Nhiều đối tượng đã ngang nhiên đưa người, máy cơ giới, phương tiện vào Khu vực phòng thủ quân sự tỉnh Đác Nông tổ chức khai thác trái phép quặng thiếc. Sự việc này khiến dư luận bức xúc nhưng các cơ quan chức năng tỉnh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đác Nông chưa có biện pháp xử lý, ngăn chặn.
Sau nhiều giờ đi bộ vượt rừng, chúng tôi đã đến được địa điểm khai thác trái phép quặng thiếc. Qua định vị tọa độ tại hiện trường xác định, địa điểm khai thác quặng thiếc trái phép nằm ở khu vực suối giáp ranh với Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, lâm phần rừng thuộc Khu vực phòng thủ quân sự tỉnh Đác Nông do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đác Nông trực tiếp quản lý.
Quan sát hiện trường khai thác quặng trái phép cho thấy, các đối tượng khai thác công khai, quy mô lớn với các thiết bị máy cơ giới, nhiều người tham gia giống như rừng và đất rừng nơi vô chủ.
Tại thời điểm chúng tôi có mặt, có khoảng mười người làm công đang điều khiển các loại máy khai thác quặng và tụ tập chuẩn bị cho buổi cơm trưa tại lán trại.
Có một máy múc cỡ lớn đang phá cây rừng và dọn thực bì khu vực lòng suối để lấy mặt bằng khai thác quặng; một máy ủi bánh xích dùng để mở đường vào bãi quặng; một bè nổi đặt máy hút sàng quặng thô; một máy sàng quặng tinh…
Tất cả đang hoạt động liên tục với tiếng nổ chát chúa vang xa đến vài km.
Tại hiện trường ghi nhận, các đối tượng dựng một lán trại sinh hoạt tại chỗ khoảng 30 m2; một lán làm bếp nấu ăn khoảng 8 m2; một nhà tắm tạm khoảng 2 m2 ở bìa rừng gần suối.
Trong lán có một sạp gỗ khoảng 10 m2 được trải chiếu cói cho người làm nghỉ và có nhiều võng dù có lưới chắn phía trên để các đối tượng ngủ vào buổi tối chống muỗi.
Chung quanh lán trại và khu vực khai thác, có khoảng hơn 20 thùng phuy xăng dầu dùng cho các loại máy cơ giới trong hoạt động khai thác quặng, khoảng 50 ống nhựa cỡ lớn, dài khoảng 5m dùng nối làm vòi hút khai thác quặng; khoảng 10kg quặng thiếc thành phẩm đang được phơi ngay tại lán trại.
Theo quan sát của chúng tôi, diện tích khai thác đã thực hiện với quy mô khoảng 6 ha. Trong diện tích này có nhiều cây rừng nằm ở ven suối, sình lầy bị các đối tượng chặt hạ, hiện trường sau khai thác chỉ còn lại các vũng nước lớn rất sâu. Việc khai thác làm nước suối chuyển sang màu đục trắng, ô nhiễm trong phạm vi hàng chục km.
Về thực phẩm và các đồ dùng sinh hoạt, nước uống phục vụ các đối tượng khai thác quặng trái phép được thuê người bên ngoài thực hiện mỗi tuần một lần, mua ở hai địa điểm là: chợ xã Quảng Sơn, huyện Đác G’long và chợ xã Nâm N’Jiang, huyện Đác Song.
Các thực phẩm tươi được bảo quản trong thùng xốp bằng đá lạnh. Điện sinh hoạt ban đêm được sử dụng bằng đèn sạc pin, đèn pin và bình ắc-quy.
Để vào được bãi khai thác quặng thiếc trái phép có ba con đường, trong đó có hai đường đi trực tiếp và bắt buộc phải qua lâm phần, doanh trại của Khu vực phòng thủ quân sự Đác Nông do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đác Nông quản lý và một đường đi qua chốt kiểm lâm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung.
Tuy nhiên, qua thâm nhập thực tế cả ba con đường chúng tôi nhận thấy, các đối tượng đi vào bãi khai thác quặng thiếc trái phép bằng đường cổng chính của doanh trại Khu vực phòng thủ quân sự Đác Nông do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đác Nông quản lý, sau đó đi qua trước cửa doanh trại rồi mở đường đi vào bãi quặng thiếc.
Cụ thể: con đường đi qua chốt kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung vòng vèo rất xa khoảng 16 km, phải đi qua một suối sâu bằng cầu khỉ do người dân đi rừng bắc tạm bợ, chỉ là đường mòn tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, chung quanh cây cối rậm rạp, mặt đường cũ rêu xanh trơn trượt với vài vệt bánh xe máy rất mờ nhạt, không có dấu hiệu của việc vận chuyển các loại máy cơ giới vào bãi khai thác quặng thiếc.
Con đường thứ hai để vào bãi khai thác quặng thiếc trái phép đi ngang trước vọng gác và cổng doanh trại của Khu vực phòng thủ quân sự Đác Nông do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đác Nông quản lý, sau đó đi qua suối cạn vào thẳng lâm phần của Khu vực phòng thủ quân sự tỉnh Đác Nông.
Tại thời điểm chúng tôi đi thực tế, con đường này cây bụi, cỏ mọc cao khoảng 40-50 cm, mặt đường rêu xanh trơn trượt, chỉ có một vài vệt bánh xe máy của người dân đi rừng, không có dấu hiệu đường vận chuyển máy móc vào khai thác quặng thiếc trái phép.
Con đường còn lại, cũng là đường duy nhất các đối tượng dùng để vận chuyển máy móc, đưa người vào khai thác quặng trái phép đó là đường dẫn vào doanh trại Khu vực phòng thủ quân sự Đác Nông do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đác Nông quản lý.
Cụ thể, trước khi vào được doanh trại phải qua chốt vọng gác có người trực 24/24 giờ và qua cổng lớn có cánh cửa bằng sắt của doanh trại, cổng có khóa nghiêm ngặt phải có lệnh trực tiếp từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đác Nông mới được mở cổng này.
Sau khi qua cổng phải đi qua cầu bê-tông và quãng đường khoảng 500 m mới đến doanh trại. Để tiếp tục đi vào bãi quặng thiếc trái phép, các đối tượng đã dùng máy múc, máy ủi sửa lại con đường dẫn vào “vùng cấm” Khu vực phòng thủ quân sự Đác Nông khoảng bốn km, sau đó mở đường về phía bên phải lên các đỉnh đồi để đến bãi khai thác quặng.
Qua thâm nhập thực tế, đường dẫn vào bãi quặng trái phép có chiều dài khoảng 10km, các đối tượng dùng máy ủi, máy múc mở đường đi qua năm ngọn đồi, với bề mặt đường rộng từ 3 – 3,5m, phía ta-luy dương có đoạn cao gần 3 m, khi mở đường nhiều cây rừng bị ủi bật gốc nằm chỏng chơ ven đường, các đối tượng còn cắt cây rừng lấp xuống khu vực suối làm cầu tạm để vận chuyển máy móc, phương tiện vào bãi khai thác…
Khu vực phòng thủ quân sự tỉnh Đác Nông có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, việc quản lý ở đây được thực hiện rất nghiêm ngặt. Nhưng với những gì đang diễn ra trong khu vực phòng thủ khi thâm nhập thực tế khiến chúng tôi hết sức bất ngờ.
Việc người và máy móc ra vào tự do, mở đường khai thác quặng thiếc trái phép rầm rộ trong khu vực phòng thủ như trên là vi phạm nghiêm trọng về quản lý vùng bí mật quân sự, vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác tài nguyên…
Vậy, có hay không sự tiếp tay, buông lỏng của một số cán bộ được giao nhiệm vụ? Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Đác Nông và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đác Nông sớm kiểm tra, chấn chỉnh và có biện pháp xử lý cụ thể, không để tái diễn những hành động vi phạm pháp luật nêu trên.