Trong cả mùa khô năm nay, nhiều hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung, miền Nam đang cạn kiệt do thời tiết cực đoan, ảnh hưởng rất lớn tình hình cung ứng điện.
Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) từ đầu năm đến nay, lưu lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam rất thấp. Tình trạng này đã làm nhiều hồ thủy điện tại đây đang xấp xỉ, thậm chí ở dưới mực nước chết.
Đáng báo động là mặc dù là hệ thống mới chỉ chớm vào giai đoạn cao điểm vận hành nhưng tổng thể tích nước trong các hồ thủy điện chỉ còn 18,6% dung tích hữu ích. Cụ thể, thống kê tại thời điểm cuối tháng 5 cho thấy có 16/44 hồ có thể tích nước còn lại thấp hơn 10% dung tích hữu ích, bao gồm cả những hồ lớn có vai trò trong việc cấp điện cũng như cấp nước hạ du như: Buôn Tua Srah, Trị An, Thác Mơ, Hàm Thuận, Đại Ninh,…
Theo đánh giá của A0, lượng nước có thể quy ra điện tại các hồ thủy điện miền Trung và miền Nam chỉ còn khoảng 1,3 tỷ kWh, tương đương tổng phụ tải toàn quốc trong 2 ngày làm việc.
Lưu lượng nước về và dung tích hữu ích tại các hồ thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam thấp đã gây áp lực rất lớn đối với tình hình cung ứng điện của toàn hệ thống, đặc biệt là tại miền Nam.
Trong tháng 6, dự kiến phụ tải toàn quốc tiếp tục tăng trưởng cao theo chu kỳ hàng năm, ở mức trung bình 701,2 triệu kWh/ngày, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2018. Công suất cực đại dự kiến ở mức 38.000-39.000 MW, tăng 13-14% so với cùng kỳ.
Dự báo hệ thống điện sẽ vận hành căng thẳng hơn nữa, khả dụng hệ thống giảm thấp.
Để bảo đảm cung ứng điện trong tháng 6 và cao điểm mùa khô 2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã yêu cầu các đơn vị phát điện thuộc EVN nâng cao khả dụng tổ máy, sẵn sàng huy động khi hệ thống có nhu cầu. Đối với nhiệt điện dầu phải bảo đảm đủ dầu phục vụ phát điện. Đồng thời, huy động thủy điện linh hoạt theo lưu lượng nước về và nhu cầu phụ tải, bảo đảm khả dụng đến cuối mùa khô.
Cùng với đó dự kiến phương thức huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí khu vực miền Nam, giám sát liên tục đường dây truyền tải để tăng cường công suất từ Bắc vào Nam.
EVN cũng yêu cầu bảo đảm khả dụng các nhà máy nhiệt điện dầu và tuabin khí chạy dầu, sẵn sàng huy động khi hệ thống có nhu cầu. Tăng cường công tác điều chỉnh phụ tải điện, hạn chế công suất trong giờ cao điểm.
Trước áp lực vận hành căng thẳng của hệ thống điện, từ đầu năm đến nay được biết EVN đã phải huy động các nguồn nhiệt điện dầu có chi phí cao để bảo đảm cung cấp điện. Tính đến ngày 17/5, tổng sản lượng nguồn điện chạy dầu huy động đã lên tới 160 triệu kWh.