Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ, đến nay bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 15.528 hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố, ở 1.820 thôn, tổ dân phố thuộc 425 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và phải tiêu hủy 249.878 con lợn (chiếm 13,3% tổng đàn lợn).Một số địa phương phải tiêu hủy số lượng lợn mắc bệnh lớn như: Sóc Sơn (51.028 con, chiếm 41,7% tổng đàn); Đông Anh (27.806 con, chiếm 35% tổng đàn); Quốc Oai (20.183 con, chiếm 31,5% tổng đàn); Phú Xuyên (14.749 con, chiếm 21,7% tổng đàn)… Thời gian qua, dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, phạm vi rộng, ở các quy mô chăn nuôi lợn lớn hơn và phải tiêu hủy số lượng lớn.
Ngay sau khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, chính quyền các địa phương đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh kịp thời. Công tác tổ chức phòng, chống dịch bệnh đã được các cấp, ngành và địa phương tổ chức thực hiện quyết liệt, đúng quy trình.
Từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng đã triển khai 4 đợt tiêu độc, khử trùng đại trà trên địa bàn toàn thành phố, với tổng số hóa chất đã cấp, sử dụng là 187 tấn. Ngoài ra, ngân sách thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 148 tấn hóa chất, 4.500 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc tại ổ dịch và nơi có nguy cơ cao.
Tổng ước tính thiệt hại cho người chăn nuôi đến nay trên địa bàn thành phố là khoảng 470 tỷ đồng (ước theo giá thị trường 30.500 đồng/kg lợn hơi). Theo thống kê nhanh, hiện số hộ được chi trả hỗ trợ thiệt hại đạt khoảng 32,5%. Tổng kinh phí ước tính đã chi hỗ trợ và chi các hoạt động phòng, chống dịch khoảng 200 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ cho người chăn nuôi chiếm 70%). Việc chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn do giá cả biến động, số lượng hộ nhiều…
Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt hơn nữa, đồng bộ các giải pháp phòng, chống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ giờ đầu, khống chế không để dịch lây lan rộng; hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, xử lý bệnh Dịch tả lợn châu Phi và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn; duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Sở sẽ phối hợp với Sở Công Thương làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để bàn các giải pháp cụ thể về tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn; phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng lại với thịt lợn.