Ô nhiễm không khí hiện đang trở thành mối quan tâm của toàn cầu, bởi những ảnh hưởng trực tiếp của nó tới sức khỏe con người. Nhân Ngày Môi trường thế giới (5/6), PV Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định xoay quanh vấn đề này.
Thưa ông, trực tiếp phụ trách về lĩnh vực môi trường của TP, ông có thể cho biết thực trạng chất lượng không khí của Hà Nội hiện nay?
– Nhìn chung, từ cơ sở dữ liệu quan trắc và kết quả tính toán cho thấy, trong giai đoạn 5 tháng đầu năm 2019, chất lượng không khí (CLKK) tại các khu vực quan trắc trên địa bàn TP Hà Nội duy trì ở mức “Trung bình” là chủ yếu. Số ngày chỉ số CLKK (AQI) đạt mức “Tốt” chủ yếu tập trung vào những ngày có điều kiện khí tượng thuận lợi (nắng, có gió và mưa, nền nhiệt ngày và đêm không chênh lệch nhiều…) và vào các tuần nghỉ lễ, Tết (khi số lượng phương tiện tham gia giao thông giảm). Số ngày AQI chạm mức “Kém” và “Xấu” chủ yếu tập trung vào các tuần cuối năm và những ngày có điều kiện khí tượng bất lợi (xuất hiện sương mù, nền nhiệt ngày và đêm chênh lệch lớn, không có mưa…). Vào các thời điểm tăng cao trong tháng 4 và tháng 5, chỉ số các chỉ tiêu quan trắc vẫn thấp hơn so với các thời điểm tăng cao trong tháng 1 và tháng 3.
Đáng chú ý, tại hai trạm cố định Trung Yên 3 (trạm nền đô thị) và Minh Khai (trạm giao thông) trong 5 tháng đầu năm 2019, số ngày AQI ở mức “Tốt” có tỷ lệ khá thấp tương ứng chiếm 6% và 7,3%; mức “Kém” là 29,8% và 43%, mức “Xấu” 0,7% và 1,3%.
Những thách thức của Hà Nội trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí hiện nay là gì, thưa ông?
– Khó khăn thì nhiều, song thách thức chủ yếu là do tốc độ đô thị hóa nhanh, xây dựng hạ tầng thiếu đồng bộ, quản lý trật tự xây dựng chưa chặt chẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường cục bộ ở nhiều nơi, đặc biệt là ô nhiễm bụi. Cùng đó, lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông quá lớn so với sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, một số phương tiện giao thông quá cũ, hết niên hạn sử dụng. Chủ đầu tư các công trình xây dựng chưa tuân thủ theo các quy định về bảo vệ môi trường. Xe chở nguyên vật liệu, phế thải không che chắn kín, không có cầu rửa xe hoặc có nhưng không đạt yêu cầu. Một số tuyến đường giao thông bị xuống cấp. Trong khi đó, kiểm soát ô nhiễm chưa đáp ứng được yêu cầu; Thiếu lực lượng thanh tra, xử lý vi phạm. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, chồng chéo và nhiều bất cập…
Mặt khác, công tác triển khai các dự án đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ môi trường còn chậm so với tiến độ đề ra. Việc xã hội hóa và huy động các nguồn lực cho đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn gặp khó khăn; Nguồn vốn cho công tác bảo vệ môi trường, chưa thu hút và khuyến khích được nhiều thành phần kinh tế tham gia. Vốn viện trợ ODA từ nước ngoài chiếm tỉ lệ thấp. Trong khí đó, để phản ánh chất lượng không khí của Thủ đô thì 10 trạm quan trắc không khí tự động đã đầu tư là chưa đủ. Công tác đầu tư để hoàn thiện mạng lưới quan trắc không khí tự động của TP và công tác duy trì vận hành các trạm sau đầu tư đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, đội ngũ cán bộ vận hành phải có trình độ, chuyên môn sâu và phải được đào tạo từ các hãng cung cấp.
Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của DN và cộng đồng dân cư chưa cao. Thậm chí, ngay cả khi AQI được cảnh báo ở mức “Kém”, ảnh hưởng tới sức khỏe song đáng buồn là số đông người dân vẫn rất bàng quan với cảnh báo này, vẫn thờ ơ với việc bảo vệ môi trường.
Chủ đề trong Ngày Môi trường thế giới năm nay là “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta”. Vậy, Hà Nội có hoạt động gì để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới?
– Hà Nội đã hoàn thành chương trình trồng 1 triệu cây xanh trong năm 2018 và tiếp tục trồng bổ sung thêm 600.000 cây xanh trong năm 2019 – 2020; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông, tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc, tổ chức, lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ; triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng xăng E5, tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông, thay thế than tổ ong, cấm và hạn chế đốt rơm rạ.
Cùng với đó, các công trình xây dựng cũng bắt buộc phải được che chắn, giảm thiểu các ảnh hưởng tới môi trường không khí xung quanh; xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng phải được đóng kín thùng, rửa trước khi vào TP và trước khi ra khỏi công trường…; xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước các hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C; đẩy mạnh công tác đầu tư các bãi phế thải xây dựng, áp dụng công nghệ nghiền, tái chế hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại, tiên tiến và tăng cường công tác thu gom rác thải sinh hoạt.
Ngoài ra, TP Hà Nội cũng đã triển khai các đề án nhằm cải thiện chất lượng không khí như: Đề án chống ồn, chống bụi; Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030; Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại; Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại và một số dự án hợp tác quốc tế về cải thiện chất lượng không khí TP Hà Nội.
Đặc biệt, ngày 1/6 vừa qua, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, TP Hà Nội phối hợp với một số đơn vị tổ chức Ngày hội “Không khí Sạch, Hà Nội Xanh” tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm với nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Qua đó, giúp người dân hiểu rõ và có thêm thông tin về ô nhiễm không khí, không khí sạch… để có hành động tự bảo vệ chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
Trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu ô nhiễm không khí. Đặc biệt sẽ hoàn thiện mạng lưới quan trắc trên toàn TP Hà Nội để thông tin về AQI sát sao hơn với từng địa bàn, giúp người dân có thể tiếp cận, nắm bắt diễn biến chất lượng môi trường không khí theo khu vực mình sinh sống.
Xin trân trọng cảm ơn ông!