Cuộc chiến chống buôn bán ngà voi gặp khó vì bảo kê, tham nhũng?

Theo Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã, những hành vi tham nhũng chủ yếu trong buôn bán ngà voi trái phép là do bảo kê, hối lộ để lực lượng chức năng làm ngơ cho qua các giấy tờ giả mạo…

Tham nhũng và bảo kê buôn bán ngà voi trái phép là một trong những nguyên nhân chính có ảnh hưởng lớn nhất đến các nỗ lực điều tra, xử lý tội phạm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo nhận định của giới chuyên gia bảo tồn, Việt Nam là một trong những thị trường “thẩm lậu” ngà voi sôi động nhất thế giới. Mặc dù, rất nhiều giải pháp mạnh tay đã được triển khai, song công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán trái phép ngà voi lớn vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Trong đó, hành vi tham nhũng và bảo kê buôn bán ngà voi trái phép là một trong những nguyên nhân chính có ảnh hưởng lớn nhất, gây cản trở đến các nỗ lực điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về động vật hoang dã trong suốt nhiều năm qua.

Sức ép từ tham nhũng, bảo kê

Tại Hội thảo “Phía sau nạn buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên vừa tổ chức mới đây tại Vĩnh Phúc, bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, hiện nay, tình trạng buôn bán ngà voi vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, song việc đấu tranh, xử lý các đường dây lớn vẫn chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là khía cạnh xử phạt.

Chia sẻ thêm những rào cản, khó khăn trong công tác xử lý các đối tượng buôn bán ngà voi trái phép, bà Hà cho rằng bên cạnh hành vi tham nhũng, bảo kê của lực lượng chức năng, cán bộ thực thi, thì việc phát hiện và xử lý đối tượng cầm đầu của các “mạng lưới tội phạm lớn” về động vật hoang dã đang là thách thức rất lớn.

Theo bà Hà, thời gian qua, rất nhiều vụ việc lực lượng chức năng chỉ thu giữ tang vật mà không thể xử lý đối tượng. Nguyên nhân là do không tìm ra được chủ/người cầm đầu của các “công ty ma,” cũng như các lô hàng không ghi rõ nguồn gốc.

“Tuy nhiên, trên thực tế, công ty ma thì họ vẫn có giám đốc, có người điều hành, thậm chí họ thuê/nhờ ông xe ôm đứng ra vận chuyển thì ông xe ôm cũng là người tiếp tay cho hành vi phạm tội cần phải xử lý,” bà Hà nhấn mạnh.

Có chung quan điểm, ông Lê Văn Minh, đại diện Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS), cho rằng tham nhũng và buôn bán động vật hoang dã trái phép là hai loại tội phạm độc lập nhưng có mối quan hệ với nhau. Buôn bán động vật hoang dã làm gia tăng tình hình tham nhũng, hối lộ đồng thời tham nhũng khiến tình hình buôn bán thêm nghiêm trọng.

“Nghiên cứu của WWF/Dalberg 2012 chỉ ra rằng việc săn bắt động vật hoang dã diễn ra mạnh mẽ ở những nơi tham nhũng hoành hành, việc thực thi pháp luật của chính quyền chủ yếu và tại những nơi không có nhiều cơ hội thay thế về mặt kinh tế,” ông Minh nói.

Theo đại diện WCS, những hành vi tham nhũng chủ yếu trong buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật là do hối lộ để lực lượng chức năng, cán bộ thực thi nhiệm vụ làm ngơ cho qua các giấy tờ giả mạo, quá hạn, giấy phép xuất khẩu; hay chủ động đòi tiền để cho phép việc vận chuyển trái phép đi qua cửa khẩu.

Cùng với đó là hành vi làm giấy tờ giả mạo như lợi dụng chức vụ để hợp thức hóa hành vi buôn lậu; hay sự bảo kê của cơ quan chức năng cho đối tượng phạm tội, hoặc quan chức có mối quan hệ xã hội, quan hệ gia đình với các đối tượng buôn bán động vật hoang dã trái phép.

“Chính hành vi hối lộ, làm ngơ, hay sự tiếp tay, thờ ơ của các lực lượng chức năng đã khiến việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã không bị phát hiện, xử lý, hoặc giảm nhẹ hình phạt,” ông Minh chia sẻ thêm.

Báo cáo của WCS cũng cho thấy, trong 5 năm (từ 2013 đến 2017), các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã bắt giữ và xử lý 48 vụ việc vi phạm với tổng khối lượng sản phẩm liên quan đến voi là 9.732kg (chiếm tỷ lệ cao nhất với 23,55%) trong tổng khối lượng động vật hoang dã đã bắt giữ, tịch thu.

Đối với sản phẩm liên quan đến voi bị bắt giữ, tịch thu thì ngà voi thô có trọng lượng lớn nhất với 89,95% (tương đương 8.753/9.732 kg) trong tổng khối lượng sản phẩm liên quan đến voi bị bắt giữ. Còn lại là sản phẩm chế tác khác (nhẫn, vòng tay…), mặc dù có số lượng bắt giữ tương đối nhiều, nhưng những sản phẩm trang sức này có khối lượng nhỏ, chỉ chiếm 10,04% (tương đương 977/9.732kg).

Tổng số ngà voi thu giữ tại Việt Nam từ năm 2010 đến năm 2018. (Nguồn: EIA)

Gian nan hướng xử lý?

Nhìn nhận từ góc độ cơ quan quản lý, ông Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc CITES Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thừa nhận tình trạng buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi những năm gần đây diễn biến rất phức tạp, trong đó có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thực trạng này khiến công tác đấu tranh, ngăn chặn các đường dây tội phạm gặp không ít khó khăn.

Thậm chí, theo nội dung tài liệu ông Mạnh cung cấp còn cho thấy, trong 10 năm gần đây mức độ buôn bán động vật hoang dã trái phép, đặc biệt là ngà voi chưa bao giờ giảm. Số vụ việc một năm lên đến hàng nghìn, hàng chục nghìn mẫu vật được tịch thu, bắt giữ. Trong khi, xu hướng càng ngày càng phức tạp, quốc tế hóa.

Bên cạnh đó, năng lực điều tra, nhận dạng, áp dung công nghệ, chia sẻ thông tin ở nhiều cán bộ thực thi luật bảo vệ động vật hoang dã còn hạn chế. Thống kê từ các vụ vận chuyển ngà voi, cho thấy các chuyến hàng lớn có xuất xứ từ các nước châu Phi… trung chuyển qua nhiều quốc gia khác nhau trước khi đến Việt Nam và đến Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin từ các nước nguồn không được chia sẻ.

Chỉ trong vòng 5 năm gần đây, hàng chục tấn ngà voi đã được các lực lượng Hải quan đã tịch thu, bắt giữ tại Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Sóc Trăng… Trong đó, một số vụ việc có số lượng lớn như: Vụ bắt giữ 971kg ngà voi tại Hà Nội (ngày 6/2/2018), bắt giữ 9,1 tấn ngà voi tại Đà Nẵng (ngày 26/3/2019).

Nhìn vào con số những lô hàng ngà voi bị bắt giữ trên, có thể hình dung hoạt động mua bán chui ngà trắng diễn ra phức tạp thế nào. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia bảo tồn thì những vụ bắt giữ trên mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” trong mạng lưới thẩm lậu ngà voi đang được mời chào, rao bán la liệt trên mạng internet.

Về phía cơ quan điều tra, Đại úy Trần Thị Kim Thanh, cán bộ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An) cũng nhận định, mặc dù công tác đấu tranh, ngăn chặn tình trạng “thẩm lậu” ngà voi đã được đẩy mạnh, song một số quy định pháp luật vẫn còn bất cập, gây khó khăn trong quá trình xử lý các vụ vi phạm.

Cùng với đó, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn bán động vật hoang dã, điển hình như ngà voi cũng rất phức tạp, phần lớn hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, khó xác định đối tượng cầm đầu.

Chưa kể, một số hành vi hợp thức hóa giấy tờ trong quá trình vận chuyển, mua bán; lợi dụng các ưu đãi trong chính sách xuất nhập khẩu hàng hóa; chống trả quyết liệt…

Trước thực trạng nêu trên, bà Thanh cho rằng cần gợi mở hỗ trợ hoạt động của lực lượng công an, đặc biệt là đẩy mạnh chiến lược truyền thông kết hợp đợt cao điểm trấn áp tội phạm nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã, xóa bỏ thị trường buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi.

Ngoài ra, đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cũng khuyến nghị phóng viên, báo chí cần cung cấp cho lực lượng chức năng thông tin hoặc cùng tham gia hoạt động đấu tranh của lực lượng công an (nếu cần).

Trong khi đó, bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV cho rằng, để ngăn chặn được mạng lưới buôn bán động vật hoang dã trái phép, đặc biệt đối với ngà voi, trước tiên cần phải thúc đẩy việc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép.

Cùng với đó, bà Hà cũng đưa ra một số hành động cấp bách cần triển khai nhằm chấm dứt tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm tại Việt Nam. Trước tiên là điều tra và xử lý các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép; từ đó đưa ra các biện pháp răn đe hiệu quả.

Ngoài ra, bà Hà cũng kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tiến hành thường niên tiêu hủy một phần ngà voi thu giữ được như một cách thức khẳng định quyết tâm không khoan nhượng với các vi phạm về ngà voi của Việt Nam.

Đồng thời gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với việc kiểm soát và chấm dứt tình trạng mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép; tăng cường tiếng nói của cơ quan quản lý Nhà nước trong nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là xử lý những người, nhóm người đứng đầu mạng lưới tội phạm lớn..