Có khoảng 8 công trình, hạng mục xây dựng kiên cố từ lâu, chủ yếu để phục vụ nuôi trồng thủy sản trong vùng lõi vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), hiện vô chủ, bỏ hoang gây mất mỹ quan và an toàn giao thông đang được Ban quản lý vịnh Hạ Long phá bỏ. Theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, cần khoảng trên 540 triệu đồng để “giải phóng” toàn bộ các công trình trên.
Đáng chú ý trong số các công trình này là: Kè đầm phía sau đảo Đầu Gỗ, dài 38m, cao 1m, được xây bằng đá hộc; 2 công trình kè đầm kết cấu bêtông cốt thép dài tổng cộng gần 70m, rộng 0,2m, cao 2,9m và một bể nước xây bằng gạch tại phía bắc đảo Vụng Ba Cửa.
Tại phía tây đảo Đầu Gỗ, gần hòn Chó đá, có một trong trình kè dài 76,5m, cao 1,5m, rộng 0,35, được xây bằng đá hộc. Tại phía đông hòn vụng Hà, phía sau khu vực làng chài Vung Viêng có công trình kè, được xây bằng đá hộc, dài 45m, cao 0,9m, rộng 0,5m.
Trước ý kiến cho rằng các công trình này được xây dựng ồ ạt thời gian gần đây, ông Phạm Đình Huỳnh – Phó trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long – cho biết, không nhớ chính xác những công trình này được xây dựng từ bao giờ, nhưng nhiều công trình có trước thời điểm vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới năm 1994.
Theo ông Nguyễn Bá Căn – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn 2, người gắn bó với Ban quản lý vịnh Hạ Long từ khi đơn vị này được thành lập (tháng 2.1995), các công trình trên có trước thời điểm thành lập ban, do ngư dân tự ý xây dựng. “Các vị trí xây dựng được chọn là các khe núi, cửa vụng. Có chỗ ngư dân nuôi hải sản; có chỗ họ làm như những cái đăng để bẫy cá. Sau này không ai nuôi trồng kiểu đó nữa vì tốn kém, lại không hiệu quả” – ông Căn cho biết.
Vì thế, từ lâu, các công trình này đều bị bỏ hoang, xuống cấp và vô chủ, gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường di sản vịnh Hạ Long. Ban quản lý vịnh Hạ Long đã xin ý kiến UBND tỉnh Quảng Ninh cho phá bỏ những công trình này.