có rất nhiều vườn thú và khi nhắc tới vườn thú, người ta thường nghĩ ngay đến một nơi để ngắm và chiêm ngưỡng các loài động vật; một nơi để đưa con nhỏ hay bạn bè đi chơi vào dịp cuối tuần; một nơi để học tập và nghiên cứu tập tính các loài động vật hoang dã…

Nhưng có một khía cạnh mà ít người biết, ít người nhận ra. vườn thú là nơi mà hàng trăm, hàng ngàn các loài động vật hoang dã đang bị cướp đi mất sự tự do của chúng, một nơi mà vô số những con vật đang ngày qua ngày phải sống một cuộc sống không đúng với cái mác “động vật hoang dã” của mình, một cuộc sống vô nghĩa và đáng thương bởi những lý do như: vườn thú không cung cấp đủ diện tích cho các loài vật; không mang tính chất giáo dục như ta tưởng; thiếu sự quan tâm cần thiết…

Nói về vấn đề này, tác giả Corrine Henn đã có bài viết “Cách nhận biết sự khác biệt giữa một khu bảo tồn động vật uy tín và một địa điểm du lịch ngược đãi động vật”  trên website www.onegreenplanet.org.

Theo đó, mỗi cá nhân cần biết được sự khác biệt giữa những khu bảo tồn giả danh và những địa điểm uy tín là chìa khóa để đảm bảo rằng bạn đang không góp phần vào việc lạm dụng và bóc lột các loài động vật.

Có một số dấu hiệu nhận biết để tránh các khu bảo tồn động vật hoang dã giả danh như môi trường sống. Nếu động vật sống trong tự nhiên, chúng sẽ có hàng ngàn dặm đất để đi săn, khám phá và tập thể dục.

Mặc dù môi trường nuôi nhốt – khu bảo tồn hoặc nơi khác – không thể tái hiện những trải nghiệm thực sự trong tự nhiên, nhưng một khu bảo tồn uy tín sẽ cung cấp cho động vật một không gian rộng lớn để đi lang thang và sẽ không xích động vật lại.

Còn một khu bảo tồn giả danh có thể sẽ xích động vật trong chuồng. Điều này hoàn toàn hạn chế khả năng thực hiện hành vi tự nhiên của con vật, dẫn đến một số vấn đề sức khỏe và tình trạng kiệt quệ tinh thần cực độ.

Vấn đề nữa là sự tương tác với động vật. Theo tác giả Corrine Henn, nếu bạn đi đến một “khu bảo tồn” cho phép du khách có cơ hội tương tác trực tiếp với động vật, đó là một dấu hiệu xấu. Những khu bảo tồn thực sự sẽ không cho phép du khách chụp ảnh với các loài động vật để thu phí và họ cũng sẽ không cho phép du khách cưỡi lên động vật.

Đây không chỉ là một mối nguy hiểm đối với sự an toàn của du khách vì hầu hết các loài động vật hoang dã không muốn con người bao quanh chúng. Các cơ sở này luôn đề cao sức khỏe và phúc lợi của động vật (cũng như của du khách) lên trên bất cứ điều gì khác, có nghĩa là sẽ luôn có một rào cản vật lý giữa du khách và động vật.

Khi động vật dùng nỗi đau để đổi lấy nụ cười

Hầu hết tuổi thơ ai cũng có ký ức với xiếc thú, nhưng ít người biết rằng để “mua ” được nụ cười khán giả, những con thú đã phải trả giá bằng máu, nước mắt, sự sợ hãi và những niềm đau bất tận…

Lấy một ví dụ với màn biểu diễn xiếc gấu đi hai chân, trồng cây chuối. Đầu tiên, cần biết rằng động vật sinh ra không tự nhiên biết diễn xiếc. Gấu có thân hình đồ sộ, khả năng giữ thăng bằng ở mức trung bình và chẳng có lý do gì khiến chúng thích đứng bằng 2 chân cả. Thế nhưng bằng cách luyện tập tàn nhẫn, con người đã biến gấu thành những “diễn viêc xiếc đại tài”.

Gấu con bị buộc cổ để bắt buộc phải đứng hai chân trong quá trình dạy thú làm xiếc.

Chỉ sau khi chào đời vài tháng, nếu ở trong thiên nhiên hoang dã, những chú gấu con này vẫn chưa rời mẹ, vậy mà ở rạp xiếc chúng đã bắt đầu bị huấn luyện. Theo tài liệu của Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật (PETA), những chú gấu con sẽ bị xích vào một móc treo trên tường, với độ dài chỉ vừa đủ để chúng chạm được 2 chân sau xuống đất. Chúng sẽ bị bắt buộc phải đứng bằng hai chân trong nhiều giờ đồng hồ.

Mệt cũng không thể nghỉ, vì nếu hạ chân xuống, chúng có thể ngạt thở mà chết. Cứ như thế đến bao giờ chúng chịu và quen đứng bằng hai chân thì thôi. Hay trò gấu trồng chuối, để luyện tập gấu con bị buộc phải trồng chuối trên một thanh sắt, cứ mỗi lần muốn buông tay nghỉ, gấu phải nhận một cú quất roi đau điếng…

Vì những lo ngại về việc động vật bị đối xử không tốt, trong bối cảnh con người đang dần xóa bỏ những hành vi ngược đãi động vật, rất nhiều tổ chức và cộng đồng đề ra những quy định hà khắc đối với gánh xiếc sử dụng động vật. Tại Mỹ, nhiều thành phố thậm chí đã chính thức cấm hoạt động bất kỳ gánh xiếc nào có sử dụng động vật.

Nhờ vậy, những rạp xiếc “địa ngục” đang dần dần bị loại bỏ, số lượng sụt giảm đáng kể. Lệnh cấm sử dụng tất cả các loài động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc hoặc áp dụng đối với một số loài động vật nhất định đã được ban hành toàn quốc tại: Trung Quốc, Úc, Bolivia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Hy Lạp, Malta, Slovakia, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Đài Loan (TQ), Singapore, Costa Rica, Ấn Độ, Pêru và Israel.

Còn ở Việt Nam, hàng trăm động vật hoang dã vẫn đang phải chịu đựng trong các rạp xiếc, phúc lợi của những động vật này, trong các rạp xiếc cố định và di động, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi quá trình huấn luyện, biểu diễn và điều kiện sống không giống với môi trường tự nhiên, không đảm bảo các nhu cầu tối thiểu của động vật hoang dã.

Hầu hết thời gian trong ngày, động vật trong rạp xiếc bị xích và nhốt trong lồng, dưới 10% thời gian dành cho biểu diễn/huấn luyện và thời gian còn lại bị nhốt trong các chuồng luyện tập.

Do đó tại Việt Nam, các tổ chức bảo vệ động vật cũng đang nỗ lực lên tiếng để loại bỏ dần xiếc thú.

Tháng 6/2018, Liên minh châu Á vì động vật (AFA) đã có thư gửi đến Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình trạng lạm dụng động vật trong hoạt động biểu diễn xiếc phục vụ mục đích giải trí trên khắp Việt Nam.

Bức thư dẫn báo cáo của Tổ chức động vật châu Á cho biết có 19 loài động vật đang được sử dụng tại các rạp xiếc, trong đó có những loài được xếp vào mức độ nguy cấp theo pháp luật Việt Nam.

Còn nhớ, Dương Đoàn Anh Minh tác giả đoạt giải nhất cuộc thi vẽ tranh “Cuộc sống của động vật hoang dã trong các rạp xiếc” do Tổ chức Động vật Châu Á tổ chức năm 2014 đã có lời sẻ chia rất cảm động rằng: “Khi còn bé, tôi cũng đã xem xiếc thú, nói thực tôi cũng đã từng nể phục những người dạy thú lắm. Nhưng sau quá trình tìm hiểu, tôi biết được rằng để làm được những hành động đổi lại tiếng cười đấy, là một địa ngục với các con vật.

Chúng được dạy bằng roi vọt, những dụng cụ tra tấn, xiềng xích. Tôi không muốn con, hoặc cháu tôi sẽ tiếp tục chứng kiến điều đấy. Tôi muốn con cháu tôi phải yêu thiên nhiên và động vật, dựa trên sự tôn trọng”.

Quả đúng là như vậy, các nhà tâm lý học đã chứng minh, trẻ em khi còn nhỏ nếu được tiếp xúc và được dạy cách đối xử tốt với động vật, thì khi bắt đầu đi học và khi lớn lên, đứa trẻ ấy thường nhạy cảm hơn, biết yêu thương bạn bè và những người yếu thế hơn mình.

Dạy trẻ em đối xử tốt với động vật thì khi lớn lên, chúng cũng sẽ biết đối xử tốt với con người!