Chiều 27-5, phát biểu thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, Đại biểu (ĐB) Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cho rằng, việc quản lý, thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất tại đô thị còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém…
Theo ĐB Nguyễn Tiến Sinh, hệ thống pháp luật trong quản lý đất đai tại đô thị đã được ban hành đầy đủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, công tác tổ chức thực hiện pháp luật về quy hoạch, sử dụng đất từng bước đi vào nền nếp tạo được cơ sở pháp lý, động lực cho phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, ĐB Sinh nhấn mạnh, qua nhiều báo cáo của Chính phủ, của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và báo cáo giám sát địa phương cho thấy việc quản lý, thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất tại đô thị còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém.
Về quy hoạch đất đô thị, ĐB Sinh cho rằng, hiện đang tồn tại 2 vấn đề gồm chất lượng quy hoạch đô thị thấp và không tuân thủ pháp luật về quy hoạch, quản lý quy hoạch yếu, điều chỉnh quy hoạch chủ quan theo ý muốn của vài cá nhân, quy hoạch treo… Đây là nguyên nhân gây phá vỡ quy hoạch, tác động tới đời sống của người dân trong vùng quy hoạch.
“Điều khiến cử tri và nhân dân lo lắng là hiện tượng trục lợi chính sách, vi phạm pháp luật, thậm trí là tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đô thị của một bộ phận cán bộ, công chức có trách nhiệm quản lý đất, đã và đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào chính sách của Đảng, nhà nước và bộ máy công quyền”, ĐB Sinh nhấn mạnh.
ĐB Sinh cũng nêu, nhiều lĩnh vực được giao quản lý và sử dụng đất lâu nay được coi là vùng cấm đó là đất quốc phòng, đất an ninh thiếu sự giám sát, buông lỏng quản lý, quản lý yếu kém đã xảy ra các sai phạm lớn, không chỉ gây thất thoát lãng phí về tài nguyên đất đai, mà còn tác động, ảnh hướng xấu tới uy tín của ngành.
Những hạn chế, yếu kém trong quy hoạch và quản lý sử dụng đất đô thị trong thời gian vừa qua đã và đang trở thành rào cản cơ sở phát triển của đô thị của nước ta hiện nay.
Theo ĐB Sinh, nguyên nhân cơ bản và trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, những cá nhân, những người thực thi pháp luật. Sự giằng xé về lợi ích của các chủ thể được giao quản lý, sử dụng đất, trong đó không loại trừ lợi ích nhóm trong quản lý, giao đất, thu hồi và sử dụng đất.
Trước những nêu trên, ĐB Sinh kiến nghị, Chính phủ cần hoàn thiện ngay các quy định về huy động vốn theo hình thức BT để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho chính quyền địa phương khi thực hiện một chủ trương lớn về huy động các nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nhằm thực hiện công khai, minh bạch, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong loại hình đầu tư này.
“Các địa phương cần thanh tra và sớm có kết luận các trường hợp quy hoạch, thu hồi, bồi thường tái định cư, giao đất, đấu giá đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trên cơ sở đó, cần có phương án xử lý từng trường hợp theo quy định của pháp luật kiên quyết thu hồi các dư án sai phạm, trả lại quyền lợi hợp pháp cho người dân trong vùng dự án. Xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm, đề nghị trước mắt cần chuyển hồ sơ của cơ quan Thanh tra các cấp, Kiểm toán nhà nước kết luận có sai phạm sang Cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật”, ĐB Sinh kiến nghị.