Trong 2 ngày 28 và 29/05 tại huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) dự án REDD+ đã tổ chức tập huấn Quy trình khai thác tác động thấp, sơ cứu y tế và quản lý chuỗi hành trình sản phẩm COC theo tiêu chuẩn FSC cho Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh và các đơn vị liên quan tại huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.
Quản lý rừng bền vững là một trong năm hoạt động REDD+ đã và đang được triển khai trên thế giới và tại Việt Nam. Để đạt được điều này, việc thực hiện và Cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững có ý nghĩa quan trọng. Hỗ trợ các chủ rừng trong thực hiện và được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC tiếp tục là một trong những hoạt động trọng tâm của dự án FCPF giai đoạn 2 trong năm 2019.
Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam – giai đoạn 2” (FCPF-2) đã tổ chức tập huấn Quy trình khai thác tác động thấp, sơ cứu y tế và quản lý chuỗi hành trình sản phẩm COC theo tiêu chuẩn FSC cho Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh và các đơn vị liên quan tại huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một trong những nội dung quan trọng thực hiện quản lý rừng bền vững FSC theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nội dung khóa tập huấn khai thác tác động thấp gồm: Thiết kế khai thác, kỹ thuật xác định hướng đổ của cây, kỹ thuật khai thác và kỹ thuật vận xuất giảm tác động, sơ cứu y tế, quản lý chuỗi hành trình sản phẩm COC…
Các học viên sẽ được cung cấp các thông tin về Quy trình khai thác tác động thấp để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại đối với các cây còn lại trong rừng, giảm thiệt hại đối với lớp đất mặt và các sông, suối gần khu vực khai thác, bảo vệ tối đa các chức năng môi trường của hệ sinh thái rừng, tối đa hóa sản lượng và giá trị gỗ khai thác được và đặc biệt đảm bảo an toàn cho người lao động.
Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh cho biết: “Các giảng viên, chuyên gia đến từ Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam – giai đoạn 2 đã tập huấn cho chúng tôi những nội dung rất thiết thực và bổ ích như: nguyên tắc khai thác, thời điểm khai thác, các bước cần chuẩn bị, thiết kế hướng đổ của cây, các hướng đổ nên tránh để việc khai thác gỗ có tác động thấp nhất đến môi trường rừng, môi trường đất và bảo vệ nguồn nước, đảm bảo sử dụng có hiệu quả rừng, đất rừng, đảm bảo tính liên tục – ổn định – lâu dài.
Chúng tôi sẽ triệt để tuân thủ Quy trình Khai thác tác động thấp trong thực hiện quản lý rừng bền vững. Chúng tôi tin tưởng rằng, thông qua khóa tập huấn này, cùng với những khóa tập huấn năm 2018, cán bộ, công nhân lâm nghiệp Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh chúng tôi sẽ có đủ năng lực để thực hiện thành công Quản lý rừng bền vững, tiến tới được Tổ chức quốc tế cấp Chứng chỉ rừng bền vững FSC trong thời gian sớm nhất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường”.
Thực hiện quản lý rừng bền vững và được cấp chứng chỉ FSC giúp đơn vị thực hiện đạt được đồng thời cả ba mục tiêu: kinh tế – xã hội – môi trường.
Trong đó, mục tiêu kinh tế là đem lại thu nhập cao hơn cho chủ rừng (do gỗ có chứng chỉ FSC có giá bán tốt hơn gỗ không có chứng chỉ FSC), tạo lợi thế cạnh tranh cho các công ty chế biến xuất nhập khẩu gỗ, đồng thời nâng cao vị thế ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
Về mặt xã hội là nâng cao nhận thức, năng lực thực hiện về thiết lập, quản lý và bảo vệ rừng bền vững, đồng thời tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và sự liên kết chuỗi, liên kết vùng tốt hơn.
Về mặt môi trường, chủ rừng triển khai các hoạt động có trách nhiệm với môi trường trong trồng rừng và khai thác gỗ, quan tâm nhiều hơn đến sự bảo tồn và đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh cảnh,…
Từ năm 2017 đến nay, dự án FCPF-2 đã triển khai nhiều khóa tập huấn và các hoạt động hỗ trợ các chủ rừng ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thực hiện Quản lý rừng bền vững.
Ngày 2/4/2019, Liên hiệp HTX Tây Kim – huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã được Công ty tư vấn GFA của cộng hòa Liên bang Đức cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho 203 hộ thành viên.
Các hoạt động nêu trên có vai trò giúp các tỉnh thực hiện tốt Đề án Giảm phát thải và Chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2025.
Đây là Chương trình REDD+ cấp vùng đầu tiên ở Việt Nam được triển khai tại 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Đây là khu vực có 10,3 triệu người sinh sống (chiếm 12% tổng dân số Việt Nam), với tổng diện tích đất tự nhiên 5,1 triệu ha (chiếm 16% tổng diện tích đất đai Việt Nam), độ che phủ rừng là 57% (2,9 triệu ha).
Đề án được thiết kế với nhiều hoạt động, trong khoảng thời gian tương đối dài và có sự tham gia của nhiều chủ thể, với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ khoảng 25 triệu tấn CO2 quy đổi, trong đó Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF)/Ngân hàng Thế giới đã cam kết chi trả cho các nỗ lực giảm phát thải sau khi thẩm định kết quả thực hiện là 10,3 triệu tấn CO2 quy đổi, tương đương với 51,5 triệu USD.