Sau hơn 5 năm triển khai, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều hạn chế, vi phạm đất đai có xu hướng gia tăng và chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu. Đây là vấn đề mà nghị trường Quốc hội ngày 27/5 đề cập tới.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV dành hẳn một ngày để thảo luận, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Điều đó cho thấy mức độ quan tâm của cử tri cả nước.
Bên hành lang Quốc hội, phóng viên báo Tin tức đã phỏng vấn một số đại biểu Quốc hội về nội dung này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Tôi quan tâm đến việc sử dụng đất quốc phòng. Đất sân bay rộng mênh mông tại một số nơi bị “chia năm xẻ bảy” để bán đất dân cư, sau này gây tranh chấp. Những hậu quả địa phương sẽ phải giải quyết trong tương lai”.
“Đất quốc phòng chưa quy hoạch để sử dụng thì nên giao cho địa phương phát triển kinh tế xã hội, chống lãng phí, tránh tình trạng phát canh thu tô như hiện nay. Chúng tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rà soát lại quy hoạch. Phải biến đất đai trở thành nguồn lực phát triển kinh tế bền vững, củng cố quốc phòng”, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị.
Thời gian qua, có những vụ sai phạm đã bị khởi tố, bị can bị bắt giam; có vụ việc được các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra, phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, có thể khẳng định, số vụ việc bị phát hiện và xử lý chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với thực tế.
Dư luận cho rằng, vi phạm đất đai trên thực tế nghiêm trọng hơn rất nhiều những gì đã được phát hiện và xử lý. Tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương.
Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần có sự đánh giá toàn diện, khách quan và trung thực về tình trạng vi phạm đất đai để có cơ sở xem xét điều chỉnh chính sách.
“Có hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm về đất đai, đó là kẽ hở luật pháp và việc thực thi pháp luật. Trong đó, nguyên nhân chính là do thực thi pháp luật không nghiêm, như tình trạng vi phạm về đất đai ở huyện Sóc Sơn đã được Thanh tra TP Hà Nội công bố. Chính quyền được giao nhiệm vụ mà không thực hiện đến nơi đến chốn, hoặc có sự “móc ngoặc” với người vi phạm để thực hiện hành vi trái pháp luật”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho hay.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phân tích thêm: Hiện nay, vẫn còn tình trạng cán bộ cấp huyện, cấp xã, nhất là công chức địa chính chưa làm hết trách nhiệm, thẩm quyền hoặc hạn chế về năng lực. Nhiều địa phương “móc ngoặc” với người vi phạm, chứng nhận cho các chuyển nhượng đất đai trái pháp luật, cấp sổ đỏ không đúng quy định, dẫn đến tình trạng nhờn luật.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện bức xúc với việc “phạt cho tồn tại”. Việc làm đó, vô hình trung đã khuyến khích hành vi vi phạm chính sách, pháp luật, coi thường kỷ cương, pháp luật. “Việc phạt cho tồn tại chỉ là hình thức, tiền nộp phạt chẳng đáng là bao nhưng sự móc ngoặc với nhau sẽ làm băng hoại bộ máy, cán bộ. Vì thế, không thể thỏa hiệp với các vi phạm đất đai, mà phải tạo ra ý thức pháp luật của công dân cũng như ý thức tuân thủ, thực thi luật pháp của cán bộ, công chức”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến.
Cũng liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị có sự phân định rõ ràng giữa công trình công cộng và các công trình có mục đích kinh doanh để có cách tính tiền sử dụng đất phù hợp, tránh việc trục lợi, mượn danh xây dựng công trình công cộng để trốn thuế.