Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tại buổi tiếp và làm việc với Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam – ông Bruno Angelet chiều 31/5 tại Hà Nội.
Tham dự buổi tiếp và làm việc, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Thứ trưởng Lê Công Thành cùng lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị: Vụ Hợp tác quốc tế; Cục Biến đổi khí hậu; Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu. Phái đoàn Châu Âu có đại sứ các nước: Đức, Pháp, Italia …
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ sự vui mừng được tiếp và làm việc với ông Bruno Angelet và các đại sứ thuộc Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam. Thứ trưởng cảm ơn phái đoàn đã ủng hộ mạnh mẽ nhiều hoạt động trong công tác quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cũng tại buổi làm việc, ông Bruno Angelet bày tỏ mong muốn được lắng nghe, trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường về nhiều vấn đề như: Những kết quả đạt được trong việc thực thi NDC (Sáng kiến Đối tác Đóng góp quốc gia tự quyết định – một sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác hiệu quả trong việc thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu); Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính; Vấn đề phát triển cơ cấu năng lượng sạch ở Việt Nam; Đánh giá những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra ở Việt Nam; Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng Ô-zôn ….
Thông báo về những kết quả đạt được trong việc thực thi NDC, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết: Việt Nam đã ban hành nhiều kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam cũng như đang rất tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam trong thực thi NDC. Cụ thể, các bộ ngành địa phương đang xây dựng kế hoạch thực hiện để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính xuống 8%. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã trình Chính phủ ban hành lộ trình giảm phát thải khí nhà kính ở 4 lĩnh vực chính là: năng lượng; nông nghiệp; chất thải; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF). Hiện nay Bộ cũng đang xây dựng mô hình mới để trình Chính phủ ban hành nhằm tăng cường tính hiệu quả trong giảm phát thải khí nhà kính hơn nữa. Thời gian dự kiến là năm 2020. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc nghiêm túc thực thi NDC.
Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp các bộ, ngành và các bên liên quan rà soát, cập nhật NDC phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của quốc gia; xây dựng kế hoạch thích ứng quốc gia về biến đổi khí hậu và các chương trình, dự án liên quan cho phù hợp với tình hình mới. Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ rà soát, tinh gọn lại các đơn vị có trách nhiệm, liên quan tới kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả làm việc. Bởi lẽ hiện nay ở Việt Nam, vấn đề biến đổi khí hậu do 5 – 6 tổ chức liên ngành cùng phụ trách nên có thể dẫn tới chồng lấn và không đạt hiệu quả như mong muốn.
Đối với vấn đề phát triển cơ cấu năng lượng sạch ở Việt Nam, Ông Bruno Angelet cho rằng, trong Quy hoạch điện VIII đến năm 2030, 50% sản lượng điện của Việt Nam vẫn đến từ điện than và con số này có thể ảnh hưởng tới tiến trình thực thi NDC của nước ta.
Trả lời những thắc mắc trên, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết: Việt Nam cam kết giảm mạnh các hoạt động gây ô nhiễm từ điện than. Trước mắt, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham khảo, học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật từ các nước tiên tiến trên thế giới nhằm xây dựng bộ quy chuẩn để đảm bảo hoạt động của các nhà máy nhiệt điện đáp ứng được những yêu cầu về khí thải ra môi trường. Bộ cũng sẽ sớm xây dựng những tiêu chí đánh giá tác động của điện than đối với môi trường và ảnh hưởng của nó tới xã hội. Thứ trưởng Lê Công Thành vui mừng thông báo cho ông Bruno Angelet những thành tựu mà nước ta đạt được trong phát triển điện mặt trời, điện gió… và tin tưởng đó sẽ là cú hích để Chính phủ rà soát, cơ cấu lại cán cân năng lượng trong kế hoạch phát triển điện quốc gia trong thời gian tới.
Bên cạnh việc tập trung thảo luận những vấn đề chính nêu trên, Thứ trưởng Lê Công Thành và các đại sứ thuộc Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã thảo luận nhiều vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.