Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây nên nhiều căn bệnh nguy hiểm với sức khỏe con người. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vấn đề ô nhiễm không khí đã đến mức báo động nhưng công tác dự báo chất lượng không khí tại các đô thị này vẫn chưa thực hiện được.
“Sát thủ” hàng đầu với sức khỏe con người
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay cứ 10 người thì 9 người phải hít thở bầu không khí có chứa các chất gây ô nhiễm ở mức cao. Ô nhiễm không khí ngoài trời được coi là nguyên nhân thứ tư gây ra những ca chết yểu trên toàn thế giới. Vì lý do đó, ô nhiễm không khí được cho là gánh nặng với nền kinh tế toàn cầu với tổng chi phí lên đến 225 tỷ USD/năm.
Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hầu hết các đô thị ở nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Trong đó, vấn đề ô nhiễm không khí do bụi vẫn là vấn đề nổi cộm nhất, tỷ lệ mẫu quan trắc TSP (tổng hàm lượng bụi lơ lửng) vượt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) luôn lớn hơn 80% số mẫu quan trắc trong năm. Tại một số đô thị lớn như Hà Nội, số ngày có mức độ ô nhiễm bụi PM10 và PM2,5 vượt quá giới hạn của quy chuẩn Việt Nam ở mức khá cao. Theo báo cáo “Chất lượng không khí toàn cầu 2018” do IQAir AirVisual hợp tác với Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) Đông Nam Á mới công bố, Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, sau Jakarta (Indonesia0 với chỉ số PM 2.5 trung bình 40,8 microgam/m3 (gấp 4 lần mức khuyến cáo của WHO).
TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, chỉ số vượt quy chuẩn về bụi ngày càng tăng dần, các ngày vượt quy chuẩn tăng dần trong năm, ô nhiễm không khí tại các đô thị có xu hướng tăng theo từng năm. Qua theo dõi nhiều năm và căn cứ vào kết quả trạm quan trắc thì chỉ số AQI bụi PM2.5 đang có số ngày vượt quy chuẩn tăng lên, chưa có dấu hiệu cải thiện.
Các chuyên gia cho rằng, việc dự báo chất lượng không khí sẽ giúp giảm đáng kể tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe con người. Nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc…đã thực hiện việc dự báo chất lượng không khí như dự báo thời tiết. Thế nhưng hiện nay Việt Nam mới chỉ cung cấp thông tin chất lượng không khí tức thời với mạng lưới quan trắc của Hà Nội gồm các trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Đại sứ quán Mỹ, Tổng cục Môi trường mà chưa dự báo được chất lượng không khí.
“Dữ liệu về chất lượng không khí sẽ có giá trị hơn nhiều nếu được thông tin sớm dưới dạng dự báo, giúp người dân có thể chủ động kế hoạch của mình, nhất là trong những ngày ô nhiễm không khí lên cao, giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe”, TS Hoàng Dương Tùng cho biết.
Chưa đủ nguồn lực
Nhiều quốc gia hiện nay dự báo chất lượng không khí trước 3-5 ngày dựa vào số liệu về không khí, về khí tượng (như nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió, địa hình, địa vật), dữ liệu về các nguồn phát thải… từ các trạm quan trắc không khí. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, mạng lưới quan trắc không khí tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng như các đô thị khác tại Việt Nam nói chung còn mỏng.
TS Hoàng Dương Tùng cho biết, trong số 10 trạm quan trắc mà thành phố Hà Nội lắp đặt, chỉ có 2 trạm fixed station có khả năng cung cấp các số liệu có độ chính xác cao, phục vụ công tác dự báo. Các trạm còn lại và cả 2 điểm đo chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ cũng là các trạm đo sensor với số liệu mang tính tham khảo, không có độ chính xác cao. Theo TS Hoàng Dương Tùng, Hà Nội cần ít nhất 10 trạm quan trắc fixed station mới có thể có đủ số liệu phục vụ công tác dự báo.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường miền bắc (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay mạng lưới quan trắc môi trường có mạng lưới quan trắc trung ương và các địa phương. Tuy nhiên để nói mạng lưới quan trắc hiện nay đã đủ hay chưa thì còn phải dựa vào tiêu chí để xác định bao nhiêu trạm là đủ.
“Ví dụ có các quốc gia xác định khoảng 300.000 dân thì cần 1 trạm, hoặc là có các quốc gia tiêu chí là cứ 50km2 thì có một trạm, nếu theo tiêu chí như vậy thì số lượng trạm của Việt Nam còn thiếu. Nếu đạt được các tiêu chí như vậy thì số liệu sẽ đầy đủ để có thể đánh giá chất lượng không khí, tuy nhiên, nếu so với các nước tiên tiến như thế thì chúng ta chưa đủ nguồn lực để đáp ứng”, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh cho biết.
“Nếu như được trang bị đầy đủ công cụ kỹ thuật cũng như nguồn lực tài chính thì dữ liệu sẽ dày dặn, chúng ta có thể đưa ra những cảnh báo ô nhiễm không khí tương tự như dự báo thời tiết hiện nay”, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh cho biết.
Còn theo TS Hoàng Dương Tùng, giải quyết ô nhiễm không khí cần nhiều giải pháp đồng bộ với sự tham gia của nhiều bên từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh việc cần sớm mở rộng hệ thống quan trắc, xây dựng dữ liệu chất lượng không khí đủ lớn để thực hiện dự báo chất lượng không khí, chúng ta cần thực hiện các biện pháp tổng thể, xác định nguồn gây ô nhiễm chính để từ đó đưa ra biện pháp ưu tiên kịp thời.
“Theo các báo cáo thì nguyên nhân gây ô nhiễm không khí 60% là từ phương tiện giao thông, 30% là do hoạt động xây dựng, công nghiệp… Do đó, cần phải đẩy mạnh giải pháp hạn chế các nguồn ô nhiễm này. Đây là trách nhiệm của cả cơ quan quản lý cũng như người dân”, ông Hoàng Dương Tùng cho biết.
Chất lượng không khí (AQI) được chia làm 5 mức: Chỉ số AQI từ 0-50 thuộc nhóm tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chỉ số AQI từ 51-100, chất lượng không khí trung bình, nhóm nhạy cảm gồm người mắc bệnh hô hấp, hen suyễn nên hạn chế thời gian bên ngoài. Chỉ số AQI từ 101-200, chất lượng không khí kém, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian bên ngoài. AQI từ 201-300, chất lượng không khí xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài. Với AQI trên 300, chất lượng không khí nguy hại, mọi người nên ở nhà.