Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA) vừa công bố bản báo cáo mới nhất về chi phí cho năng lượng tái tạo trên thế giới. Theo đó, chi phí điện bình quân cho các công nghệ năng lượng tái tạo đã giảm xuống mức thấp kỷ lục từ năm ngoái. Đáng chú ý là năng lượng mặt trời tập trung giảm 26%, năng lượng sinh học giảm 14%, quang điện mặt trời và điện gió trên đất liền giảm 13%.
Chi phí cho các loại năng lượng khác như thủy điện cũng giảm 12%; địa nhiệt và điện gió ngoài khơi giảm lần lượt 1%. Theo cơ sở dữ liệu toàn cầu của IRENA, hơn 3/4 công suất điện gió trên đất liền và 4/5 công suất điện mặt trời dự kiến vận hành vào năm tới sẽ có giá thấp hơn so với các nhà máy điện chạy bằng than, dầu hoặc khí tự nhiên mới rẻ nhất hiện nay. Điều quan trọng là mức giá này của các nhà máy điện tái tạo không cần hỗ trợ tài chính.
Chi phí cho các công nghệ năng lượng mặt trời và năng lượng gió dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thập kỷ tới. Giá đấu giá thấp kỷ lục cho điện mặt trời ở Chile, Mexico, Peru, Ả Rập Xê -ut và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã đưa chi phí điện quy dẫn xuống chỉ còn 0,03 USD/kWh. Với xu hướng này, vai trò của năng lượng tái tạo sẽ ngày càng được củng cố, mở rộng và trở thành động lực của sự chuyển đổi năng lượng toàn cầu trong thời gian tới – báo cáo nhấn mạnh.
Điện khí hóa trên cơ sở cạnh tranh chi phí năng lượng tái tạo được coi như xương sống của việc chuyển đổi năng lượng để hỗ trợ các mục tiêu chống biến đổi khí hậu được nêu trong Thỏa thuận Paris. Theo ông Francesco La Camera – Tổng Giám đốc IRENA, các quốc gia cần tăng tốc phát triển điện tái tạo nếu muốn đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Báo cáo Chi phí cho năng lượng tái tạo trên thế giới đã gửi một tín hiệu rõ ràng cho cộng đồng quốc tế: Năng lượng tái tạo cung cấp một giải pháp khí hậu chi phí thấp cho phép các quốc gia thúc đẩy hành động cụ thể, tạo điều kiện thực hiện giải pháp thực tế và phối hợp để phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Báo cáo được công bố trước thềm cuộc họp trù bị toàn cầu ở Abu Dhabi cho Hội nghị thượng đỉnh về hành động chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc, nhằm đóng góp vào cuộc thảo luận quốc tế về tăng cường hành động chống biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.