Đồng quản lý nguồn lợi thủy sản là một trong những nội dung quan trọng của Luật Thủy sản 2017 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho nhà nước chia sẻ, giao quyền quản lý cho cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời khuyến khích cộng đồng tham gia cùng chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ nguồn lợi đặc biệt này.
Tại một số địa phương, quy định đồng quản lý được thúc đẩy và thực hiện khá tốt, tuy nhiên, tại một số khác, vấn đề này lại chưa nhận được sự quan tâm của các cấp, ban, ngành, do đó, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của các tổ chức cộng đồng, cụ thể là các chi hội nghề cá và các nhóm nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ.
Nhằm thúc đẩy thảo luận về vấn đề này, ngày 31/5/2019, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội – Huế (CSRD) phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Đắk Lắk tổ chức Diễn đàn cấp tỉnh bàn về vai trò của cộng đồng trong mô hình đồng quản lý với sự tham dự của nhiều đại diện đến từ các chi hội nghề cá thuộc các huyện Krông Ana, Buôn Đôn, EaSup, Lắk cùng một số đại diện từ Chi cục Thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện và ủy ban nhân dân các xã.
Bà Phạm Thị Diệu My, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội – Huế (CSRD) cho hay Diễn đàn là hoạt động nằm trong Dự án Quản trị tài nguyên thiên nhiên do CSRD phối hợp triển khai từ năm 2017 tại Đắk Lắk nhằm giúp thành lập mới và/hoặc phục hồi các chi hội nghề cá thuộc 4 huyện Krông Ana, Buôn Đôn, EaSup, Lắk, đồng thời nâng cao năng lực cho các chi hội về cách thức điều hành, quản lý tài chính, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái cũng như kết nối, thúc đẩy cơ chế phối hợp với chính quyền địa phương. Hiện CSRD đã xây dựng, phục hồi được 7 nhóm/chi hội tại bốn huyện, đồng thời xúc tiến phân vùng quản lý mặt nước tại hồ Lắk và hỗ trợ Chi cục Thủy sản Đắk Lắk hoàn thiện trang thông tin điện tử với các thông tin hữu ích về mạng lưới cộng đồng và chi hội nghề cá trên toàn địa bàn.
Tại Diễn đàn, đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Đắk Lắk cũng trình bày về quy định đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Điều 10 Luật Thủy sản 2017 và hướng dẫn các chi hội nghề cá xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng.
Ngoài ra, các đại biểu cũng được lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm về quá trình trao quyền và cập nhật việc thực hiện Luật Thủy sản 2017 tại Thừa Thiên Huế cùng kinh nghiệm về mô hình đồng quản lý tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, đại diện Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế nhấn mạnh “cần phải dựa vào dân để quản lý nghề cá và trọng tâm của quản lý nghề cá phải nhằm vào con người chứ không phải “cá” bởi nguyên nhân gây suy giảm nguồn lợi thủy sản và xuống cấp môi trường thủy sinh là do con người”. Sở dĩ Huế đạt được một số kết quả nhất định trong công tác quản lý nghề cá là do lấy tư tưởng dựa vào dân làm chủ đạo, thúc đẩy giao quyền quản lý các khu bảo tồn thủy sản quy mô nhỏ dựa vào cộng đồng, tăng cường phối hợp với ngư dân tuần tra, kiểm tra các hoạt động khai thác, từng bước chuyển giao nhiệm vụ bảo vệ cho lực lượng Chi hội nghề cá tại chỗ, lực lượng kiểm ngư chỉ hỗ trợ khi cần.
Phát biểu tại Diễn đàn, một số chi hội nghề cá cũng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương, trong đó các đại biểu đều đề nghị các cấp, ban, ngành cần quan tâm, thúc đẩy việc ban hành các quyết định thành lập chi hội nhằm đảm bảo tư cách pháp nhân cho chi hội, đồng thời tích cực phối hợp với chi hội trong việc tuần tra, kiểm soát các hoạt động đánh bắt trái phép mang tính hủy diệt theo đúng tinh thần và phương châm đồng quản lý.
Dự án Quản trị tài nguyên thiên nhiên do Tổ chức Oxfam tài trợ từ năm 2016 – 2019 và được thực hiện bởi ba đơn vị gồm Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) và Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet). |