Botswana bị lên án vì dỡ bỏ lệnh cấm săn voi

Các nhà bảo tồn đã phản ứng đầy phẫn nộ và lo ngại về quyết định dỡ bỏ lệnh cấm săn voi của Botswana.

“Cả thế giới đang quay lưng với săn bắn – hành động ngày càng được coi là mông muội. Điều này rất, rất tổn hại đến hình ảnh của Botswana với tư cách là nước đi đầu toàn cầu về bảo tồn voi”, Tiến sĩ Paula Kahumbu, chuyên gia và nhà hoạt động ở Kenya cho biết.

Những người khác gọi quyết định này là “đáng thất vọng”.

Một đàn voi ở khu vực Kwedi thuộc bình nguyên Okavango, Botswana (Ảnh: Gernot Hensel/EPA)

Quốc gia phía nam châu Phi thì giải thích rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm là hợp lý trước sự gia tăng của quần thể voi và ảnh hưởng của sự gia tăng đó tới sinh kế người dân.

Từ năm 2014, cựu Tổng thống Ian Khama, một nhà môi trường nhiệt thành đã ban hành lệnh cấm săn voi ở Botswana. Tuy nhiên, các nhà lập pháp từ đảng Dân chủ Botswana (BDP) cầm quyền đã vận động hành lang để lật ngược lệnh cấm với lập luận số lượng voi đã trở nên không thể quản lý ở một số khu vực.

Bộ Môi trường Botswana cũng viện dẫn một đánh giá của ủy ban nội các với phát hiện “số lượng và mức độ xung đột cao giữa người và voi cùng hệ lụy đến sinh kế đang tăng”.

“Sự đồng thuận chung từ những người được tham vấn là lệnh cấm săn bắn nên được dỡ bỏ, việc săn bắn sẽ được khởi động lại theo cách thức có trật tự và đạo đức”.

Botswana có quần thể voi lớn nhất ở châu Phi với hơn 135.000 cá thể di chuyển tự do trong các vườn quốc gia không có hàng rào và các không gian rộng mở.

Số lượng voi của đất nước nổi tiếng này đã tăng gần gấp ba trong 30 năm qua và quần thể hiện có thể lên tới hơn 160.000 cá thể.

Nông dân chật vật để ngăn voi vào các cánh đồng ăn hoa màu và thậm chí có thể giết người, vì thế động thái dỡ bỏ lệnh cấm săn bắn sẽ là cú ghi điểm tiềm năng để giành phiếu của cộng đồng nông thôn trong cuộc bầu cử vào tháng Mười năm nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng động thái này sẽ phản tác dụng vì săn voi càng khiến chúng sợ hãi và hung dữ, làm trầm trọng thêm xung đột với các cộng đồng địa phương.

Mối lo ngại đang lan rộng trong các nhà môi trường bởi họ cho rằng quyết định của Botswana sẽ là tiền đề để cho phép mua bán ngà voi.

Điều này sẽ có “tác động thảm khốc với những con voi trên khắp châu Phi”, theo Kahumbu.

Nhiều con voi Botswana voi vượt biên vào Namibia, Zambia và Zimbabwe.

Được biết, cả bốn nước đều kêu gọi nới lỏng lệnh cấm toàn cầu về buôn bán ngà voi do số lượng voi ngày càng tăng ở một số khu vực.

Trong tháng này, Zimbabwe cho biết đã bán gần 100 con voi cho Trung Quốc và Dubai với tổng giá 2,7 triệu USD trong sáu năm qua, do quần thể quá đông.

Zimbabwe cũng sẽ đưa kháng cáo riêng để xin phép bán một số cá thể voi khi xung đột giữa người dân và động vật hoang dã leo thang.

Năm ngoái, Botswana cũng bác bỏ tuyên bố của một tổ chức từ thiện bảo tồn hàng đầu rằng nạn săn trộm voi đang tăng lên.

Tuy nhiên, trong khi số lượng voi tăng lên ở một số khu vực thì quần thể voi trên khắp châu Phi đã giảm khoảng 111.000 xuống còn 415.000 cá thể chỉ trong thập kỷ qua, chủ yếu là do nạn săn trộm để lấy ngà, theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Điều đáng nói là nới lỏng hay dỡ bỏ lệnh cấm săn voi không phải là giải pháp để giải quyết xung đột giữa người và voi, thậm chí còn phản tác dụng.

Và dù thế nào thì voi, sư tử và hà mã châu Phi vẫn nằm trong Sách đỏ của IUCN về các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng và cần được bảo vệ nhiều hơn.

Nhật Anh (Theo The Guardian)

Nguồn: