Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 6, khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện khoảng 3 – 4 đợt mưa dông diện rộng, vùng núi và trung du phía Bắc nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ ở vùng thấp trũng. Trước mắt, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng bố trí vật tư, phương tiện, nhân lực, nhu yếu phẩm, tổ chức tập huấn, diễn tập, sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả nhanh chóng khi có tình huống bất ngờ.
Lũ quét, sạt lở gây thiệt hại về người lớn nhất
Tại Hội nghị Phòng chống thiên tai (PCTT) khu vực miền núi phía Bắc vừa diễn ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất mà các cấp, các ngành cần đạt được trong công tác PCTT là giảm thiểu thiệt hại về người do thiên tai, đặc biệt, đối với lũ quét, sạt lở đất. Bởi theo các báo cáo, thiệt hại do thiên tai gây ra những năm gần đây tuy có giảm nhưng vẫn còn lớn. Năm 2018, cả nước có 224 người thiệt mạng và mất tích do thiên tai, riêng khu vực miền núi phía Bắc có 117 người, trong đó, nguyên nhân do lũ quét, sạt lở đất có tới 82 người.
Trong những tháng đầu năm 2019, dù chưa phải cao điểm mùa mưa bão nhưng hiện tượng mưa cực đoan, mưa đá, giông lốc đã xảy ra ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, gây thiệt hại người và tài sản. Nhiều ý kiến từ đại diện cơ quan PCTT tại địa phương cho rằng, nguyên nhân thiệt hại chủ yếu là do địa hình phức tạp, điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, sinh kế của người dân chủ yếu ở ven các sông suối và trên sườn đất dốc, dễ bị tổn thương, thiệt hại dưới tác động của thiên tai như giá rét mưa lũ và sạt lở đất. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nói chung và phục vụ công tác PCTT nói riêng kém phát triển, khả năng chống chịu còn yếu kém, đặc biệt là nhiều khu vực thường xuyên bị sạt lở, chia cắt khi có thiên tai xảy ra. Một nguyên cần lưu ý, tình trạng khai thác khoáng sản quá mức hoặc thiếu kiểm soát còn diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng rủi ro thiên tai.
Nhằm giúp người dân phục hồi sản xuất và ổn định cuộc sống, trong năm qua, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 3.377/9.461 tỷ đồng (chiếm 36%) từ dự phòng ngân sách Trung ương; hỗ trợ 3.854/5.705 tấn gạo (chiếm 67%) cứu đói, 1.071/1.234 tấn (chiếm 87%) giống hạt giống các loại – mức cao hơn nhiều so với các năm trước đây để giúp các địa phương trong khu vực nhanh chóng khắc phục hậu quả.
Riêng công tác bố trí nhà ở, di dời dân cư cho người dân chịu ảnh hưởng của lũ quét sạt lở đất, 8 tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Lại Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An đã được hỗ trợ 160 tỷ đồng để di dời khẩn cấp cho 2.263 hộ dân. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, cuối năm nay, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành đề án tổng thể về sạt lở đất và di dân chi tiết đến địa bàn từng xã để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt gói tài chính triển khai.
Bố trí nơi tránh trú an toàn cho người dân
Theo ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV) Quốc gia, tổng lượng mưa tháng 5 và từ tháng 7 – 10 của khu vực Bắc Bộ sẽ xấp xỉ trung bình nhiều năm. Riêng tháng 6, khu vực Việt Bắc và Đông Bắc cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 15 – 25%, nguy cơ tiếp tục xảy ra các trận mưa lớn với cường suất lớn.
Bên cạnh đó, từ tháng 6 – 8/2019, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện nhiều đợt lũ, đỉnh lũ các sông có thể ở mức báo động 1, báo động 2. Lũ quét và sạt lở đất có khả năng xuất hiện sớm ngay từ các tháng đầu mùa mưa lũ, tập trung tại vùng núi phía Tây Bắc.
Để ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, trước mắt, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã yêu cầu các địa phương tập trung nguồn lực, ưu tiên triển khai thực hiện các nội dung trong Nghị quyết 76 của Chính phủ, chiến lược, kế hoạch Quốc gia PCTT và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, các bộ ngành. Trọng tâm là kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các cấp; củng cố, nâng cao năng lực cơ quan tham mưu các cấp về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, các địa phương rà soát địa bàn trước mỗi mùa mưa bão, chủ động xây dựng phương án sơ tán khẩn cấp người dân khi có tình huống xảy ra, chi tiết từng hướng di chuyển, đánh dấu các vị trí an toàn có thể trú tránh. Khi có thiên tai cần tập trung nguồn lực, kịp thời khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường và đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc nhất là các vùng dễ bị cô lập, chia cắt. Công tác vận hành các hồ chứa cần được quản lý, giám sát chặt chẽ; ưu tiên các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng công trình PCTT, khắc phục hậu quả tái thiết sau thiên tai.
Một vấn đề cần được quan tâm hiện nay là cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về tình hình thiên tai,tuyên truyền, hướng dẫn bằng nhiều hình thức phù hợp (phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, video, sổ tay, website, mạng xã hội, tin nhắn và các công cụ truyền thống, bản địa…) cho nhân dân, học sinh, cộng đồng nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, đối tượng lao động thường xuyên ở lại trên nương rẫy trong rừng. Chính quyền các cấp cũng cần tập trung chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc thực hiện công tác phòng ngừa thiên tai, đặc biệt là việc làm mới và cụ thể hóa phương châm 4 tại chỗ phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay để giảm thiểu nguy cơ rủi ro thiên tai.