Các hộ dân ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị rất bức xúc trước tình trạng xả thải không qua hệ thống xử lý của các cơ sở tái chế rác thải bao bì ra môi trường trên địa bàn.
Theo ông Trần Kim Vinh, Trưởng thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, hiện, trên địa bàn thôn có tất cả 4 cơ sở tái chế rác thải bao bì của các ông: Đỗ Xuân Phúc, Đỗ Duy Thơ, Đỗ Duy Quân và Bùi Đình Toan.
Các cơ sở này bắt đầu xây dựng, đi vào hoạt động từ năm 2012 đến nay, tập trung chủ yếu vào tái chế bao bì xi măng để lấy nhựa và bột giấy.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, các cơ sở này đều không tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường như: Công nhân làm việc trong các cơ sở không được trang bị đồ bảo hộ lao động, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người làm việc. Toàn bộ khối lượng nước dùng để rửa, giặt bao bì được các cơ sở xả thải trực tiếp ra môi trường, không qua hệ thống xử lý nước thải.
Các chất thải rắn như giây bao bì, cát, bột… xả thải vương vãi ra xung quanh gây ô nhiễm về môi trường và cảnh quan khu dân cư.
Điều đáng nói, tất cả các cơ sở tái chế rác thải bao bì gây ô nhiễm này đang hoạt động trong khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt cũng như đời sống sản xuất của người dân nơi đây.
Do lượng nước thải không qua xử lý, xả thải trực tiếp ra môi trường bên ngoài có màu đen xì, nổi bọt nên hầu như tất cả các giếng khơi, giếng khoan của các hộ dân trong thôn nước đều bị bốc mùi khó chịu, không thể sử dụng để ăn uống, tắm giặt.
Nhiều diện tích hoa màu xung quanh các cơ sở trước đây được người dân canh tác, nay đều bị bỏ hoang bởi cây trồng, vật nuôi không thể sinh sống, phát triển. Một số hồ nuôi cá giống, cá thịt của các hộ dân trong thôn Long Hưng bị chết, gây thiệt hại kinh tế cho các hộ dân.
Thôn Long Hưng hiện có 728 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu. Kể từ khi các cơ sở tái chế rác thải bao bì đi vào hoạt động đến nay, số người dân trong thôn bị mắc các chứng bệnh như da liễu, mắt, tiêu hóa tăng lên đáng kể.
Là một vùng dân cư thuần nông, đời sống kinh tế còn có nhiều khó khăn nhưng vì để bảo vệ sức khỏe cho gia đình, tất cả các hộ dân ở nơi đây đều phải mua nước về để ăn uống, sinh hoạt.
Trước phản ánh của người dân về thực trạng ô nhiễm do 4 cơ sở tái chế rác thải bao bì gây ra, Ủy ban nhân dân huyện Hải Lăng và xã Hải Phú đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, thử nghiệm các mẫu nước thải do các cơ sở này thải ra.
Kết quả cho thấy đều vượt từ 3 đến hơn 371 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT. Bình quân, mỗi cơ sở tái chế khoảng 6 tấn bao bì/tháng (1 năm hoạt động khoảng 8 tháng), thải ra môi trường khoảng 90 m3 nước thải và 120 kg chất thải rắn (dây bao bì, cát, bột giấy…).
Ông Văn Ngọc, người dân thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng cho biết: Tất cả các hộ dân trong thôn đã nhiều lần phản ánh với các cấp chính quyền về tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở tái chế rác thải bao bì trên địa bàn thôn gây ra, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân nhưng không hiểu sao các cơ sở này vẫn hoạt động, tiếp tục gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh.
Người dân mong muốn chính quyền sớm can thiệp, các cơ sở này muốn tiếp tục hoạt động phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn, đảm bảo giữ vệ sinh môi trường, nếu không, phải dừng hoạt động để cho người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.