“Nếu việc sử dụng rượu bia mà không thể kiểm soát tác hại của nó tiếp tục diễn ra thì bất kỳ ai trong chúng ta cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là tội phạm”.
Từ thực tế những vụ tai nạn giao thông thương tâm do tác hại của rượu, bia xảy ra trong thời gian qua, nhiều đại biểu tham dự Kỳ họp thứ bảy – Quốc hội khóa XIV đề nghị siết chặt quy định quảng cáo mặt hàng này.
Nguy cơ trở thành tội phạm
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Phú Yên) nhấn mạnh: “Chúng ta chỉ có thể giảm tác hại rượu bia thông qua việc giảm sử dụng. Nếu việc sử dụng rượu bia mà không thể kiểm soát tác hại của nó tiếp tục diễn ra thì bất kỳ ai trong chúng ta cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là tội phạm.”
Bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết, trước Kỳ họp thứ bảy – Quốc hội khóa XIV, bà đã tiến hành khảo sát, phỏng vấn sâu một nhóm trẻ (trong độ tuổi từ 12-16 tuổi) về những loại đồ uống mà các em sử dụng. Kết quả, có 83% tổng số người tham gia cuộc khảo sát liệt kê các loại đồ uống có cồn; 87,6% số trẻ trong nhóm này cho biết, họ không nhận biết được đồ uống có cồn từ 4,5% trở lên.
“Khi hỏi các em về cảm giác sau khi sử dụng loại đồ uống này, câu trả lời tôi nhận được là: ‘Con có cảm giác lâng lâng,’ ‘Con thấy chóng mặt’… Tuy nhiên, nguy hại hơn, gần 80% số em tham gia khảo sát cho biết, vẫn sẽ tiếp tục lựa chọn và sử dụng nhiều loại đồ uống có cồn đã liệt kê bởi được giới thiệu, quảng cáo rằng, đó là các loại nước hoa quả có gas, nước trái cây lên men.
Như vậy, nếu không muốn nói rằng, quảng cáo đã tự do đánh tráo khái niệm thì cũng đã làm trái quy định nghiêm cấm thông tin không chính xác về ảnh hưởng của rượu bia đến sức khỏe con người,” đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết.
Từ đó, bà Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, cần siết chặt việc quảng cáo các loại rượu, bia, đồ uống có cồn để phòng chống tác hại của rượu, bia. Cụ thể, việc siết chặt này cần tập trung vào hai khía cạnh: thứ nhất, hạn chế tỷ lệ trẻ em tiếp xúc với quảng cáo rượu, bia, đồ uống có cồn; thứ hai, kiểm soát nội dung quảng cáo để trẻ em không lầm tưởng đó là những sản phẩm được khuyến khích sử dụng.
Bên cạnh đó, bà Phạm Thị Minh Hiền cũng cho rằng, cần điều chỉnh khung giờ quảng cáo rượu, bia, đồ uống có cồn trên truyền hình. Quy định không được quảng cáo rượu, bia, đồ uống trong khung giờ từ 19 giờ đến 20 giờ hàng ngày (như trong Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia) là không hợp lý.
“Đây là thời gian của chương trình thời sự, gần như không có quảng cáo. Đó chỉ là khung giờ vàng theo quan điểm của người lớn, không có ý nghĩa ưu tiên giảm tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và đồ uống có cồn đối với trẻ em. Tôi cho rằng, cần điều chỉnh, mở rộng khung giờ trên thành khoảng thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hàng ngày,” bà Hiền nói.
Quản lý quảng cáo rượu theo độ cồn
Ở góc độ khác, ông Phạm Trọng Nhân (Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bình Dương) bày tỏ, Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chưa chặt chẽ khi chỉ quy định việc không được quảng cáo rượu, bia từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn ở các trường hợp: trong các chương trình, hoạt động thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh; trên các loại phương tiện quảng cáo ở ngoài trời.
Nếu quy định như vậy, những sản phẩm rượu, bia dưới 5,5 độ cồn vẫn sẽ được quảng cáo trong các chương trình, phương tiện nói trên. Do đó, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng, cần siết chặt hơn nữa quy định quảng cáo rượu, bia, sản phẩm có cồn: không cho phép quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ cồn trong trong các chương trình, hoạt động thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh và trên các loại phương tiện quảng cáo ở ngoài trời.
Ngoài ra, ông Phạm Trọng Nhân cho rằng, đối với việc quảng cáo, bán rượu, bia, đồ uống có cồn trên Internet, cần có bộ lọc, công cụ quản lý đối tượng tiếp cận, khai thác, tìm kiếm thông tin.
“Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến về sự xuống cấp đạo đức xã hội. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do tác hại của rượu bia. Việc dễ dàng tiếp cận rượu, bia, đồ uống có cồn sẽ ảnh hưởng tới việc bảo vệ đạo đức xã hội”, ông Nhân nói.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, độ cồn trong sản phẩm rượu, bia quyết định những tác động có hại của rượu, bia đến sức khoẻ con người, nên việc quản lý quảng cáo rượu theo độ cồn là cần thiết.
Theo bà, nhiều quốc gia trên thế giới cũng căn cứ trên nồng độ cồn của sản phẩm để quy định các giải pháp quản lý phù hợp. Do đó, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã quy định những biện pháp quản lý quảng cáo rượu theo hướng quản lý chặt với rượu có độ cồn cao, từ 15 độ cồn trở lên; quản lý giảm nhẹ hơn đối với rượu (từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn) và bia (từ 5,5 độ cồn trở lên); quản lý ở mức thấp đối với rượu, bia dưới 5,5 độ cồn.
Dự thảo Luật cũng đã quy định việc quản lý hoạt động khuyến mại rượu, bia theo hai mức độ: nghiêm cấm việc khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi; khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu từ 15 độ cồn trở lên hoặc sử dụng rượu từ 15 độ cồn trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.