Với việc xuất hiện nhiều thiên tai đặc biệt nguy hiểm có tần suất, quy mô và cường độ ngày càng khó lường, những nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đến các hiện tượng cực đoan và tìm kiếm khả năng dự báo chúng thực sự là một trong những bài toán hết sức cấp bách và cần được đẩy mạnh ở Tây Bắc.
Nếu giải quyết được bài toán này sẽ cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách xác định chiến lược phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, còn góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng tránh thiên tai, tạo tiền đề cho việc xây dựng các giải pháp giảm nhẹ và hạn chế những tác hại của chúng đến với khu vực còn gặp rất nhiều khó khăn này.
Tháng 5, Tây Bắc trời như đổ lửa, gió Lào ít thổi, trời tịnh không, cây lá im như thóc đổ trong bồ… Nhưng hễ mưa là kèm theo gió lốc.
Trăng thượng tuần tháng 5 quầng vàng quạch. Già làng tên Ún bản Co Líu, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên năm nay đã ngoài 70 tuổi. Ở bản của ông không có điện, nắng nóng ông cởi trần gầy còm, da đen cháy bấu vào những ống xương thấy rõ.Ông nhìn trời nói bằng cả kinh nghiệm cuộc đời: “Trăng quầng thế này thì còn nắng hạn, lâu mưa lắm. Ông cứ nhìn cây nhãn sai hoa là ông lại sợ. Nhãn sai hoa thể nào nước cũng lớn. Con thấy đấy, năm nay, hễ mưa trận nào là gió thổi ù ù trận đó, từ Tết đến giờ, mới có 2 trận mưa nhỏ, thế mà trời nổi cơn giông vần vũ, cụ sấm hằn học chạy ngược chạy xuôi nổ đùng đùng, chớp giật xanh lè như luồng điện…”
Rất nhiều tháng nay, đồng bào Tây Bắc chờ mưa, nhiều ruộng lúa chờ cơn mưa xuống để lúa làm đòng. Nhưng suốt từ Tết Nguyên đán đến nay, trời chỉ mưa nhỏ chưa kịp làm ướt đất, nên nhiều diện tích lúa cấy chà muộn của đồng bào một số huyện vùng cao Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình bị nghẹn đòng do thiếu nước. Nhiều diện tích nương ngô, nương sắn của đồng bào tra hạt nhưng không chịu nảy mầm.
Đất thiếu mưa, nắng dãi bạc màu, khô nỏ lăn lóc, lạo xạo dưới chân người. Những loài cây dã quỳ, chó đẻ có sức sống mãnh liệt cũng héo úa, vàng lụi. Bản làng chùng xuống với tiếng thờ dài nghe buồn lặng, buồn sâu như tiếng thở than vỡ ra từ một kiếp người, làm hao khuyết cả cái đẹp lênh láng của đêm trăng Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ và huyền thoại.
Xe chúng tôi xuôi về Hát Lót, đêm trở mình hoang mang vì bản tin thời tiết lại chuyển màu nóng nắng. Nhìn vườn xoài của chủ nhà, tôi dần dà hỏi chuyện, giọng chị khơi khơi: Hát Lót, Mai Sơn năm nay trắng vụ xoài. Nắng nóng xoài khô cuống rụng tiệt. Trong xóm có hộ ông Nguyễn Quang Mạnh, bản Nông Xôm, vườn xoài 5.000m2 gần cho thu hoạch cũng rụng như trút, mất hơn một nửa diện tích, bọc quả bằng túi ni lông nhưng xoài vẫn rụng trắng vườn.
Hôm sau, mặt trời con sào, vườn xoài nhà ông Mạnh quả rụng đầy gốc. Nhặt trái xoài rơi trước mặt, ông Mạnh nhăn nhó: Cô xem, xoài to đến cữ này rồi mà vẫn rụng. Còn mấy nữa đâu mà chín. Rụng cả lá lẫn quả, thế có xót xa không (!?)
Tôi đem câu chuyện của người dân Hát Lót kể cho Trưởng phòng NN&PTNT, huyện Mai Sơn, Cầm Văn Thắng trải lòng nghề nghiệp: “Toàn huyện Mai Sơn có khoảng 6.399ha cây ăn quả. Trong đó, diện tích cây xoài 1.800ha. Hiện tượng xoài rụng hàng loạt là do nắng nóng kéo dài, mọi năm tháng 4 có khoảng 2 – 3 trận mưa. Nhưng riêng năm nay, không có trận nào. Khoảng thời gian từ ngày 15 – 20/4 là cao điểm nhất của đợt nắng nóng, các hộ ra sức mua máy bơm về hút nước tưới cây cũng chẳng ăn thua, xoài vẫn rụng. Thương bà con mà đành chịu chết.”
Thế mới biết để có được bát cơm người nông dân trải qua nhiều cơ cực, thời tiết mà không thuận, chịu khó mấy cũng đành thua cuộc. Ai ngược Tây Bắc mùa này sẽ thấy ngay những ngọn “đồi chết”. Đất chết bởi đất trồng cây gì cũng khó lên, nên đất thành hoang hóa… Những ngọn Pu Huốt, Pu Bút, đèo Pa Đin của Điện Biên – Sơn La, đỉnh Ô Quy Hồ (Lai Châu), Fansipan (Lào Cai) mất đi sức vóc hoang sơ, kỳ vỹ bởi bàn tay con người đã can thiệp thô bạo đến môi trường tự nhiên… Nhiều rừng cây mất đi, đất bị đào bới do muôn vàn lý do viện dẫn của con người, hệ cân bằng sinh thái cũng mất, mưa nhiều đất liên kết yếu, sản sinh sạt trượt, lở đồi… thời tiết diễn biến cực đoan: lũ lụt, hạn hán liên tục xảy ra nơi này, nơi khác…
Anh Đào Đức Thụy, gần 20 năm gắn bó với ngành khí tượng thủy văn Điện Biên, nhận định: Xưa, khu vực Tây Bắc chỉ có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4, có năm muộn thì tháng 5 và kết thúc thường vào tháng 9 tháng 10, lượng mưa trung bình năm khoảng 1.600mm đến 2.000mm. Tuy vậy, có nhiều trận mưa có cường độ từ 200 – 400mm/ngày nên thường xảy ra lũ ống và lũ quét. Đặc biệt, khu vực huyện Mường Tè, huyện Sìn Hồ của Lai Châu thường mưa rất lớn và kèm theo giông lốc. Song năm nay, từ tháng 1 đến tháng 4, lượng mưa trung bình trong tháng chỉ đạt từ 10 – 20mm. Có tháng dưới 10mm. Tổng số giờ nắng trong năm của Tây Bắc dao động từ 1.800 giờ đến 2.000 giờ, hầu như không có tháng nào dưới 100 giờ nắng.
Trước đây, nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất ở Tây Bắc từ 25 – 27oC, nhưng vài năm trở lại đây, nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất có thời điểm lên đến 34oC. Chưa khi nào thời tiết giữa các vùng miền lại có nét tương đồng như hiện nay; miền núi cũng nóng như miền xuôi, nền nhà cũng đổ mồ hôi… Còn miền xuôi, mùa đông ngắn lại, khí hậu không khác gì phía Tây, Tây Bắc, nắng nhiều, mưa ít.
Diễn biến cực đoan của thời tiết khó lường, mưa nắng thất thường và cường độ rất lớn. Mùa mưa dần ngắn lại, ngày nắng nóng tăng lên. Nông nghiệp, lâm nghiệp là những ngành sản xuất chính ở Tây Bắc chịu tác động mạnh mẽ nhất của việc biến đổi khí hậu và những biến động về thời tiết, sự thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa làm thay đổi mùa vụ canh tác, cơ cấu cây trồng của địa phương.
Mưa lũ, hạn hán ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến nơi cư trú của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt là ở những vùng núi cao, trong các thung lũng, ven sông suối, những người lao động ngoài trời, hầm mỏ, những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là người già, trẻ em và phụ nữ, những người mắc các bệnh về tim mạch hô hấp. Cách đây chưa xa, ngày 27/6/2018, cả bản Sán Tùng, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu bị xóa sổ hoàn toàn do mưa lũ, sạt lở đất đá. Đó là những hệ lụy của việc tàn phá môi trường dẫn đến nguyên nhân diễn biến cực đoan của thời tiết.
Thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt, các hiện tượng nắng hạn, mưa nhiều, bão lũ, thiên tai… chính là “kịch bản” của việc biến đổi khí hậu đang gây tác động xấu đến đời sống của đồng bào Tây Bắc nói riêng và đến toàn Trái đất nói chung, không những ở hiện tại mà còn đe dọa đến môi trường sống của cả tương lai.
– Vậy nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu là gì?
Câu hỏi ấy được lặp lại nhiều lần trong chuyến đi của tôi về Tây Bắc, số ít đồng bào biết được. Họ chỉ hiểu rất đơn giản mà cũng rất thực tế. Trước, các con suối quanh bản có đủ nước tắm mát cho hàng nghìn, hàng trăm héc ta ruộng đồng, nương rãy, bao mùa bội thu cây trồng, vật nuôi đều có một phần năng lượng của suối. Đồng bào còn lắp đặt máy điện mini thắp sáng những đêm đông.
Nay, suối buồn thiu nằm trơ đáy với từng giọt nước rỉ ra, các tuốc bin nằm yên giã từ hoạt động. Suối trơ đáy, người dân hoang mang nhẩm tính sự thất bát bủa vây lấy những mùa trông ngô, sắn… Ăn không ngon, ngủ không yên, họ mua máy bơm về đào giếng sâu, mũi khoan xuống lòng đất nước có ít thôi, đủ để động viên người bỏ tiền ra mua máy. Hút được nửa giờ, nước cạn sạch, nước không đủ thỏa mãn để làm cho đồng bào trồng xoài (ở Sơn La), cấy lúa ở (Điện Biên) hết khát.
Biến đổi khí hậu đã làm cho đời sống đồng bào vùng cao Tây Bắc ngày càng trở nên khốn khó, mỗi nhát cuốc, luống cày đồng bào gửi cả ước mơ, tương lai của mình vào đất. Họ thầm ước mơ những mầm cây xanh lên từ đất, họ từng làm lễ cúng rừng, cúng bản cầu “Phạ” cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi.
Vậy mà mùa màng thất bát… Người nông dân sống nhờ vào đất. Và cả những người không phải là nông dân cũng sống nhờ vào đất. Vậy mà đất đã phụ công…
Đồng bào Tây Bắc đâu lưu tâm rằng: Thất bại hôm nay là do những nhát dao chặt phá rừng làm rẫy. Nguồn nước không còn là do các rừng cây bị phá… nhân quả trả – vay cũng hình thành nên từ đó. Nếu đồng bào biết chặt 1 cây trồng vào đó 5 cây, niềm vui của đời con cháu sẽ là thành quả của việc trồng 5 cây ấy. Những dòng suối sẽ quay về với bản, ruộng nương của đồng bào sẽ có nước về tắm mát. Trời sẽ bớt nóng và người sẽ không còn khát…
Đã đến lúc, cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc, bắt tay chỉ việc cho nhân dân quy hoạch 3 loại rừng để bảo vệ khoanh nuôi. Hãy làm gì đó để cải thiện môi trường sống, để việc ứng phó biến đổi khí hậu không phải là việc làm của mỗi ngành TN&MT như người ta từng nghĩ.