Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 19 loài ngoại lai xâm hại và 63 sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi sinh, làm suy giảm đa dạng sinh học, sự hoành hành của các sinh vật ngoại lai còn đe dọa đến sinh kế của hàng triệu nông dân.
Hà Nội có hầu hết các loài ngoại lai
Được đưa vào Việt Nam năm 1986 rồi bắt đầu nuôi ở quy mô công nghiệp năm 1992, ốc bươu vàng đã nhanh chóng sinh sôi nảy nở với tốc độ chóng mặt, lan tràn và phá hại nghiêm trọng lúa, hoa màu tại nhiều địa phương.
Sự nguy hại của ốc bươu vàng nghiêm trọng tới mức, cả nước đã phải phát động nhiều cuộc ra quân tiêu diệt.
Tuy nhiên, cho đến tận hôm nay, ốc bươu vàng vẫn là một trong mối lo của bà con nông dân khi có tốc độ sinh sản và phá hoại lúa nhanh, nhất là ở các chân ruộng lưu nước.
Vào năm 2018, việc buôn bán, kinh doanh rùa tai đỏ mini rộ lên tại nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội. Loài rùa có kích thước nhỏ được nhiều người tìm mua, nuôi làm cảnh.
Tuy nhiên, loài rùa này được xác định là có khả năng cạnh tranh thức ăn, không gian sống của nhiều sinh vật, thậm chí, chúng còn ăn hầu hết các loài tôm, cá nhỏ.
Mới đây, sự xuất hiện tràn làn của tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm càng đỏ) cũng khiến dư luận xôn xao bởi những nguy cơ có thể gây ra cho môi sinh.
Đáng chú ý, tại Hà Nội trong những năm gần đây cũng xuất hiện nhiều loài ngoại lai gây hại, phổ biến là ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, tôm hùm đất, cá chim trắng, cá dọn bể…
Thậm chí, với thị trường rộng lớn cho các nhu cầu vui chơi, ăn uống, cùng nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận người dân, nhiều sinh vật ngoại lai kể trên còn được ngang nhiên buôn bán, tiêu thụ dưới dạng thương mại.
Cộng đồng trách nhiệm
Được xác định là rất nguy hại, tuy nhiên, việc quản lý những sinh vật ngoại lai đang gặp không ít khó khăn. Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT) Lê Trần Nguyên Hùng cho rằng, công tác quản lý các loài ngoại lai hiện còn chồng chéo, đặc biệt là giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT.
Trong khi Bộ NN&PTNT được cấp phép nhập các giống thủy sản vào Việt Nam thì Bộ TN&MT lại là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong quản lý sinh vật ngoại lai.
Do đó, ông Hùng cho rằng, các bộ ngành cần tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp xây dựng, tiến tới hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về ngăn ngừa và kiểm soát nhóm sinh vật gây hại này.
Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Nguyễn Quang Huy – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ NN&PTNT) đánh giá, nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao. Họ sẵn sàng nhập lậu, buôn bán, kinh doanh các sinh vật ngoại lai vì lợi ích kinh tế trước mắt, mà không đoái hoài đến những hệ lụy khôn lường có thể xảy đến trong tương lai.
“Quản lý các loài ngoại lai không chỉ là vấn đề của các bộ, ngành, địa phương mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc ngăn chặn sự lây lan của nhóm sinh vật xâm hại này là hết sức quan trọng” – PGS.TS Nguyễn Quang Huy bày tỏ quan điểm.
Tại Hà Nội, để quản lý các loài ngoại lai xâm hại, năm 2016, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND về ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020.
Theo đó, TP đã lập bản đồ nền phân bố các loài ngoại lai xâm hại trên toàn TP và tại 4 vùng có mức độ đa dạng sinh học cao là: Ba Vì, Hương Sơn (Mỹ Đức), Sóc Sơn và Phú Xuyên. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho rằng, do tính chất phức tạp và mức độ xâm hại nghiêm trọng của các loài ngoại lai nên việc phòng trừ cần tiến hành thường xuyên, liên tục thông qua công tác kiểm dịch.
Khi phát hiện sinh vật ngoại lai xâm hại, cần ngăn chặn sớm bằng các biện pháp phù hợp với từng vùng sinh thái và mức độ xâm lấn cụ thể.