Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát và lây lan ra 53/63 tỉnh, TP ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Những “thủ phủ” chăn nuôi lợn lớn nhất của cả nước như Đồng Nai, Hà Nội, Hà Nam… đều đã nằm trong vùng dịch bệnh.
Chỉ trong mấy ngày qua, đã có thêm 3 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện dịch tả lợn châu Phi là Cà Mau, Bạc Liêu và mới đây nhất là Tiền Giang. Như vậy, đến nay, toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có 10/13 tỉnh, TP có dịch tả lợn châu Phi. Đáng lo ngại là do đặc thù vùng sông nước, việc vận chuyển lợn và thịt lợn đi lại giữa các tỉnh rất khó kiểm soát nên nguy cơ lây lan dịch bệnh ở khu vực này là rất cao.
Theo thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT, cả nước đã có khoảng 2,2 triệu con lợn bị tiêu hủy. Hàng triệu người nông dân thuộc 3.508 xã, 337 huyện đang phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề do dịch bệnh gây ra. Điều đáng nói, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cảnh báo, khả năng dịch tả lợn châu Phi sẽ lây lan ra tất cả các tỉnh, TP và tấn công vào các cơ sở chăn nuôi lớn là rất cao, số lượng lợn bị tiêu hủy sẽ còn lớn hơn.
Đối với Hà Nội, theo số liệu mới nhất từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, tính đến nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn TP đã xảy ra tại 18.904 hộ chăn nuôi (chiếm 23,4 % tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) trên 2.027 thôn, tổ dân phố thuộc 430 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện. Số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy 308.400 con (chiếm 16,4 tổng đàn) với trọng lượng hơn 21 tấn. Trong đó, có 55 cơ sở, hộ chăn nuôi lớn có tổng đàn từ 200 con lợn trở lên phải tiêu hủy; hộ có số lợn tiêu hủy lớn nhất là 1.272 con thuộc huyện Thường Tín.
Trước diễn biến của dịch bệnh, UBND TP đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi với phương châm “phòng chống dịch như chống giặc”. Theo đó, chủ động, quyết liệt hơn nữa, không đợi đến khi có dịch mới triển khai phòng, chống. Đặc biệt, cần tránh bệnh thành tích, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định phòng chống dịch.
Thực tế thời gian qua, việc tiêu hủy lợn nhiễm bệnh tại một số địa phương còn chưa kịp thời, không đảm bảo yêu cầu, làm lây lan dịch, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch chưa đúng quy định, không chặt chẽ. Điều này khiến cho dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các cơ quan T.Ư, địa phương huy động mọi nguồn lực để triển khai chống dịch tả lợn châu Phi. Đối với lợn bệnh, cần phát hiện kịp thời, tiêu hủy theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tránh lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT hướng dẫn các tỉnh, TP tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm, thủy sản… để bù đắp thiếu hụt thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi gây ra.