Biến đổi khí hậu vùng Tây Bắc đang gây tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đồng bào, không những ở hiện tại mà còn đe dọa đến môi trường sống của tương lai. Đã đến lúc mỗi thành viên trong cộng đồng chủ động vào cuộc tìm biện pháp làm giảm thiểu, ứng phó biến đổi khí hậu để bảo vệ những thành tựu, kết quả do mình làm ra… Hệ thống chính trị các địa phương hãy gỡ khó thay vì chỉ biết kêu khó.
1. Mỗi năm 1 mùa lũ, đồng bào Tây Bắc không đón chờ nhưng quy luật tự nhiên vẫn tiếp diễn, họ không trông đợi nhưng lũ vẫn tràn về. Họ chưa biết cách “sống chung với lũ” như người dân Duyên hải miền Trung. Ít nhiều họ cũng biết, canh chừng trời đất mỗi khi mưa rừng đổ về bất chợt. Song, để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng trong mùa mưa lũ không phải việc dễ làm.
“Chưa năm nào Điện Biên nắng hạn như năm nay, nắng thế này hễ mưa là dữ dội lắm. Sấm chớp rất nhiều mà mưa rất lớn. Năm 1999, khí hậu năm đó cũng như năm nay, Điện Biên nắng hạn suốt 6 tháng, năm đó, mùa mưa đến muộn nhưng trận mưa nào cũng kinh hoàng, khốc liệt. Cả xã Hua Thanh lúc đó còn là Thanh Nưa (chưa tách làm 2 xã) bản Tâu, bản Co Pục… thiệt hại vô cùng nặng nề. Lũ ống trên đỉnh đồi tràn về như đàn voi khổng lồ từ trong bụi chạy ra. Vừa nghe tiếng rầm rầm chưa kịp định hình, chiếc cột nước lao nhanh làm người dân không kịp chạy. Năm đó, người chết cũng nhiều mà tài sản của dân thiệt hại cũng nặng. Năm nay, người dân Điện Biên không có kế hoạch phòng chống lũ bão, chưa biết chừng tại họa sẽ rất là ghê gớm…” – ông Quàng Văn Dọn, Chủ tịch UBND xã Hua Thanh, huyện Điện Biên nhận định bằng góc nhìn kinh nghiệm.
Được biết, xã Hua Thanh có bản Co Pục gồm 21 hộ dân, 100% đồng bào Khơ Mú hiện đang sống trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống. Trước đó, năm 2000, Bộ NN&PTNT đã cắm biển cảnh báo nới có nguy cơ xảy ra lũ ống.
– Tại sao chính quyền không hỗ trợ 21 hộ dân này ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống?
Ông Dọn nhìn tôi cười như mếu: “Không có tiền chị ơi. Xã lấy đâu ra tiền, kêu lên huyện, huyện cũng kêu không có tiền chờ xin kinh phí chủ trương từ tỉnh. 21 hộ dân này đâu phải năm nay xã Hua Thanh mới có kiến nghị. Từ rất lâu rồi, năm nào, chúng tôi cũng đề nghị, mùa mưa đến cả bản này cũng như chính quyền xã, bản ngủ không yên giấc. Chỉ sợ đang ngủ ngon mà mưa lũ bất chợt tràn về cuốn phăng đi tất cả, tội cho dân. Lo lắng lắm cũng không có cách nào.”
Được biết, năm 2013, UBND huyện Điện Biên đã chuyển Tờ trình số 1260/Ttr-UBND, ngày 30/5/2013; năm 2016 Tờ trình số 2416/Ttr-UBND, ngày 1/12/2016 về việc bố trí vốn cho Dự án bố trí dân cư vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét thuộc bản Co Pục, xã Hua Thanh. Từ đó đến nay, tỉnh Điện Biên vẫn chưa bố trí được nguồn vốn để huyện Điện Biên thực hiện dự án này. Hiện, 21 hộ dân bản Co Pục có 4 hộ đã chuyển đi, số còn lại sống phập phồng lo sợ mỗi khi mưa về.
Không riêng gì bản Co Pục, xã Hua Thanh của huyện Điện Biên mà còn rất nhiều bản làng khác nằm trong Khu vực Tây Bắc đều có nguy cơ sạt lở đất đá và lũ ống, lũ quét tràn về bất cứ khi nào. Đặc biệt đối với một số huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Tuần Giáo (Điện Biên), Mường Tè, Sìn Hồ, Than Uyên (Lai Châu), (Sốp Khộp, Sông Mã, Quỳnh Nhai… (Sơn La) có độ dốc cao, sông suối ngắn, đất tơi xốp, mưa nhiều liên kết đất yếu, nguy cơ sạt lở đất đá cao và sản sinh lũ ống.
Trận lũ tháng 6/2018 bản Là Khuổi, xã Căn Co, huyện Sin Hồ (tỉnh Lai Châu) không bị xóa sổ hoàn toàn như bản Sán Tùng, xã Tà Ngảo nhưng cũng bị thiệt mạng 2 người và 5 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi. Bản có 60 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất đá.
2 – Những năm trở lại đây, khí hậu Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La thay đổi rõ rệt, trung bình số ngày nắng, giờ nắng trong năm nhiều hơn và ngày mưa ít đi nhưng lượng mưa lại tăng. Cũng do lượng mưa thay đổi theo năm, theo mùa nên chế độ dòng chảy thay đổi, lưu lượng nước trong năm cũng thay đổi làm tăng khả năng và cường độ lũ ống, lũ quét.
Cũng chính vì địa hình bị chia cắt sâu sắc, cùng với sự chắn gió mùa Đông Bắc của dãy Hoàng Liên Sơn nên khí hậu Tây Bắc có nhiều sự khác biệt rõ rệt so với các nơi khác thuộc Khu vực Bắc Bộ, sự tương phản sâu sắc giữa mùa mưa và mùa khô.
Trước đây, Tây Bắc rừng còn nhiều nên mùa mưa và mùa khô đồng bào không bị chịu nhiều tác động diễn biến cực đoan của thời tiết như hiện nay. Rừng có vai trò cân bằng hệ sinh thái làm thời tiết ít khắc nghiệt. Cũng chính vì tỷ lệ che phủ rừng của cả Khu vực Tây Bắc còn hơn 40% nên hệ sinh thái bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều cây rừng thân lớn mất đi, mưa lớn kéo dài dẫn đến đất liên kết yếu, đất bị bào mòn rửa trôi, sông suối ngắn, địa hình dốc mới sản sinh lũ ống.
Hiện nay, mùa khô người ở một số tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La phải đối mặt với hạn hán, thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Kết thúc 6 tháng mùa khô, đồng bào Tây Bắc lại hoang mang khi bản tin thời tiết chuyển mùa giông bão.
“Năm nào cũng vậy, đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 hầu như tỉnh nào cũng phải xây dựng kế hoạch phòng, chống lụt bão. Đây là một nhiệm vụ thường niên bất khả kháng. Nhưng đó là biện pháp trước mắt và hiện tại. Trong tương lai, chắc chắn các tỉnh phải có kế hoạch trồng bổ sung rừng để cân bằng hệ sinh thái, chống xói mòn đất. Đặc biệt, nguồn tài nguyên nước đang dần bị mất đi. Năm nay, nghe báo đài đưa tin dân Điện Biên “gặp mùa” nắng hạn. Một số khu vực vùng lòng chảo như Pom Lót, Thanh An… (huyện Điện Biên) người dân phải đi lấy ô tô đi xin nước về dùng. Nếu cứ để tình trạng này thì căng…” – ông Vũ Xuân Tính, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và và Phòng chống lụt bão, tỉnh Lai Châu, nhận định.
Ông Vũ Xuân Tính nhẩm tính con số thiệt hại do mưa lũ năm 2018 ở Lai Châu, gồm 25 người chết, 14 người mất tích, 24 người bị thương, 134 nhà sập hoàn toàn; 523 nhà bị hư hỏng; 1.187 nhà nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai cao, vùi lấp hoàn toàn 1.023 con gia súc, 11.000 con gia cầm và rất nhiều công trình thủy lợi giao thông, tài sản khác của người dân cũng trôi theo cơn thịnh nộ của “thủy thần”.
3 – Trước những hệ lụy diễn biến cực đoan của thời tiết tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến đời sống người dân. Ngoài việc ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng, cần có một ý trí, quyết tâm của cả hệ thống chính trị các địa phương. Để ứng phó hiệu quả tác động của biến đổi khí hậu. Các địa phương cần làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt, rừng đầu nguồn, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, trạng thái rừng; rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Ngoài ra, mỗi tỉnh cần lập “ngân hàng” giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu thổ những từng địa phương, nhất là những loài quý hiếm và cây bản địa. Tuyên truyền hướng dẫn người dân bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên nước một cách hợp lý hiệu quả, các biện pháp trữ nước, điều hòa nước cho mùa khô, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong điều kiện nhiệt độ tăng theo năm. Đặc biệt, vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, tiết kiệm nước tưới tránh xói mòn và bảo vệ tài nguyên đất.
Công tác quy hoạch quản lý xây dựng giao thông, thủy lợi, trường, trạm, khu dân cư ở các khu vực ven sông suối đều phải tính đến xu thế biến đổi khí hậu của địa phương để tránh rủi do, lãnh phí. Đồng thời, xây dựng hệ thống cảnh báo lũ, lũ ống, lũ quét ở những vùng có nguy cơ cao.
Ứng phó biến đổi là trách nhiệm của cả cộng đồng, mỗi thành viên tìm ra cách, biện pháp giảm thiểu phòng tránh ứng phó biến đổi khí hậu là bảo vệ những thành tựu, kết quả do mình làm ra góp phần ổn định kinh tế xã hội phát triển bền vững. Việc ứng phó biến đổi khí hậu là không của riêng ai.