Biến đổi khí hậu đang đe dọa sinh kế của những người dân và thậm chí là cả sự tồn tại của quốc đảo Kiribati nhỏ bé.
Chính phủ nước này từ nhiều năm qua đã lên kế hoạch cho việc thích ứng với tình trạng xói mòn, nước biển dâng và thậm chí là cả viễn cảnh cả quốc đảo bị chìm dưới nước biển.
Biến đổi khí hậu là có thật
Buổi chiều một ngày trời quang mùa đông năm 2015, một đợt thủy triều bất chợt quét qua bờ kè ngăn biển tại quốc đảo Kiribati xa xôi, hẻo lánh ở khu vực trung tâm Thái Bình Dương. Nước đánh vỡ cửa ra vào và cửa sổ của Bệnh viện Betio, cuốn theo cát và những mảnh vụn vào phòng hộ sinh.
Nhân viên bảo vệ của bệnh viện tên Beero Hosea vội vã đi ngắt điện và giúp đỡ những thai phụ đang hoảng loạn di chuyển qua đống đổ nát và nước để đến một trường học gần đó. “Nếu đợt thủy triều tương tự tiếp theo xảy ra kèm bão và gió lớn, đó sẽ là sự kết thúc của chúng tôi. Toàn bộ hòn đảo này sẽ chìm trong nước”, ông Hosea lo sợ.
Trong suốt nhiều năm liền, các nhà khoa học đã dự báo rằng, trong vài thập kỷ tới, phần lớn quốc đảo Kiribati có thể sẽ trở thành nơi con người không thể ở được vì một loạt các vấn đề môi trường liên quan đến biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian đó, người dân ở Kiribati vẫn không mấy để ý đến những cảnh báo được đưa ra. Vì vậy, đợt thủy triều được gọi là thủy triều vua xảy ra vào năm 2015 được nhiều người xem như một lời cảnh tỉnh lạnh gáy đối với nhiều người dân trên đảo quốc.
Kiribati là một quốc đảo gồm 33 đảo san hô và đảo đá có diện tích chỉ gấp đôi bang Alaska của Mỹ nằm rải rác ở Thái Bình Dương. Tổng số dân của nước này là khoảng 110.000 người. Phần lớn đảo quốc này nằm ở vị trí chỉ cao hơn chưa đầy 1,8 m so với mực nước biển.
Trong khi đó, các nghiên cứu về khí hậu gần đây dự đoán rằng mực nước ở các đại dương trên thế giới có thể tăng lên khoảng 1,5 đến 1,8 m vào năm 2100. Điều này đồng nghĩa với việc đến thời điểm đó, phần lớn diện tích của Kiribati sẽ nằm dưới mực nước biển.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, vào năm 2050, một nửa ngôi làng Bikenibeu bao gồm 6.500 người của quốc đảo này có thể bị ngập lụt do nước biển dâng và nước dâng do bão.
Chính phủ Kiribati trong một báo cáo gửi tới Liên hợp quốc năm 2015 cũng đã xác nhận nguy cơ nước biển dâng cao và số lượng các cơn bão tăng đang đe dọa sự tồn tại và sinh kế của những bộ phận lớn dân số của Kiribati.
Ngày tận thế
Ngân hàng Thế giới trong một báo cáo năm 2013 cho rằng các quốc gia trên những hòn đảo ở Thái Bình Dương nằm trong số những quốc gia dễ bị tổn thương về thể chất và kinh tế nhất trước biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, động đất và lốc xoáy nhiệt đới.
Với Kiribati, viễn cảnh được đưa ra giống như bức tranh chi tiết về ngày tận thế: những tuyến đường sẽ bị cuốn trôi, làm tê liệt nền kinh tế; các rạn san hô bị suy thoái, bị hư hại do nước ấm lên, tạo điều kiện để những con sóng mạnh hơn đánh vào bờ biển, gây xói mòn đất và gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm của cư dân.
Nhiệt độ cao hơn và việc thay đổi lượng mưa cũng sẽ làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh như sốt xuất huyết và ngộ độc cá biển. Trong một viễn cảnh nhẹ nhàng hơn, các nhà khoa học và chuyên gia phát triển cũng đã cảnh báo về khả năng nước biển dâng cao gây thiếu nước ngầm và tăng sự xâm nhập mặn vào nguồn cung cấp nước ngọt của người dân ở trên các đảo.
Trên thực tế, Chính phủ trước đây của Kiribati do cựu Tổng thống Anote Tong – người nắm quyền từ năm 2003 đến 2016 – từ năm 2003 đã xây dựng các kế hoạch quản lý nước, xây dựng những bức tường ven bờ biển, trồng rừng ngập mặn và lắp đặt hệ thống thu gom nước mưa nhằm thích ứng với những thay đổi.
Họ cũng đã tiến hành nghiên cứu về việc nâng độ cao của bờ biển Kiribati, tiến hành các hoạt động xây đảo nhân tạo… nhưng những biện pháp như vậy được đánh giá là không thực tế về mặt tài chính đối với một quốc gia nghèo tài nguyên, phụ thuộc vào viện trợ như Kiribati.
“Vấn đề biến đổi khí hậu là có thật, nghiêm trọng và chúng tôi muốn làm gì đó để chuẩn bị cho việc đó”, ông Tong tuyên bố.
Đặc biệt, Chính phủ Kiribati đã cơ bản lên kế hoạch cho sự biến mất của cả đảo quốc bằng việc thúc đẩy kế hoạch “di cư cùng phẩm giá”, theo đó thúc giục những người dân có bằng cấp, tay nghề cân nhắc việc di chuyển ra nước ngoài.
Chính phủ Kiribati cũng đã mua gần 6.000 ha ở Fiji – một quốc đảo ở cách đất nước họ gần 1.700 km – để làm nơi trú ẩn tiềm năng.
Fiji nằm ở độ cao lớn hơn và có bờ biển ổn định hơn, khiến đảo quốc này ít bị tổn thương vì biến đổi khí hậu hơn. “Khoa học về biến đổi khí hậu không chính xác 100%, Tuy nhiên, chúng tôi biết rõ rằng, theo thời gian, người dân của chúng tôi sẽ phải di dời, trừ khi có những nguồn lực rất, rất quan trọng được cam kết để duy trì tính toàn vẹn của đất”, cựu Tổng thống đảo quốc bé nhỏ nói. Có điều, để có thể di tản cả một đất nước là điều không dễ dàng và có thể không thể.
Tình trạng xói mòn dọc theo bãi biển đã khiến hàng chục cây dừa bị đổ. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng 18 đến 80% ngôi làng có thể sẽ chìm dưới nước vào năm 2050. Chứng kiến những cảnh tượng này, một số dân làng cho biết họ đã sẵn sàng để rời đi.
Song, cũng có những người khác – như mục sư tên Rube – nói rằng bà từ chối chấp nhận ý tưởng rằng Kiribati có thể biến mất. “Chúng tôi là những người theo đạo Thiên Chúa. Vì vậy, chúng tôi không tin rằng Chúa có thể ban cho chúng tôi thế giới này rồi sau đó lại lấy nó đi”, bà nói.
Năm 2016, các nhà khoa học Australia dựa trên việc phân tích những hình ảnh trên không và vệ tinh có từ năm 1947 cùng nhiều bằng chứng khác kết luận, trong thời gian qua, 5 hòn đảo nhỏ tại quần đảo Solomon đã biến mất do hiện tượng xói mòn bờ biển và nước biển dâng. Những hòn đảo này có diện tích từ 1 đến 5 ha và không có người ở.
Ngoài ra, nhiều dải đất lớn trên 6 hòn đảo thuộc quần đảo Solomon ở Thái Bình Dương cũng bị nhấn chìm xuống dưới mực nước biển. Ở 2 trong số các đảo đó đã có những ngôi làng bị phá hủy và người dân buộc phải di dời.
Điển hình là đảo Nuatambu – nơi sinh sống của 25 hộ gia đình. Kể từ năm 2011 đến nay, 11 ngôi nhà và một nửa diện tích có thể ở được trên đảo này đã bị nước biển nhấn chìm.
Các kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Môi trường nói trên được các nhà khoa học đưa ra dựa trên việc phân tích những hình ảnh trên không và vệ tinh có từ năm 1947 và nhiều bằng chứng khác.
Đây được cho là xác nhận khoa học đầu tiên về tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu tới các bờ biển ở Thái Bình Dương và con người. Các tác giả của nghiên cứu cảnh báo biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng sẽ trở thành một trong những thách thức lớn nhất với nhân loại trong thế kỷ tới.