Sáng 22-5, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Qua thảo luận, các đại biểu đều cơ bản nhất trí và bày tỏ vui mừng với những thành tựu về phát triển kinh tế – xã hội theo báo cáo của Chính phủ. Các đại biểu đều thống nhất đánh giá, với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn đảng, toàn dân và toàn quân, tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện, chuyển biến về kinh tế-xã hội, tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đặc biệt là những chỉ tiêu đề ra đều đạt hoặc vượt, trong đó lĩnh vực nông- lâm- ngư nghiệp và thủy sản gặt hái nhiều thành công. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn thế giới, chúng ta vẫn tìm được đầu ra cho nông sản, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhiều lĩnh vực được nhân dân đánh giá cao như phòng chống tham nhũng, xử lý tình hình tội phạm ma túy, băng nhóm tín dụng đen…
Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt chi tiêu, giảm nợ công, chống gian lận thương mại, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần tích cực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo…
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số bất cập, hạn chế cũng như những thách thức mới có khả năng ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh những tháng tiếp theo và khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019, đòi hỏi được nghiên cứu, đánh giá thận trọng để chuẩn bị các phương án và giải pháp phù hợp để đạt được mục tiêu đề ra.
Cần có tiêu chí sàng lọc để tránh “công nghệ rác”
Nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút đầu tư từ nước ngoài lớn, đặc biệt trong bối cảnh đã gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), song đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) lại dẫn ra một loạt thách thức, khó khăn từ thị trường kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế nước ta, đặc biệt là nguy cơ chiến tranh Mỹ-Iran, hay cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt…
Để ứng phó với những vấn đề trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Chính phủ chắc chắn đã đưa ra nhiều kịch bản để đối phó với những tình huống trên; và khẳng định, trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nước ta vẫn có nhiều thuận lợi: Xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ tăng lên, tương lai sẽ có nhiều đơn đặt hàng hơn xuất khẩu sang thị trường Mỹ nếu bảo đảm được chất lượng cũng như nguồn hàng với giá cả cạnh tranh.
Ngược lại, nhắc đến con số 66 tỷ USD nhập siêu từ thị trường Trung Quốc trong năm 2018, đại biểu cho rằng con số này sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Đại biểu TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, chuyển vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ rất cao, đây là cơ hội để thu hút được nhiều nhà đầu tư, song cũng là khó khăn để Việt Nam lựa chọn nhà đầu tư phù hợp cũng như lựa chọn hàng rào kỹ thuật để vẫn bảo đảm đầu tư nước ngoài, ưu tiên công nghệ cao, an toàn với môi trường. “Như vậy, Chính phủ phải hết sức thận trọng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam bứt phá trong thời gian tới”, đại biểu đề nghị.
Ở một khía cạnh khác, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh đến căng thẳng Mỹ-Iran hiện nay sẽ gây tác động đến khu vực các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), khiến nguồn cung dầu trên thế giới sẽ có biến động, dẫn đến tăng giá dầu thô đột biến… Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có những kịch bản để kiểm soát lạm phát một cách tốt nhất.
Cùng mối quan tâm đến căng thẳng thương mại trên thị trường thế giới, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) lại nhấn mạnh đến những tiêu chí để sàng lọc trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng gia tăng.
“Phát triển hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp để đón làn sóng doanh nghiệp từ nước ngoài đổ về Việt Nam, nước ta đã có động thái gì để đón điều này chưa? Bên cạnh đó là tiêu chí sàng lọc để tránh “công nghệ rác”, hay công nghệ lạc hậu xâm nhập vào nước ta…
Nếu không có tiêu chí sàng lọc rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến môi trường của ta rất nhiều”, đại biểu phân tích.
Đại biểu cũng cho rằng, khi hàng hóa của Trung Quốc ào về Việt Nam, thậm chí mượn nhãn mác của Việt Nam để xuất khẩu nhằm trốn thuế sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, phát triển kinh doanh tại thị trường nước ta.
Chính phủ nên chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan để chuẩn bị các tiêu chí để sàng lọc, không phải cái gì cũng nhận về, bảo đảm cho sự phát triển bền vững.
Tính toán biểu giá điện luỹ tiến để đáp ứng sinh hoạt tối thiểu của người dân
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) lại quan tâm đến việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu và cho rằng, dù Bộ Công Thương đã có giải trình về cơ chế tính giá nhưng cần làm rõ hơn để người dân yên tâm.
“Đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán lại giá điện và giá xăng dầu xem có đúng như đề xuất của các cơ quan hay không. Nếu kiểm toán và trả lời thì dù tăng hay giảm, người dân cũng thấy minh bạch và yên tâm. Người dân nói tăng giá dù có ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống nhưng quan trọng nhất là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho biết, qua tham khảo ý kiến của nhiều nhà kinh tế thì thực tế giá điện không phải tăng 8,36% như công bố; đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như kinh doanh điện. Đại biểu tuy đồng tình cách tính luỹ tiến nhưng cần tính toán mức luỹ tiến thích hợp để đáp ứng sinh hoạt tối thiểu của người dân; đề nghị cần có câu trả lời rõ ràng về chính sách bù lỗ giá điện thực chất là thế nào và vấn đề này có liên quan đến tăng giá điện hay không.
Dẫn chứng thực tế của ngành hàng không cho thấy người dân có nhiều lựa chọn hơn sau khi để các đơn vị tư nhân tham gia, đại biểu Lê Thu Hà cho rằng, về lâu dài, bên cạnh quan tâm đầu tư phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… thì cũng cần đa dạng hóa thành phần tham gia vào việc phân phối điện.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) thì đề nghị, bên cạnh việc thanh tra kịp thời, báo cáo công khai dư luận về việc điều hành giá điện, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giám sát chuyên đề việc đầu tư, quản lý, xây dựng định mức giá bán điện, điều chỉnh giá điện, bởi đây là vấn đề liên quan đến đời sống của người dân.