Ngày 22/5, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tỉnh Vĩnh Long tổ chức cuộc họp khẩn triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi vừa xuất hiện trên địa bàn tỉnh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long, ngày 20/5, trên địa bàn phường 8, thành phố Vĩnh Long đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại hộ ông Phạm Nhựt Cường với tổng đàn lợn bị nhiễm bệnh là 22 con. Toàn bộ đàn lợn đã được tiêu hủy ngay sau khi có kết quả xét nghiệm bị nhiễm dịch của Chi cục Thú y vùng VII.
Đến sáng 22/5 tiếp tục phát hiện thêm hai ổ dịch tả lợn châu Phi tại phường 5, thành phố Vĩnh Long với tổng số lợn nhiễm bệnh và tiêu hủy hơn 109 con. Như vậy, đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã xuất hiện ba ổ dịch tả lợn châu Phi với số lượng 131 con.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có khoảng 356.000 con lợn; trong đó, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và nuôi lợn rừng sử dụng thức ăn thừa chưa qua nấu chín rất nhiều. Ngoài ra, trên địa bàn các huyện Vũng Liêm, Tam Bình có nhiều cơ sở thu gom lợn ngoài tỉnh về và xuất đi các nơi khác. Do đó, trong thời gian tới, dịch tả lợn châu Phi có khả năng phát sinh thêm và lây lan phức tạp.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trần Hoàng Tựu yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tỉnh Vĩnh Long triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch; trong đó chỉ đạo tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn nhiễm bệnh trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính dịch bệnh; tăng cường thành lập các chốt kiểm dịch, kiểm tra các phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm thịt lợn qua địa bàn tỉnh nhằm hạn chế lây lan.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long chủ động hướng dẫn, phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo ngành chuyên môn là Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn cơ sở chăn nuôi thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng; tuyệt đối không nhập con giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; thực hiện nghiêm việc tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác; kiểm soát tốt nguồn thức ăn, phương tiện vận chuyển ra vào trại; khi phát hiện lợn có dấu hiệu bị bệnh phải báo ngay với cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương, không tự xử lý; chấp hành nghiêm hướng dẫn xử lý dịch bệnh của cơ quan thú y.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn cụ thể việc chôn lấp, tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn dương tính bệnh dịch tả lợn châu Phi và giám sát các hố chôn để kịp thời xử lý các trường hợp ô nhiễm sau khi chôn hủy.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh chỉ đạo các công ty, xí nghiệp, hợp tác xã vận tải cam kết không vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, vận chuyển bằng phương tiện không đúng quy định, không vận chuyển hành khách cùng với động vật, sản phẩm động vật; phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát phương tiện giao thông đường thủy, đường bộ về việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ vùng dịch bệnh vào tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trần Hoàng Tựu yêu cầu các ngành liên quan tăng cường phối hợp kiểm tra xử lý các phương tiện vận chuyển động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật; kiểm tra xử lý các điểm kinh doanh, giết mổ gia súc trái phép trên địa bàn; kiểm tra, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn sống, sản phẩm thịt sống không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Các địa phương thống kê tổng đàn lợn hiện có, có phương án ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người chăn nuôi; phối hợp kiểm tra xử lý các điểm giết mổ gia súc trái phép, kiểm tra tại các tuyến đường nhỏ liên thông với các tỉnh giáp ranh để hạn chế tối đa vận chuyển lợn bệnh và sản phẩm thịt lợn bệnh, không rõ nguồn gốc từ các tỉnh khác đưa về tỉnh tiêu thụ.
Như vậy, đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã lan đến 38 tỉnh, thành phố trong cả nước.