Nằm cách thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) khoảng 10km, Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn gấu trúc Thành Đô được thành lập năm 1987. Đây là nơi nghiên cứu và bảo tồn gấu trúc lớn nhất ở Trung Quốc hiện nay. Trung tâm hiện có 195 cá thể gấu trúc trong danh sách nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có 95 con đang sống tại đây, vì số còn lại đã được các vườn động vật nhiều nước trên thế giới hoặc các địa phương khác của Trung Quốc mượn hoặc thuê về nuôi.
Gấu trúc chỉ sinh sống ở các tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc của Trung Quốc. Hiện nước này có hơn 2.000 cá thể gấu trúc, trong đó 70% được phân bố tại tỉnh Tứ Xuyên. Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn gấu trúc Thành Đô được gọi với cái tên đơn giản là Công viên gấu trúc. Mỗi năm, cơ sở này đón khoảng 3 triệu du khách tới tham quan và ngắm những chú gấu trúc dễ thương.
Thức ăn chủ yếu của gấu trúc là thực vật, cành lá non, trứng và một số loài côn trùng. Loài gấu này đang trong tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng vì đặc điểm sinh sản ít, tỷ lệ con chết cao… Khi mới sinh, gấu trúc chỉ dài từ 15-17cm, không có lông.
Đến 9 tháng tuổi, gấu trúc bắt đầu ăn tre, trúc. Đến 18 tháng tuổi, chúng bắt đầu sống tự lập. Gấu trúc trưởng thành có thể cao hơn 1,5 m và có thể sống từ 20 đến 30 năm, tùy theo điều kiện sống.
Mỗi ngày, 1 con gấu trúc trưởng thành ăn 40kg thức ăn. Gấu trúc sợ nóng, không sợ lạnh, nên khi nhiệt độ ngoài trời 26 độ C, nhân viên chăm sóc sẽ đưa chúng vào nhà mát có điều hòa. Một con gấu trúc sinh ra chỉ nặng 120g nhưng khi trưởng thành nặng trung bình 120kg.
Dưới đây là một số hình ảnh mà phóng viên Báo Hànộimới ghi được trong chuyến tham quan Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn gấu trúc Thành Đô.