Cùng với việc xây dựng và ban hành chính sách pháp luật, thời gian gần đây Chính phủ Việt Nam và các tổ chức bảo tồn cũng nỗ lực tổ chức thực thi pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, ngăn chặn các hành vi săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã.
Tuy nhiên, theo Văn phòng Liên hiệp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNDOC), các hoạt động này vẫn diễn ra khá phổ biến. Chính vì vậy, Việt Nam cần rà soát, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý, chính sách nhằm loại bỏ những bất cập và sự thiếu nhất quán giữa các văn bản pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã.
Theo kết quả thống kê của Cục Kiểm lâm, từ năm 2010 đến hết tháng 10 năm 2014, lực lượng Kiểm lâm cả nước đã phát hiện và xử lý 140.716 vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó vi phạm về quản lý động vật hoang dã là 3.823 vụ, tịch thu 58.869 cá thể (trong đó 3.078 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm). Hoạt động khai thác và buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã còn mở rộng về quy mô và vươn tới nhiều khu vực cung cấp và tiêu thụ hơn. Song số vụ buôn bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã bị đưa ra xét xử vẫn ở mức thấp.
Số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao năm 2018 cho thấy, từ năm 2015 – 2017 (tính từ ngày 1/10/2015 đến hết tháng 9/2017), Tòa đã thụ lý 231 vụ với 339 bị cáo. Trong đó, xét xử 207 vụ/303 bị cáo, đạt tỷ lệ 89,6%; trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát Nhân dân 20 vụ/32 bị cáo, còn lại 4 vụ/4 bị cáo đang tiếp tục giải quyết. Số lượng các vụ án được xét xử của năm sau tăng hơn so với năm trước, như năm 2015 đã thụ lý 40 vụ/60 bị cáo, xét xử 36 vụ/56 bị cáo; năm 2016 đã thụ lý 92 vụ/130 bị cáo, xét xử 84 vụ/120 bị cáo (tăng so với năm 2015 là 48 vụ/64 bị cáo); năm 2017 đã thụ lý 99 vụ/149 bị cáo, xét xử 87 vụ/127 bị cáo (tăng so với năm 2016 là 3 vụ/7 bị cáo).
Trong giai đoạn trên, đã có 37 bị cáo bị phạt tù dưới 3 năm và 3 bị cáo bị phạt tù từ 3 – 7 năm. Điều này thể hiện nỗ lực đột phá của Việt Nam trong việc thực thi pháp luật và qua đó tăng cường sức răn đe, giáo dục đối với loại hình tội phạm động vật hoang dã.
Đại úy Trần Thị Kim Thanh, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho rằng: Hiện một số quy định phát luật còn bất cập, gây khó khăn trong quá trình xử lý các vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái pháp luật các loài động vật hoang dã… Hơn nữa, sự hợp tác quốc tế trong chia sẻ thông tin, điều tra, bắt giữ giữa các cơ quan thực thi pháp luật còn hạn chế (gồm quy trình lấy mẫu AND phục vụ công tác giám định, so sánh mẫu vật tìm ra nguồn gốc, xuất xứ…).
Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì dự thảo. Dự thảo được đánh giá đã có nhiều tiến bộ nhằm giúp đơn giản và đồng bộ hóa các quy định của pháp luật cùng quy định về động, thực vật hoang dã ở Việt Nam. Đặc biệt, Dự thảo Nghị định đã hướng tới việc đảm bảo thống nhất và đồng bộ không chỉ với pháp luật Việt Nam về bảo vệ và phát triển rừng, thủy sản và đa dạng sinh học, phù hợp với những quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) giúp quá trình áp dụng pháp luật được công khai, minh bạch và công bằng.
Theo Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam Nguyễn Văn Thái, Việt Nam cần hoàn thiện và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách trong bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã. Đồng thời cần xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế triển khai các hoạt động về giảm nhu cầu, tiêu thụ các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã thông qua việc cung cấp kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi và khuyến khích các tiêu chuẩn xã hội mới về không khoan nhượng đối với việc tiêu dùng các sản phẩm động, thực vật hoang dã trái phép.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tạo sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là đối với những người sống gần các khu vực có rừng để làm giảm áp lực từ việc săn, bắn, bắt, bẫy các loài động vật hoang dã – đây là giai đoạn khởi đầu của việc buôn bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã. Đồng thời hướng dẫn, khuyến khích cộng đồng sống ở các vùng đệm các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng phòng hộ tham gia bảo vệ và bảo tồn các loài động vật hoang dã, góp phần bảo tồn nguyên vị các loài hoang dã.