Việc quản lý sinh vật ngoại lai (SVNL) xâm hại, có vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH), bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước. Việc phòng trừ, quản lý SVNL xâm hại cần được tiến hành thường xuyên, liên tục thông qua công tác kiểm dịch thực vật và tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này.
Thời gian gần đây, trên thị trường nước ta đang rao bán tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii), hay còn gọi là tôm hùm đất dưới dạng thực phẩm. Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), tôm hùm nước ngọt, không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và đây là loại ngoại lai xâm hại. Các chuyên gia trong lĩnh vực đa dạng sinh học cho biết: tôm hùm nước ngọt rất dễ thích nghi, có sức chịu đựng và có thể sống trong một loạt các môi trường thủy sinh. Tôm hùm nước ngọt có nguồn gốc từ Mexico và Mỹ nhưng đã được ghi nhận khắp thế giới do kết quả của việc du nhập làm thực phẩm. Các quần thể xâm lấn của loài đã được báo cáo xuất hiện ở các châu: Âu, Á, Phi; Bắc Mỹ và Nam Mỹ…
Theo Liên minh quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN), tôm hùm nước ngọt là một loài xâm hại, có thể nhanh chóng thiết lập quần thể và cuối cùng trở thành loài chủ chốt của hệ sinh thái. Việc du nhập tôm hùm nước ngọt có thể gây ra những thay đổi đáng kể trong quần xã thực vật và động vật bản địa như: nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tôm bản địa thông qua cạnh tranh và truyền bệnh trên tôm; giảm sự đa dạng của các loài thực vật thủy sinh bậc cao; thay đổi chất lượng nước và đặc điểm trầm tích, tích lũy kim loại nặng, tương tác với các loài xâm lấn khác. Gây thiệt hại cho hệ thống tưới, tiêu nông nghiệp, tác động đến ngành công nghiệp đánh bắt cá, và giảm các quần thể động vật không xương sống, động vật thân mềm và động vật lưỡng cư thông qua mối quan hệ ăn thịt và cạnh tranh… Ðáng chú ý, hiện nay, tôm hùm nước ngọt được xếp vào danh sách các loài có nguy cơ xâm hại tại Thông tư số 35/2018/TT- BTNMT, ngày 28-12-2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT).
TS Phạm Anh Cường, Cục trưởng Bảo tồn ÐDSH (Bộ TN và MT) cho biết: Số lượng SVNL du nhập vào Việt Nam được ghi nhận tương đối lớn, với khoảng 94 loài, thuộc 31 họ khác nhau. Ðiển hình như: Bọ cánh cứng hại lá dừa, ốc bươu vàng, ốc sên châu Phi, rùa tai đỏ, hải ly Nam Mỹ, cây mai dương, cỏ lông tây, cỏ tranh mỹ, bèo tây…
Thực hiện quy định của Luật ÐDSH, thời gian qua Bộ TN và MT đã tiến hành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành các văn bản chính sách, pháp lý trong lĩnh vực quản lý SVNL xâm hại như: Quyết định số 1896/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án ngăn ngừa và kiểm soát SVNL xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020; Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT của Bộ TN và MT và Bộ NN và PTNT quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại… Ngoài ra, Tổng cục Môi trường (Bộ TN và MT) cũng đã xây dựng tài liệu tập huấn, tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức cho các cán bộ quản lý địa phương, ban quản lý vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trong công tác quản lý các loài ngoại lai xâm hại. Tiến hành điều tra và xây dựng cơ sở dữ liệu về SVNL xâm hại tại một số khu bảo tồn, vườn quốc gia trên cả nước…
Tuy nhiên, Luật ÐDSH đã có những quy định về quản lý SVNL xâm hại, nhưng chưa được triển khai trong thực tế do chưa có sự thống nhất giữa hai Bộ TN và MT và Bộ NN và PTNT như: Quy định về khảo nghiệm loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Một số quy định về đánh giá rủi ro đối với các loài ngoại lai nhập khẩu, hệ thống phát hiện sớm và phản ứng nhanh các loài ngoại lai xâm hại nhằm hỗ trợ công tác ngăn ngừa và kiểm soát SVNL xâm hại cũng chưa được đề cập trong Luật ÐDSH. Do vậy, các hoạt động kiểm soát và diệt trừ một số loài ngoại lai xâm hại nghiêm trọng như cây mai dương, ốc bươu vàng, cây trinh nữ móc… mới được thực hiện rải rác chưa mang tính đồng bộ trên cả nước. Mặt khác, các chương trình ngăn ngừa và kiểm soát sự du nhập các loài ngoại lai xâm hại chưa được xây dựng và thực hiện tại các địa phương trên cả nước. Nguyên nhân chính của những vướng mắc, bất cập nêu trên là do hệ thống quy định pháp luật chưa được hoàn thiện, nguồn nhân lực và tài chính hỗ trợ công tác quản lý loài ngoại lai xâm hại từ T.Ư đến địa phương chưa được quan tâm chú trọng, các giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ công tác kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất chưa được chú trọng nghiên cứu, đầu tư một cách đúng mức…
Để ngăn ngừa và kiểm soát được sự lây lan, giảm đến mức thấp nhất tác hại của một số loài ngoại lai, các chuyên gia, các nhà khoa học đề nghị các Bộ TN và MT, NN và PTNT cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động điều tra, phát hiện thường xuyên và lập bản đồ phân bổ để kiểm soát, xử lý kịp thời các vùng mới bị xâm nhiễm. Việc điều tra cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để phát hiện những khu vực mới bị xâm nhiễm và lập kế hoạch kiểm soát phù hợp. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về khả năng phát tán, các con đường lây lan, tác động của SVNL đến đời sống, kinh tế, xã hội, môi trường và những việc người dân có thể làm hoặc tham gia được vào chiến lược ngăn chặn sự lây lan. Ðặc biệt, không nuôi trồng và sử dụng SVNL vào các mục đích có thể gây nguy cơ phát tán, như trồng cây làm cảnh, hàng rào, chống xói mòn, hay nuôi ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, chuột hải ly làm thực phẩm… như tại nhiều địa phương thời gian qua.