Theo Bloomberg, khả năng Trung Quốc sử dụng đất hiếm làm công cụ trả đũa việc Mỹ áp thuế quan dường như đang ngày một tăng lên.
Bắc Kinh đang chuẩn bị sử dụng sự thống trị về các nguyên tố đất hiếm như đòn trả đũa Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Washington, Bloomberg trích dẫn những thông điệp từ quan chức nhà nước và báo giới Trung Quốc cho hay.
Trong một bài xã luận hôm 29.5, Tờ Nhân dân Nhật báo viết rằng Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng phản kháng của Trung Quốc trong thương chiến. Cụ thể, bài xã luận có đoạn “đừng nói nói chúng tôi không cảnh báo bạn”, một dòng thông điệp hiếm khi được sử dụng. Trong quá khứ, Trung Quốc thường có những hành động mạnh mẽ sau dòng thông điệp như trên, Bloomberg lưu ý.
Về các loại đất hiếm, tờ Nhật báo Nhân dân cho biết thật khó để trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có sử dụng các nguyên tố này để trả đũa trong cuộc chiến thương mại hay không.
Trung Quốc đang nghiêm túc xem xét việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ và cũng có thể thực hiện các biện pháp đối phó khác, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết trong một đoạn tweet. Một quan chức của Ủy ban Cải cách & Phát triển Quốc gia nói với CCTV rằng người dân Trung Quốc sẽ không thấy vui khi thấy các sản phẩm làm từ đất hiếm xuất khẩu từ nước mình được sử dụng để ngăn chặn sự phát triển của nền kinh tế số 2 thế giới.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất đất hiếm ở Trung Quốc đã tăng mạnh trong những tuần gần đây do những đồn đoán rằng đất hiếm có thể là một át chủ bài của phía Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Cụ thể, đầu tháng này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm một nhà máy sản xuất đất hiếm cùng với nhà đàm phán thương mại hàng đầu của ông, làm dấy lên đồn đoán rằng các loại vật liệu chiến lược này có thể được Trung Quốc dùng để trả đũa Mỹ.
Đất hiếm cũng từng là trung tâm trong tranh chấp thương mại. Trung Quốc đã tăng thuế lên 25% từ 10% đối với hàng nhập khẩu từ nhà sản xuất đất hiếm duy nhất của Mỹ, trong khi đó Mỹ loại trừ các nguyên tố đất hiếm ra khỏi danh sách áp thuế quan tiềm năng của mình đối với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc.
Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc cho khoảng 80% nguồn cung đất hiếm, được sử dụng trong một loạt các ứng dụng từ điện thoại thông minh, xe điện cho đến thiết bị quân sự. Đất hiếm, bao gồm các nguyên tố như neodymium, được sử dụng trong nam châm và ytrri cho thiết bị điện tử.
Thị trường đất hiếm Trung Quốc bị chi phối bởi một số ít các nhà sản xuất bao gồm Công ty sản xuất đất hiếm China Northern, Công ty đất hiếm Minmetals, Công ty Vonfram Hạ Môn và Công ty kim loại&dất hiếm Chinalco.
Trong quá khứ, Trung Quốc đã chặn xuất khẩu các nguyên tố này sang Nhật Bản sau một cuộc tranh chấp trên biển vào năm 2010, khiến giá của các nguyên tố này tăng mạnh, buộc các công ty phải tìm nguồn cung ở nơi khác, điều này có thể xảy ra một lần nữa nếu Bắc Kinh hiện thực hóa lời đe dọa trả đũa.
Cổ phiếu China Northern tăng tới 7,7% trên sàn chứng khoán Thượng Hải, trong khi Lynas, nhà sản xuất các sản phẩm đất hiếm lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, đã tăng thêm 12% trên sàn chứng khoán Sydney. Cổ phiếu của 2 công ty đều tăng khoảng 1/3 giá trị trong tháng này.
Biện pháp của Trung Quốc mạnh đến mức vào đầu thập kỷ này, Mỹ đã cùng với các quốc gia khác khởi kiện nước này lên Tổ chức Thương mại Thế giới để buộc Trung Quốc phải xuất khẩu nhiều đất hiếm hơn trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu. WTO cuối cùng đã đưa ra phán quyết có lợi cho Mỹ, và giá của các loại nguyên tố này đã giảm sau đó, khi các nhà sản xuất chuyển sang lựa chọn thay thế.
Vào tháng 12.2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một lệnh hành pháp nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ các nguồn khoáng sản quan trọng bên ngoài, bao gồm cả đất hiếm, để giảm sự tổn thương của nền kinh tế số 1 thế giới đối với sự gián đoạn nguồn cung các nguyên tố này.