Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng toàn cầu. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc lựa chọn “Ô nhiễm không khí” là chủ đề của năm 2019 nhân ngày Môi trường thế giới 5/6.
Người dân ở nhiều quốc gia, nhiều vùng trên thế giới đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm không khí. Nhiều khu vực, quốc gia cũng đang nỗ lực nhằm đối phó với thách thức này.
Ở Việt Nam, để hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Ngày Môi trường thế giới 5/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985A/QĐ-TTg.
Vấn đề khẩn cấp về sức khỏe
Theo Báo cáo Chất lượng không khí toàn cầu 2018 do AirVisual hợp tác với Greenpeace Đông Nam Á phát hành, ô nhiễm không khí vẫn ở mức nguy hiểm tại nhiều nơi trên thế giới. Trong đó, ô nhiễm khói bụi là một trong những dạng ô nhiễm phổ biến và nghiêm trọng. Đây được xem là nguyên nhân lớn nhất gây bệnh tật và tử vong sớm trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh ô nhiễm khói bụi ở các đô thị trở nên đáng báo động.
Cơ sở dữ liệu chất lượng không khí mới cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bao gồm 4.300 thành phố của 108 quốc gia trên toàn thế giới chỉ ra rằng, hơn 90% số người trên toàn cầu phải hứng chịu không khí độc hại ngoài trời, tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép. Phân tích mới chỉ ra rằng hơn 7 triệu người chết sớm mỗi năm, gấp đôi ước tính trước đó và 5,6 triệu người chết do viêm phổi, làm cho ô nhiễm không khí trở thành “thủ phạm” giết người lớn hơn cả hút thuốc lá.
Ô nhiễm không khí là tác nhân nguy hiểm của những bệnh không lây nhiễm, ước tính gây ra 1/4 số ca chết vì bệnh tim, 1/4 số ca đột quỵ, 43% ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 29% các ca ung thư phổi. Tiếp xúc với ô nhiễm bụi mịn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và các bệnh về đường hô hấp, bao gồm các triệu chứng hen suyễn. Trung bình, tuổi thọ toàn cầu giảm 1,8 năm do ô nhiễm không khí.
Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) cho thấy, bụi siêu mịn là nguyên nhân gây ra bệnh teo cơ xơ cứng, gây ra các triệu chứng tê liệt, tức ngực và khó thở. Lượng bụi siêu mịn cao trong không khí cũng được coi là tác nhân gây ung thư cấp độ 1… Nhưng tác động của các chất gây ô nhiễm khác nhau đối với nhiều căn bệnh vẫn đang được tìm kiếm.
Một số nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa của Anh cho thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí với tình trạng gia tăng các chứng bệnh suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi. Thế giới có khoảng 7% người trên 65 tuổi mắc bệnh alzheimer hoặc các dạng suy giảm trí nhớ khác. Ở nhóm người trên 85 tuổi, con số này tăng lên 40%. Số người mắc các chứng bệnh về trí nhớ dự báo sẽ tăng gần gấp 3 lần vào năm 2050. Bởi vậy, ngăn chặn sớm các chứng suy giảm trí nhớ do đó sẽ trở thành một mối quan tâm lớn về sức khỏe cộng đồng toàn cầu trong những thập niên tới, là thách thức cho các hệ thống chăm sóc y tế các nước.
Theo Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế Việt Nam, trung bình mỗi người cần 10.000 lít không khí để thở mỗi ngày. Do đó, khi chất lượng không khí không đảm bảo có thể gây hàng loạt bệnh tật về đường hô hấp, tim, ung thư… Trường hợp cấp tính nặng có thể dẫn đến ngạt do suy hô hấp, nhiễm độc máu, ảnh hưởng tim, phổi, thậm chí tử vong. Trường hợp mãn tính là viêm phổi, viêm phế quản và các bệnh phổi tắc nghẽn, hen suyễn, tim mạch, viêm và kích ứng da, căng thẳng thần kinh… Đột quỵ, mất trí nhớ và giảm trí thông minh là những chứng bệnh ảnh hưởng đến não bộ đang được cho là có liên quan tới không khí ô nhiễm. Bên cạnh đó, cũng đang có bằng chứng cho thấy không khí độc hại gây khó ngủ.
Theo Giám đốc điều hành của Tổ chức Greenpeace Đông Nam Á, Yeb Sano, chỉ riêng ô nhiễm không khí ngoài trời đã được coi là nguyên nhân đứng thứ tư gây ra những ca chết yểu trên toàn thế giới. Ngoài cuộc sống của con người bị mất đi, ước tính hàng năm thế giới còn thiệt hại 225 tỷ USD về sức lao động, và hàng nghìn tỷ USD cho chi phí y tế.
Yêu cầu cấp thiết
Đánh giá được nguy cơ do ô nhiễm không khí gây ra, các tổ chức quốc tế đã nhìn nhận và đưa ra yêu cầu cấp thiết về một thế giới không ô nhiễm không khí. Hội nghị toàn cầu lần thứ nhất về ô nhiễm không khí và sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới diễn ra vào đầu tháng 11/2018 cho thấy, các hành động giải quyết ô nhiễm môi trường không khí và giảm thiểu biến đổi khí hậu có thể thực hiện kết hợp nhằm mang lại lợi ích bền vững hơn. Yêu cầu cấp thiết về một thế giới không ô nhiễm không khí và đưa ra mục tiêu đầy tham vọng là giảm thiểu 2/3 số người chết do ô nhiễm không khí tới năm 2030. Giảm các chất gây ô nhiễm không khí sẽ dẫn đến giảm nồng độ các chất gây ô nhiễm khí hậu ngắn hạn như carbon đen, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Trước đó, cuối năm 2017, Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc ở Nairobi (Kenya) hướng tới một hành tinh không ô nhiễm không khí; ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm không khí để cải thiện chất lượng không khí toàn cầu. Liên minh khí hậu và không khí sạch phối hợp với một số cơ quan thực hiện báo cáo “Ô nhiễm không khí ở châu Á – Thái Bình Dương: Giải pháp khoa học” đã xác định 25 biện pháp không khí sạch có thể tác động tích cực đến sức khỏe con người, năng suất cây trồng, biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội, cũng như góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Việc thực hiện các biện pháp này có thể giúp 1 tỷ người hít thở không khí sạch hơn vào năm 2030 và giảm sự nóng lên toàn cầu xuống 1/3 độ C vào năm 2050.
Trong những nỗ lực giảm ô nhiễm không khí, một phương pháp tiếp cận mới là phương pháp lợi ích kép. Ông Kentaro Nakamura, Hiệp hội Quản lý môi trường công nghiệp Nhật Bản cho rằng, lợi ích kép được nhìn nhận với lý do sự cần thiết phải thực hiện hành động khẩn cấp để chống biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc tế, sự gia tăng thiệt hại môi trường do đô thị hóa nhanh chóng ở các nước đang phát triển.
Lợi ích kép nhờ các hoạt động đồng thời góp phần kiểm soát ô nhiễm môi trường và giảm thiểu khí nhà kính. Khái niệm lợi ích kép nổi lên với cách tiếp cận tích hợp đối với không chỉ các vấn đề môi trường, mà cả các vấn đề khác như sức khỏe con người. Ví dụ lợi ích kép vừa giảm ô nhiễm không khí vừa giảm ô nhiễm nước. Các chất gây ô nhiễm không khí có hại và khí nhà kính giảm do cải thiện nồi hơi chỉ nhiệt, đồng thời chất lượng nước thải được cải thiện và khí mêtan giảm từ một nhà máy chế biến cá.
Tại Việt Nam, từ năm 2015-2017, dự án hợp tác về lợi ích kép của Bộ Môi trường Nhật Bản và Bộ Tài nguyên và Môi trường nhắm đến mục tiêu giảm phát thải chất gây ô nhiễm không khí và CO2 từ các nhà máy công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực về môi trường, hỗ trợ luật và chính sách thực thi chống ô nhiễm không khí, hướng dẫn cách tiếp cận lợi ích kép ở một số nhà máy kiểu mẫu.
Nhật Bản giúp xây dựng hướng dẫn quản lý khí thải trong các nhà máy công nghiệp, cung cấp kiến thức và tổ chức hội thảo chuyên gia nhằm hỗ trợ thực thi luật pháp và chính sách chống ô nhiễm không khí; cách tiếp cận lợi ích kép trong một số nhà máy kiểu mẫu như nhà máy nhiệt điện than với các phương pháp quản lý đốt và bảo trì thiết bị môi trường. Đối tượng đặc biệt là giám đốc điều hành và quản lý kỹ thuật trong các nhà máy công nghiệp – những người sẽ đào tạo nguồn nhân lực về môi trường trong các công ty, nhà máy.
Bài 2: Chương trình quản lý tổng hợp chất lượng không khí tốt hơn