Mê Công tiếp tục bàn về hợp tác và chia sẻ

Ngày 20 – 21/5/2019, 180 đại diện từ Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Myanmar cùng các tổ chức nghiên cứu, khu vực tư nhân, đối tác phát triển và các tổ chức xã hội dân sự tham dự Diễn đàn khu vực các bên liên quan lần thứ bảy do Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) tổ chức tại Băng Cốc, Thái Lan.

Diễn đàn tập trung vào những thành quả và bài học kinh nghiệm khi phối hợp về các vấn đề, tác động và cơ hội xuyên biên giới qua Dự án Quản lý tài nguyên nước tích hợp khu vực Mekong (M-IWRM), do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Theo dự án, bốn quốc gia thành viên MRC – Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam – đã hợp tác với nhau kể từ năm 2014 trong năm sáng kiến song phương nhằm tăng cường đối thoại xuyên biên giới và thúc đẩy thực hành quản lý tài nguyên nước tích hợp ở cấp tiểu lưu vực ở Sekong, Sesan-Srepork, Đồng bằng sông Cửu Long, Xe Bang Hien – Nam Kam, và Sokhla – Tonle Sap.

Thành quả đạt được cho đến nay gồm những hiểu biết chung về các vấn đề, cơ chế phối hợp xuyên biên giới, kế hoạch hành động chung, tăng cường trao đổi thông tin – dữ liệu và truyền thông.

Diễn đàn thảo luận về sự cấp bách phải giải quyết các thách thức liên tục và cách tiếp cận đổi mới ở cả cấp khu vực và quốc gia, tập trung vào ba lĩnh vực chính: Hợp tác tích cực và minh bạch cho các kết quả chung giữa các nước Mê Công; Nâng cấp hệ thống thông tin và dữ liệu MRC bằng các công nghệ tiên tiến để cải thiện việc chia sẻ, phổ biến dữ liệu và thông tin về quản lý tài nguyên nước; Chia sẻ chi phí và lợi ích trong việc lập kế hoạch và thực hiện dự án.

Diễn đàn lưu ý rằng tiếng nói và năng lực của các cộng đồng ven sông cần được tăng cường để đảm bảo người dân có thể hiểu được thông tin khoa học, tham gia và đóng góp cho hợp tác xuyên biên giới.

Tiến sĩ An Pich Hatda, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế, nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác xuyên biên giới: “Cần phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng toàn diện với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro lũ lụt và hạn hán, bảo vệ tài sản môi trường và tăng cường lợi ích trên toàn lưu vực. Đạt được những mục tiêu này là điều cần thiết và cấp bách khi dân số và nền kinh tế tăng trưởng, biến đổi khí hậu cũng diễn tiến. Đây là lý do MRC tập trung hơn bao giờ hết vào hợp tác xuyên biên giới và các dự án chung giữa các quốc gia thành viên. Chúng tôi cam kết hỗ trợ các quốc gia thành viên và người dân trong việc biến xung đột tiềm năng thành hợp tác bằng mọi cách có thể”.

Nhật Anh (Theo MRC)

Nguồn: